Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm và điểm nhấn trong cuộc đời cầm bút
- Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Đã cầm bút phải dũng cảm!
- Đôi điều về một thế hệ cầm bút ở Tp HCM
- Thật thà cầm bút, tôn trọng sự thật
Với ý tưởng chủ đạo “hiện thực lồng ghép siêu thực, suy tưởng tiền đề cho cảm xúc”, tập thơ “Minh triết đất đai” đã tạo nên không gian thẩm mỹ khác lạ, nội hàm mới mẻ và thâm hậu, được giới làm thơ chuyên nghiệp đánh giá cao. Nhân dịp đầu xuân, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.
- Xin chúc mừng tập thơ “Minh triết đất đai” của ông được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2015. Thưa nhà thơ, giải thưởng này có ý nghĩa ra sao đối với ông?
+ Tôi vốn là người không có duyên với các giải thưởng nên xuất bản đến tác phẩm thứ 14 mới lọt được vào mắt xanh của Hội đồng Thơ và Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Nhận giải thưởng quý giá này khi đã ngoài thất thập, tôi bỗng thấy tâm hồn trẻ lại, tràn đầy hứng khởi trên chặng đường lao động sáng tạo mới.
- Ông là nhà thơ xuất thân từ nhà giáo, sự quy củ của ngành sư phạm có thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình sáng tác của ông?
+ Tôi vốn dạy học ở Hà Nội rồi vào công tác ở Sở Giáo dục TP Hồ Chí Minh, tiếp đến làm báo Giáo dục và Thời đại thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chất thanh cao trong sáng của ngành giáo dục giúp tôi nhiều trong rèn luyện nhân cách sống và nghiêm cẩn trong trang viết. Tuy nhiên, là nhà văn, nhất là làm thơ lại cần chất bay bổng đắm say, chứ lại “nghiêm cẩn, quy củ” thì thơ khó hay, dễ thành công thức giáo điều, nhạt nhẽo. Cho nên tôi luôn phải sắm hai vai: con người nghiêm cẩn và con người đắm say mơ mộng. Khó đấy, nhưng rồi cũng phải quen thôi.
- Cái khó ấy không chỉ đối với ông mà hầu hết những nhà giáo làm thơ khác phải tự vượt thoát. Nhìn lại hành trình thơ của mình, theo chủ quan của ông đâu là những bước ngoặt và đâu là sự khác biệt so với đồng nghiệp cùng thế hệ?
+ Bước sang thế kỷ XXI, nhớ lại sự cố Y2K, lúc đó cả thế giới phải chi hàng nghìn tỉ đôla Mỹ để khắc phục sự cố. Cả thế giới hồi hộp nín thở, may mà không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Sau sự cố ấy, tôi tự xem lại tất cả những sáng tác của mình từ trước, thấy hầu hết chỉ là những bài viết xuôi chiều, quy củ và nhạt nhẽo. Hàng trăm bài thơ đã in báo, tôi đốt hết. Tôi tìm đọc lại sách triết học, đọc các loại lý luận về khoa học xã hội, về văn chương thế giới và thấy cần thay đổi từ cơ bản. Năm 2004, tôi xuất bản tập thơ “Hoài nghi và tin cậy”. Tập thơ có lời đề từ: Mong bạn hoài nghi tôi/ Cho tôi tin cậy bạn/ Những lời đang vỗ cánh/ Chưa chắc là đã bay”.
Trong buổi hội thảo về tập thơ ấy ở báo Văn nghệ ngày 18-2-2004, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Thơ của chúng ta cũ lắm, cũ không chịu nổi” và ông kêu gọi: “Các nhà thơ hãy đổi mới, đổi mới quyết liệt!”. Tuy nhiên, có ở trong nghề mới biết, thay đổi quan niệm nghệ thuật, thay đổi bút pháp là cực kỳ khó khăn. Mặt khác, về phía công chúng nữa, người đọc chưa quen, chưa chấp nhận, cũng khó. Nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ với tôi cũng còn dị ứng, chê thơ của tôi là không vần, khô khan, đọc khó vào. Nhưng việc đổi mới thơ là lẽ đương nhiên, là quy luật, không thể khác được. Sự nỗ lực của tôi từ đó đến nay phải mất 15 năm, giờ mới may mắn được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh ghi nhận và trao giải thưởng, tôi rất xúc động.
- Tập thơ “Minh triết đất đai" được hình thành ngẫu hứng, tập hợp những bài lẻ lại với nhau, hay được ông thiết kế theo một không gian thẩm mỹ riêng?
+ Ngay từ năm 2000, tôi đã có ý thức, mỗi “dự án” văn chương đều phải có quy hoạch, thiết kế hoàn chỉnh. Tập “Minh triết đất đai” không phải tập hợp những bài lẻ rải rác trong nhiều năm mà được quy hoạch thiết kế đúng như anh nói, với không gian thẩm mỹ riêng, khác hẳn những tập thơ trước, ấy là: hiện thực lồng ghép siêu thực, suy tưởng tiền đề cho cảm xúc.
- Nếu chọn 5 bài tâm đắc nhất trong “Minh triết đất đai” thì ông chọn những bài nào, vì sao?
+ Tôi chọn“Minh triết đất đai”, “Bước nhảy hoàn vũ”, “Hải đăng không đèn”, “Tích tắc rượt đuổi”, “Tôi tin”. Những bài đó thể hiện đúng với ý tưởng thẩm mỹ tôi vừa nói ở trên.
Bìa tập thơ “Minh triết đất đai”. |
- Ông còn dành tâm huyết nghiên cứu, phê bình thơ. Ông nhìn nhận ra sao về bước tiến thơ Việt đương đại?
+ Thơ Việt đương đại đầu thế kỷ XXI có nét tương đồng với thơ Việt đầu thế kỷ XX. Tương đồng ở sự chuyển từ cũ sang mới; từ quen sang lạ, nói gọn hơn là sự lột xác về thi pháp nghệ thuật. Đầu thế kỷ XX, từ thi pháp trung đại, ảnh hưởng từ Trung Hoa cái tôi trong thơ phải giấu kín chuyển sang thi pháp hiện đại, ảnh hưởng từ châu Âu, cái tôi được mặc sức phô bày. Đầu thế kỷ XXI, từ thi pháp hiện-đại-truyền-thống nghiêng về cảm xúc và hào sảng sử thi sang thi pháp hiện-đại-cách-tân nghiêng về nghiệm suy lẽ sống, nhân sinh. Không chỉ phản ánh, mà còn phản biện; không chỉ động viên cổ vũ mà còn dự báo tương lai; không chỉ nhận thức mà còn thức tỉnh lương tri con người. Thơ Việt hiện đại làm mới hình thức câu thơ đồng thời cũng làm mới vấn đề mà thơ đề cập đến. Đổi mới hình thức đi trước, kéo theo đổi mới nội dung, từ lượng biến thành chất, một biểu hiện sinh động về sự vận động của thơ mang tính quy luật.
- Giữa thế giới phẳng, tràn ngập thông tin giải trí, liệu thơ sẽ còn chỗ đứng trong đời sống con người tương lai?
+ Hiện nay, việc tràn ngập thông tin giải trí, sự san sẻ công chúng là đương nhiên. Nhưng lại xảy ra nghịch lý này: thơ in ra quá nhiều, người mua thơ quá ít; người làm thơ hình như nhiều hơn người đọc thơ. Mặc dầu vậy, đời sống xã hội không thể thiếu vắng thơ ca. Giải Nobel danh giá vẫn luôn dành cho thơ vị trí cao. Ở trong nước ta lại càng được chú ý nhiều hơn. Đặc biệt năm 2013, tập “Đi qua thương nhớ” của nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt bán 10.000 cuốn trong 50 ngày, thời gian sau con số phát hành lên tới 13.000 cuốn. Năm 2015, tập thơ “Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời” của nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân qua kênh phát hành trực tuyến đã được độc giả đặt mua tới 2.000 cuốn và ngay lập tức phải tái bản và bán hết veo 10.000 cuốn nữa. Đó là những minh chứng về sức lan toả mạnh mẽ của thơ trong đời sống xã hội.
- Những năm gần đây, có dư luận về một số người lợi dụng tình yêu thi ca của người khác để trục lợi, ông có suy nghĩ gì?
+ Cơ chế thị trường ở nước ta có nhiều lúc, nhiều lĩnh vực phát triển không lành mạnh, tất nhiên rồi sẽ phải điều chỉnh đúng quỹ đạo thôi. Thơ ca không là ngoại lệ, hiện tượng một số người lợi dụng tình yêu thi ca để trục lợi cũng trong tình trạng ấy, đó cũng là điều nói lên thi ca vẫn được công chúng cần đến. Thi ca từ xưa vẫn được gọi là “ngôi đền thiêng” lẽ ra phải luôn được gìn giữ cho trong sạch vậy mà lại bị mang ra trục lợi. Ai làm tổn hại đến đền thiêng ắt phải trả giá thôi.
- Ngoài thơ, gần đây ông còn viết tiểu thuyết. Lý do nào ông có sự chuyển hướng này?
+ Tôi vốn tính cần cù, luôn nạp thông tin và tích luỹ, vốn ấy chỉ làm thơ thôi chưa đã, tôi viết phê bình, viết báo, truyện ngắn, tiểu thuyết kỳ ảo, tiểu thuyết lịch sử. Cuốn tiểu thuyết “Bắc cung hoàng hậu” cũng lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2011 - 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi cũng đang viết cuốn tiểu thuyết mới về một nhân vật rất đặc biệt của Nam bộ. Không phải tôi chuyển hướng mà đó là thói quen làm việc xen kẽ, các thể loại có sự tương hỗ khá thú vị và hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông. Năm mới, kính chúc nhà thơ và gia đình mạnh khoẻ, tràn đầy cảm hứng sáng tạo!
Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2015 vừa được công bố đầu năm 2016. Giải thưởng chính thức: “Minh triết đất đai” - tập thơ của Nguyễn Vũ Tiềm; “Về cô gái này” - tập truyện dài của Nguyễn Ngọc Thuần; Giải thưởng Nhà văn trẻ (dành cho tác giả 30 tuổi trở xuống): “Mật ngữ rừng xanh”- tập truyện dài của Lê Hữu Nam. Tặng thưởng: “Một phút tự do”- tập truyện ngắn, tuỳ bút của Elena Pucillo Truong (Italy- bản dịch của Trương Văn Dân) và “Người Sài Gòn” - tập truyện ngắn của Hoàng Đình Quang. |