Nhuận bút nói lên điều gì?

Thứ Bảy, 02/05/2020, 08:14
Tôi nghĩ một người viết văn không hoàn toàn nghĩ tới nhuận bút khi sáng tác, nhưng rõ ràng thù lao cũng quan trọng với anh ta và câu chuyện nhuận bút thường ẩn sau nhiều điều lí thú trong làng văn, làng báo...


Đa số nhà văn Việt không sống được bằng nghề, đó là một thực tế, nhưng nhuận bút đôi khi cũng đỡ đần cho họ đôi chút trong cuộc sống thường ngày. Nhiều người cho nhuận bút là một thứ “lộc trời”, những người chuyên nghiệp và danh tiếng hơn thì cũng chỉ dựa vào nó một phần để gánh gượng cuộc sống và tiếp tục nuôi dưỡng sự viết.

Ngay từ khi văn học Việt manh nha hình thành chuyên nghiệp hồi đầu thế kỉ trước, nghĩa là khi nhà văn viết truyện và được trả tiền thì đã có rất nhiều chuyện vui buồn xung quanh việc trả công. Ngay cả một tổ chức văn học rất có tiếng thời đó là Tự lực văn đoàn đã có lúc trả nhuận bút theo một phong cách rất… giang hồ! Nếu tác giả tự gửi bản thảo đến, Tự lực văn đoàn vẫn in bài nhưng không trả nhuận bút vì họ cho rằng, tác giả cần in bài chứ bản báo… cũng không cần lắm!

Tất nhiên nếu toà soạn trực tiếp đặt bài tác giả thì họ sẽ trả nhuận bút sòng phẳng. Trường hợp thứ nhất diễn ra không nhiều nhưng không phải là hiếm. Có những cú ngoại lệ khá thú vị. Nhà văn Bùi Hiển khi in truyện ngắn “Nằm vạ” trên báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn, ông được nhuận bút là bốn đồng, tương ứng với một chỉ vàng khi đó!

Còn khi tập truyện ngắn cùng tên “Nằm vạ” được in thì nhuận bút là mười lăm phần trăm, sau khi trừ chi phí và tác giả nhận ba mươi cuốn sách biếu. Một cách trả nhuận bút đúng kiểu Hollywood và có lẽ các nhà văn bây giờ vẫn đang mơ ước!

Nhà văn Bùi Hiển và nhà văn Umberto Eco.

Câu chuyện nhuận bút có rất nhiều sự tréo ngoe đã từng diễn ra. Thời bao cấp, cuộc sống khốn khó nhưng văn chương lại được đề cao, nhà nước gần như bao tiêu toàn bộ các cuốn sách. Hồi ấy, in một cuốn sách rất khó, thậm chí phải hai, ba người chung nhau mới ra được một cuốn, nhưng mỗi lần in đến mấy chục nghìn bản, thậm chí trăm nghìn bản. Giá sách rất rẻ, chỉ vài hào hoặc vài đồng nhưng với số lượng in lớn như thế và giá cả sinh hoạt thấp, nhiều người đã kể lại rằng, lúc đó đôi khi chỉ cần in hai quyển sách là đã gần như mua được một ngôi nhà!

Nếu so sánh hồi bao cấp với hiện nay thì quả là một trời một vực. Bây giờ in sách rất dễ, gần như ai muốn in cũng được nhưng nhuận bút thì bèo. Theo Luật Xuất bản thì nhuận bút là 10 phần trăm tổng giá trị giá bìa sách nhân với số lượng sách in, nhưng thực tế các nhà sách, nhà xuất bản thỏa thuận với tác giả theo cách riêng. Đa số các tác giả trẻ được trả nhuận bút dưới 10 phần trăm, tác giả khá hơn là 10, các nhà văn danh tiếng có thể dao động từ 12 đến 15 phần trăm.

Tất nhiên những người đạt ngưỡng 15 phần trăm rất hiếm. Để biết các nhà văn giàu tới mức nào, ta sẽ có phép tính rất đơn giản, ví dụ một cuốn sách giá 100 ngàn đồng, in một nghìn bản, tác giả được 10 phần trăm nhuận bút thì anh ta sẽ có mười triệu đồng chưa trừ thuế. Cho nên nếu bây giờ một người trông chờ vào việc mua nhà bằng cách in sách thì anh ta sẽ phải in cỡ 100 cuốn sách để mua nổi một ngôi nhà nhỏ!

Nhưng tôi biết có những tác giả sống rất khoẻ bằng nghề, ví dụ Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư. Mỗi lần ra sách, Nguyễn Ngọc Tư in khoảng 5 đến 10 nghìn bản, Nguyễn Nhật Ánh thì gấp đôi Nguyễn Ngọc Tư hoặc hơn. Cả hai nhà văn này đều là “con cưng” của Nhà xuất bản Trẻ, các nhà xuất bản khác rất khó len chân để có chữ kí của họ bởi đơn giản Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư là những “con gà đẻ trứng vàng”, họ không dễ gì mà nhả ra và tôi tin nhuận bút trả cho hai ngôi sao này tất nhiên không thể thông thường được!

Tất nhiên mọi sự so sánh đều luôn khập khiễng và không tương đồng. Một người như G. Marquez mà viết đến 5 cuốn sách mới nhận được đồng nhuận bút đầu tiên, nhưng Umberto Eco, vừa viết ráo mực cuốn tiểu thuyết đầu tay “Tên của đoá hồng”, nhà xuất bản đã tạm ứng cho ông nhuận bút của 30 nghìn cuốn. Số tiền quá lớn và nhà văn đã phải mua ngay một cái túi da to để đựng tiền! Và trong một buổi họp mặt giữa các nhà văn và những người buôn sách, Umberto Eco thậm chí đã trở thành triệu phú ngay lập tức khi một nhà buôn đứng lên đặt mua 80 nghìn cuốn sách sắp xuất bản của ông!

So sánh như thế để thấy rằng các nhà văn Việt, cơ bản là sống đìu hiu với nhuận bút. Một người tài danh như Vũ Trọng Phụng đã từng phải “viết như bổ củi” mới đủ tiền sinh sống. Khi thấy nhuận bút trả các bài viết của mình thấp quá, ông đã vận động các nhà văn đồng nghiệp làm một cuộc cách mạng, quyết “lãn công” để đòi nhuận bút cao hơn từ nhà xuất bản Tân Dân. Chỉ tiếc khi cuộc đấu tranh vừa thành công, ông Vũ Đình Long, chủ nhà Tân Dân đồng ý trả nhuận bút cao hơn thì Vũ Trọng Phụng đã lìa giã cõi đời.

Vũ Trọng Phụng kết thúc đời mình trong cơ cực, các đồng nghiệp của ông sau này có sống khá hơn một chút nhưng chủ yếu họ cũng phải làm các công việc khác để sống. Viết văn, viết báo chỉ góp một phần cộng hưởng trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Chả thế mà một thời đã lưu truyền câu ca về sự nghèo túng của những người làm nghề liên quan đến chữ nghĩa: Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghèo!

Nhưng cũng có lúc ở miền Nam trước đây, có một giai đoạn văn chương báo chí khá phát triển, các nhà văn, nhà báo giỏi cũng sống kha khá bằng nghề và các toà soạn cũng cạnh tranh với nhau quyết liệt. Các nhà văn, nhà báo giỏi được trả nhuận bút cao và vì thế có người cũng có mức sống rất khá. 

Một ví dụ tiêu biểu về sự cạnh tranh là hồi ấy, toà soạn nào kiếm được truyện dịch kiếm hiệp của Kim Dung thì báo bán chạy như tôm tươi, số nào không có Kim Dung thì “tia ra” tụt thê thảm. Có những cây bút nổi danh ăn khách thì các tờ báo tranh nhau giành về độc quyền cho mình, vì có cây bút ấy, sự làm ăn và uy tín của báo nổi hẳn lên!

Thời bây giờ các tờ báo trả nhuận bút cũng rất khác nhau, muôn hình vạn trạng. Cùng là bài viết ấy, nếu đăng ở báo này thì nhuận bút khá, đăng ở báo khác thì rất còm. Điều ấy tuỳ thuộc vào doanh thu của tờ báo và nguồn tiền nuôi sống nó. Nhuận bút cao chưa chắc đã là tờ oách, hoặc nhuận bút thấp chưa chắc đã phải tự ti.

Đối với toà soạn, tôi nghĩ họ không phải cấn cá lắm về điều này, nhưng đối với các tác giả sống một phần bằng ngòi bút thì họ rất… suy nghĩ. Làm sao để bài viết của mình có hiệu quả nhất, nghĩa là ngoài ước muốn có đông người đọc thì cũng mong một sự trả công tương xứng. Có đông người đọc và thù lao xứng đáng thì còn điều gì vui hơn dành cho người cầm bút.

Cách đánh giá bài viết để trả nhuận bút cũng có dăm bảy kiểu, thậm chí ở ngay một toà báo. Kiểu cơ bản là các bài viết có dung lượng chữ ngang bằng nhau được trả ngang tiền nhau. Một kiểu nữa là trả theo “tia ra” từng số báo, số nào báo bán chạy, nhiều quảng cáo thì trả cao và ngược lại.

Có một kiểu được nhiều người viết đồng tình là nhuận bút được trả theo chất lượng bài viết và tên tuổi tác giả. Cái tên sáng giá hơn thì sẽ được trả nhuận bút cao hơn, giống như các cầu thủ bóng đá cùng là chơi trên một sân bóng thì “sao lớn” được trả thù lao nhiều hơn “sao bé” theo tuần tự. Nhưng vấn đề đặt ra là có phải bao giờ “sao lớn” cũng phát huy được giá trị thực và “sao bé” thì không có hào quang?

Tên tuổi chỉ là một phần định vị, chất lượng và đóng góp mới là điều quan trọng nhất. Bài viết có chất lượng tốt, độc đáo, góp phần vào danh tiếng và doanh thu của báo thì phải được trả cao hơn.

Văn chương báo chí là thứ nghề cạnh tranh như muôn ngàn nghề khác, đừng nghĩ nó là trò chơi hay lộc trời, nếu có tồn tại suy nghĩ ấy thì đó là tư duy của những người, những nơi không chuyên nghiệp. Những sáng tạo nghiêm túc và lao động thực sự luôn cần được trân trọng bằng cả vật chất và tinh thần.

Sự cào bằng, bình quân chủ nghĩa sẽ không khuyến khích được tâm huyết và cống hiến. Cách thông thường nhất bây giờ người ta trả nhuận bút và tính giá sách theo số chữ. Chủ một đơn vị xuất bản đã từng phát biểu rất cay đắng rằng, hiện thời chúng ta mới chỉ đang bán giấy! Nghĩa là tác phẩm dày hơn, nhiều chữ hơn, dùng nhiều giấy hơn thì sẽ bán đắt hơn những tác phẩm ít tốn giấy và nhuận bút cũng đi theo tương ứng. Chất lượng và công sức làm ra với các tác phẩm cụ thể vẫn chưa được đánh giá một cách đúng mức.

Một bài viết chất lượng, một quyển sách có giá trị phải được trả nhuận bút cao hơn sản phẩm trung bình. Sự cạnh tranh sòng phẳng nhưng lành mạnh sẽ thúc đẩy chất lượng và sự sáng tạo của người viết. Vì như đã nói ở đầu, người viết không hoàn toàn nghĩ đến thù lao khi cầm bút nhưng thiếu nó thì anh ta sống sao nổi.

Nhuận bút thực chất là thước đo giá trị và sự công bằng trong sáng tạo chỉ có điều làm thế nào để định lượng được nó được chính xác?

Uông Triều
.
.