Đoàn kịch nói Công an nhân dân với những vở diễn đi cùng năm tháng

Thứ Năm, 25/05/2017, 08:13
Cách đây 35 năm, ngày 27-4-1982, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Phạm Hùng đã ký quyết định số 1625/QĐ-BNV thành lập Đoàn Nghệ thuật CAND trực thuộc Cục Công tác chính trị, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục chính trị CAND).


Nhắc tới Đoàn Kịch nói Công an nhân dân (CAND)- đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc Cục Công tác Chính trị, Tổng cục Chính trị CAND phải kể tới thành công của các vở diễn như: "Tôi là người Việt Nam", "Đường đua trong bóng tối", "Quyết đấu giữa sương mù", "Bản danh sách điệp viên", "Người tù trao áo" hay "Khát vọng của những linh hồn", "Không phải là vụ án"  và mới đây là vở "Bão của hoàng hôn"...

Những vở kịch tuyên truyền đậm nét về đề tài an ninh, trật tự đã được các lớp nghệ sỹ, diễn viên đổ mồ hôi, trí tuệ, tâm huyết thể hiện ngay trên sân khấu, góp phần mang lại danh hiệu cao quý - Huân chương Lao động hạng Ba cho Đoàn vào đúng dịp kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống (27/4/1982- 27/4/2017).

Ghi dấu ấn đặc biệt qua từng  vở diễn  

Rạp Công nhân nằm trên phố Tràng Tiền, Hà Nội vào một buổi tối đầu tháng 4 - 2017 rực sáng đèn, đón những vị khách đặc biệt là các nhà quản lý, các nhà biên kịch, đạo diễn và nhiều nghệ sỹ có tên tuổi cùng đông đảo cán bộ, chiến sỹ Công an đến xem, đánh giá, góp ý lần cuối cùng cho vở kịch mới "Bão của hoàng hôn", tác giả kịch bản Vũ Thị Thu Phong, đạo diễn NSND Lê Hùng, với sự  góp mặt của dàn diễn viên có tên tuổi thuộc Đoàn Kịch nói CAND.

Trong khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ, nhóm phóng viên chúng tôi và khán giả đã bị cuốn theo các xung đột trong vở diễn. Vở kịch nói về "cơn bão cuối đời" dội xuống Thiếu tướng CAND Trịnh Thắng (diễn viên Nguyễn Đăng Hòa vào vai).

Vì nhiệm vụ công tác trong lực lượng tình báo đặc biệt, ông đã phải xa gia đình, xa quê hương biền biệt 28 năm, khi trở về nhà thì vợ đã mất, con đã trưởng thành, con trai là Chủ tịch UBND thị xã Trịnh Khôi (diễn viên Nguyễn Hoài Nam vào vai) và cô con gái là nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực (diễn viên Bảo Thanh thủ vai). Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, với nhân dân, với lực lượng CAND, tưởng rằng những ngày tháng còn lại, vị tướng Công an ấy sẽ có thời gian thảnh thơi, an phận tuổi già, nhưng chính những xung đột tại quê hương và trong ngôi nhà của mình đã không cho ông được ngơi nghỉ.

Một cảnh trong vở kịch "Bão của hoàng hôn" vừa được Đoàn kịch nói CAND công diễn.

Đau xót thay, con trai ông lại chính là đối tượng cầm đầu, ngang nhiên câu kết với các đối tượng tham nhũng, bán đất của dân để trục lợi. Với phẩm chất vốn có của người cán bộ Công an, ông không thể làm khác được. Ông đã ủng hộ con gái và các đồng nghiệp của cô thu thập chứng cứ, cùng các đồng đội trong lực lượng CAND đưa sự thật ra ánh sáng, "hy sinh" chính người con ruột của mình để cho cuộc sống ở thị xã trở lại sự yên ả vốn có.

Vở diễn đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khi chứng kiến cảnh Thiếu tướng Trịnh Thắng nằm viện, được nghe tin dữ từ cán bộ Công an thị xã về kết quả điều tra vụ án tham nhũng, có đầy đủ chứng cứ về việc con trai ông là người cầm đầu. Sự giằng co trong nội tâm của ba bố con cũng chính là cuộc giằng co, chiến đấu giữa cái thiện và cái ác.

Khi Thiếu tướng Trịnh Thắng tâm sự với con trai lần cuối trước khi con mình bị bắt, ông buộc phải làm một điều đau đớn là yêu cầu con gái mình giao nộp toàn bộ tư liệu của nhóm phóng viên thu thập được trong quá trình điều tra vụ tiêu cực cho cơ quan điều tra.

Rồi vì vụ án này mà chuyện tình yêu giữa con gái ông với chàng rể tương lai là Trưởng Công an thị xã suýt dang dở... Tư tưởng của vở kịch thật sâu sắc, cùng với thông điệp mang đầy hơi thở của cuộc sống hôm nay khiến người xem phải suy ngẫm, trăn trở và thấu hiểu hơn về sự hy sinh thầm lặng của người chiến sỹ CAND giữa đời thường. 

Vở diễn còn có một vài "hạt sạn" nhưng đã được các nhà chuyên môn góp ý kịp thời. Các nghệ sỹ, diễn viên lại tiếp tục xử lý tình huống, xoay vần với lời thoại đã chỉnh sửa, chuẩn bị lại cảnh trí và tiếp tục diễn đi, diễn lại trên sân khấu tập của trụ sở đoàn kịch, vừa chật chột, vừa nóng bức. Cho tới đêm diễn chính thức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tối 18-4, vở kịch đã thực sự thành công, gây tiếng vang trong lòng người xem và giới phê bình nghệ thuật. Đó cũng chính là món quà tinh thần đặc biệt mà anh em nghệ sỹ, diễn viên dành tặng cho khán giả nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Đoàn Kịch nói CAND (27-4-2017); thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Cục Công tác chính trị (8/5/2017).

Vượt qua khó khăn, miệt mài cống hiến

Cách đây 35 năm, ngày 27-4-1982, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Phạm Hùng đã ký quyết định số 1625/QĐ-BNV thành lập Đoàn Nghệ thuật CAND trực thuộc Cục Công tác chính trị, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục chính trị CAND).

Đại tá, NSƯT Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác chính trị, người từng giữ vai trò Trưởng Đoàn Kịch nói CAND cho biết, các thế hệ nghệ sỹ, diễn viên của Đoàn đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, từng bước phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chỉ tính riêng 5 năm gần đây (từ 2012 đến tháng 4 - 2017), Đoàn Kịch nói CAND đã phục vụ ở 63 tỉnh, thành trong cả nước, với gần 1.000 đêm biểu diễn cho hàng vạn lượt khán giả tới xem, góp phần tuyên truyền có hiệu quả về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Chúng tôi đến thăm cơ ngơi của đoàn kịch tại phố nhỏ Mai Anh Tuấn, để rồi được chứng kiến nỗi nhọc nhằn của người nghệ sỹ sau ánh hào quang sân khấu. Đại tá, NSƯT Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn Kịch nói CAND cho biết, chính từ sân khấu nhỏ này, tuy cơ sở vật chất còn khó khăn, nhưng với sự luyện tập say mê của lớp lớp nghệ sỹ, diễn viên, bao vở kịch đã ra đời, công diễn, đến với khán giả trong và ngoài nước. Nhiều vở kịch đã đoạt các giải thưởng lớn, Huy chương vàng, Huy chương bạc trong các kỳ Hội diễn, Liên hoan sân khấu toàn quốc; nhiều cá nhân giành được các giải cao và được Nhà nước phong tặng NSND, NSƯT.           

Còn nhớ trong chuyến công tác ra biểu diễn phục vụ lực lượng vũ trang và bà con huyện Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi hồi tháng 3 vừa qua, Đại tá, NSƯT Nguyễn Văn Hải đã giải thích cho chúng tôi nghe tại sao chọn vở kịch ngắn với đề tài mua bán người qua biên giới để diễn.

Ở thành phố, đoàn có điều kiện vận chuyển và chuẩn bị sân khấu lớn với đầy đủ cảnh trí, phục trang, nhưng đợt lưu diễn ra đảo, đi gần 1 tuần, chưa kể có đợt lưu diễn dài tới 2 tháng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới thì các anh lại chọn những diễn viên đa năng nhất, giảm thiểu tối đa cảnh trí, chọn diễn vở ngắn với đề tài phong phú để có thể diễn ở đâu cũng được, có thể là sân trụ sở ủy ban hay thậm chí là ở một mảnh đất trống giữa bản nhỏ.

Tâm sự chuyện đời, chuyện nghề, có diễn viên bộc bạch, những tràng pháo tay của khán giả qua nhiều đêm diễn và  ghi nhận của giới chuyên môn đối với các vở diễn chính là động lực để người nghệ sỹ mang trên mình sắc phục công an quên hết khó khăn, nhọc nhằn, "cháy hết mình" theo từng nhân vật trên sân khấu. Bằng lối diễn dung dị, truyền cảm, cùng với các vở diễn đi sâu phê phán những thói hư tật xấu, ca ngợi người tốt, việc tốt, những tấm gương dũng cảm trên mặt trận đấu tranh giữ gìn an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội... Đoàn Kịch nói CAND đã dần khẳng định thương hiệu của mình trong lòng bè bạn quốc tế và khán giả trong nước.

Chặng đường 35 năm xây dựng và trưởng thành, Đoàn Kịch nói CAND đã không ngừng phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa chung của đất nước và của Bộ Công an.

Với những thành tích đạt được, Đoàn Kịch nói CAND đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như: Huân chương chiến công hạng Ba- năm 1997; Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì - năm 2007; Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất - năm 2012 và đặc biệt là Huân chương Lao động hạng Ba- tháng 4-2017...

Anh Hiếu
.
.