Nhãn hàng

Thứ Năm, 21/12/2017, 09:05
Khi các game show tìm kiếm tài năng ngày một bão hòa và nhạt nhòa, đó cũng là lúc những nhà sản xuất chương trình tìm đến các định dạng (format) mới. Và định dạng thì không thiếu. Quan trọng là tiền. Có tiền mua format chương trình nước ngoài, đầu tư cho đội ngũ sáng tạo viết định dạng chương trình, tổ chức sản xuất chương trình. Và tiền thì các công ty truyền thông không thiếu. Họ mạnh tay chi vì họ hiểu tiền sẽ đẻ ra tiền.


Và trong năm 2017 này, loại định dạng chương trình được sản xuất nhiều nhất có lẽ là loại chương trình trò chuyện (talkshow) bóc lớp các mảng "sự thật" đời tư của những người nổi tiếng. "Sau ánh hào quang", "Gương hai chiều", rồi "Chuyện tối nay với Thành"… là những chương trình tiêu biểu nhất. Chưa nói đến chiều sâu, chất lượng, hình thức mà mới chỉ nói tới chuyện người điều dẫn chương trình (host) của cả 3 show đều là Trấn Thành đã đủ cho chúng ta câu trả lời.

Không lẽ toàn cõi Việt Nam chẳng còn ai đẹp trai, duyên dáng, thông minh, hoạt ngôn hơn Trấn Thành sao? Tất cả chỉ cho thấy một điều, sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất vô cùng khắc nghiệt và bởi thế, ai cũng lựa chọn một cái tên an toàn là Trấn Thành (an toàn ở đây với hàm ý có danh tiếng tốt đủ lôi kéo khán giả) mà không mạo hiểm tìm người mới.

Nhưng chuyện ấy là việc của nhà sản xuất và chúng ta chẳng cần phải quan tâm đến nhiều. Thứ mà chúng ta nên quan tâm chính là việc sử dụng "sự thật đời tư" làm nguồn mỏ khai thác đã và đang dẫn tới nhiều hệ lụy khác nhau, ví như vụ liên quan đến Lê Giang và Duy Phương ở "Sau ánh hào quang" gần đây.

Và bắt đầu đã có những ý kiến lên án chuyện phơi bày đời tư để gây sức hút cho chương trình. Tất nhiên, chúng ta cần hiểu rằng một xã hội dân chủ và văn minh là một xã hội chúng ta cần tôn trọng quyền được làm cái điều mà chủ thể thích, miễn là luật pháp không ngăn cấm. Nghệ sỹ thích kể xấu nhau, bóc trần trụi nhau trên sóng truyền hình là quyền của họ, pháp luật không ngăn cấm và chúng ta cũng không có quyền ngăn cấm. Nhưng xét về mặt đạo đức xã hội, có những điều nên và không nên làm và việc lôi đời tư của nhau ra mua vui dĩ nhiên là bất nhẫn, nếu không nói là nhiều khi phản cảm.

Vậy thì có cách nào để ngăn cái làn sóng phản cảm ấy trong đời sống văn hoá xã hội đây? Rất khó. Nhà sản xuất muốn có thật nhiều khán giả để có thể bán được quảng cáo nên bởi thế, họ kiếm tìm các chương trình đủ độ "sốc", "giật gân". Khán giả thì thường có một thói xấu là tò mò, thích bới móc đời tư để bàn luận và họ luôn sẵn lòng đón tiếp "món ăn tinh thần" ấy.

Còn những nhãn hàng, họ thích những chương trình hút khách để từ đó, nếu họ đặt quảng cáo vào đó, độ phủ sóng của thương hiệu sẽ tốt hơn nhiều. Tất cả các nhân tố ấy cấu thành 1 vòng tròn nuôi dưỡng lẫn nhau, phụ thuộc nhau và rất khó có thể đập một mắt xích nào để thay đổi cả hệ thống ấy ngõ hầu mong muốn môi trường giải trí lành mạnh hơn, văn minh hơn. Ngay cả ở các nước văn minh, trình độ dân trí tốt hơn hẳn Việt Nam, việc tồn tại những show dạng này cũng là chuyện thường tình. Song, vì xã hội của họ văn hoá hơn, nên hệ lụy của các show kia cũng không trầm trọng như ở ta.

Nhưng khó không có nghĩa là bất khả. Chúng ta vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy các nhãn hàng quảng cáo trên các nội dung chú trọng vào tính nhân bản và do đó, việc kêu gọi, tác động đến các nhãn hàng trong việc lựa chọn nội dung quảng cáo là điều cần phải làm.

Đơn cử, một chương trình giàu cảm xúc và đẹp như "Điều ước thứ Bảy" vẫn luôn thu hút rất đông khán giả. Vậy thì tại sao các nhãn hàng không tìm đến "Điều ước thứ Bảy" mà thay vào đó, lại tự đưa mình vào đám đông nhăng nhố được quan  tâm nhiều nhưng bị lên án cũng nhiều không kém? Phải chăng, có một quyền lực quảng cáo nào đó đã dẫn dắt các nhãn hàng, điều phối họ vào các chương trình với mục đích duy nhất là lợi nhuận? Câu hỏi này không phải không đáng để đặt ra và tìm đáp án cuối cùng.

Nên nhớ, quyền lựa chọn trong tay người có tiền. Nhãn hàng có tiền, có quyền lựa chọn, và đừng nên lựa chọn nuôi dưỡng những chương trình nhảm nhí.

Văn Đoàn
.
.