Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Đã cầm bút phải dũng cảm!

Thứ Ba, 05/03/2013, 08:00
"...Tôi chỉ có một băn khoăn là, trong kịch bản, tôi đã thẳng thắn quá, có cái nhìn trực diện quá cũng có thể dẫn tới bị hiểu sai đi một tí, rằng tôi đang "chọc ngoáy" ai đó. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, khi đã cầm bút, phải dũng cảm. Khi đã viết những điều mà mình yêu thích, tâm huyết, khát vọng... thì không nên băn khoăn gì cả. Hãy để cho những trang viết nói hộ lòng mình. Một người cầm bút mà viết nên một tác phẩm có tính chiến đấu, đem lại lợi ích cho xã hội, có tác động để thúc đẩy xã hội phát triển, với tôi đó là hạnh phúc lớn nhất!..."

Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương mới nhậm chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn được vài tháng. Thật ngạc nhiên, giữa núi công việc quản lý, sự vụ bộn bề, ông tân Cục trưởng vẫn viết như bổ củi. Vở kịch mới nhất của ông là "Đường đua trong bóng tối" do Đoàn Kịch nói Công an nhân dân dàn dựng, NSND Lê Hùng làm đạo diễn đã tạo ra hiệu ứng đặc biệt trong dư luận. Đó là đòn tấn công trực diện của tác giả vào nạn chạy chức, chạy quyền đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Phóng viên Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương.

- Thưa nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương, được biết ông viết vở kịch "Đường đua trong bóng tối" trên cơ sở dựa trên gợi ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Ông có thể chia sẻ thêm về xuất xứ của vở kịch này?

+ Trong buổi họp của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng có nói đến việc trong xã hội hiện nay xuất hiện một nạn dịch chạy: Chạy chức, chạy quyền, chạy điểm, chạy trường, chạy dự án, chạy huân huy chương... Nhiều thứ chạy lắm. Bộ trưởng có yêu cầu là sân khấu với chức năng của mình phải phản ánh được nạn dịch này. Về nhà, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, và rồi tôi chốt lại rằng, suy cho cùng, trong mọi thứ chạy ấy, nguy hại nhất là chạy chức chạy quyền vì nó liên quan đến sinh mạng con người, liên quan đến đường lối chính sách gây nguy hại cho xã hội. Trước khi bắt đầu với "Đường đua trong bóng tối", tôi đang viết dở một số vở kịch khác theo đơn đặt hàng của các nhà hát, nhưng tôi đã bỏ tất cả lại để chỉ tập trung vào "Đường đua trong bóng tối" và tôi bị hút vào nó.

- Bắt tay vào viết vở kịch theo "đặt hàng" của Bộ trưởng, lại động chạm đến những vấn đề được coi là khá "nhạy cảm" hiện nay, ông có thấy mình phải chịu nhiều áp lực không?

+ Không, tôi không hề thấy mình phải chịu áp lực. Từ lâu tôi cũng quan tâm tới vấn đề này nhưng chưa có cơ hội để hiện thực hóa nó cho tới khi có gợi ý của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh. Tôi viết xong kịch bản và cảm giác đầu tiên là khá hài lòng. Tôi chỉ có một băn khoăn là, trong kịch bản, tôi đã thẳng thắn quá, có cái nhìn trực diện quá cũng có thể dẫn tới bị hiểu sai đi một tí, rằng tôi đang "chọc ngoáy" ai đó. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, khi đã cầm bút, phải dũng cảm. Khi đã viết những điều mà mình yêu thích, tâm huyết, khát vọng... thì không nên băn khoăn gì cả. Hãy để cho những trang viết nói hộ lòng mình. Một người cầm bút mà viết nên một tác phẩm có tính chiến đấu, đem lại lợi ích cho xã hội, có tác động để thúc đẩy xã hội phát triển, với tôi đó là hạnh phúc lớn nhất! Còn chưa viết đã sợ thì không bao giờ có tác phẩm hay, đó cũng là một nguyên tắc! Trước "Đường đua trong bóng tối", tôi viết "Quyền lực tội ác" là một vở diễn cũng gây nên dư luận trái chiều. Khi nó ra mắt hồi đầu 2012 tại Tp HCM cũng là một vở diễn gây được tiếng vang.

- Thành công của vở diễn "Tội ác quyền lực" với sự đón nhận của khán giả có phải chính là "cú hích", là động lực để ông tiếp tục đấu tranh với "các thế lực bóng đêm", với "Đường đua trong bóng tối" không, thưa ông?

+ Cũng không hẳn. Cái chính là tôi thực sự muốn đóng góp một phần sức lực của mình vào công cuộc đấu tranh với tệ nạn chạy chức chạy quyền hiện nay và thể hiện khát vọng muốn loại bỏ nó ra khỏi đời sống xã hội thông qua hình tượng sân khấu, bằng tác phẩm mà mình phản ánh. Tôi có một nguyên tắc mỗi khi cầm bút, đó là: Quên đi những thành công cũ để có những sáng tạo mới. Tôi là người khắt khe với tác phẩm của mình.

Cảnh trong vở “Đường đua trong bóng tối” của Đoàn kịch nói CAND.

- Xin ông cho biết, đâu là lý do ông trao gửi số phận "đứa con" mà mình tâm huyết cho Đoàn Kịch nói Công an nhân dân?

+ Kịch bản này tôi viết khá nhanh, chỉ trong vòng gần một tháng gì đó. Viết xong tôi cũng có mời một số bạn bè trong lĩnh vực sân khấu đọc như anh Doãn Hoàng Giang, Lê Chức, Chu Lai... để lắng nghe ý kiến phản hồi, đóng góp từ họ. Lúc ấy, tôi định gửi kịch bản này cho Nhà hát Kịch Việt Nam, nhưng trong thời gian ấy nhà hát này đang bộn bề với những công việc tổ chức nội vụ. Vì thế, Hội Nghệ sĩ Sân khấu đã giới thiệu sang Đoàn Kịch nói Công an nhân dân. Ngay sau đó, Trưởng đoàn Kịch nói Công an nhân dân là NSƯT Công Bảy đã thông tin lại ngay rằng, Đoàn xin được dựng vở kịch này và họ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục báo cáo các cấp lãnh đạo Bộ Công an và dựng vở diễn này ngay trong tháng 12.

- Trưởng đoàn Kịch nói Công an nhân dân - NSƯT Công Bảy có chia sẻ với tôi rằng, vở diễn "Đường đua trong bóng tối" thực sự đã đem đến một luồng sinh khí mới cho tập thể diễn viên của Đoàn. Khi đi xem vở diễn được Đoàn Kịch nói Công an nhân dân thực hiện dưới bàn tay của đạo diễn, NSND Lê Hùng, ông thấy họ đã thể hiện được bao nhiêu phần trăm những điều mình tâm huyết?

+ Có thể nói, về cấu trúc vở diễn thì đạo diễn Lê Hùng vẫn giữ nguyên. Nhưng trong đó có nhiều lời thoại thể hiện khát vọng, hoặc như một tuyên ngôn của tác giả. Nói cách khác là thể hiện nỗi đau của người cầm bút, nỗi đau của người lãnh đạo chính trực, nỗi đau của nhân dân trước một vấn nạn của xã hội, tâm huyết muốn loại bỏ vấn nạn ấy ra khỏi đời sống xã hội... thì cũng bị cắt đi. Anh Lê Hùng có thêm 3 lớp về "Chuyện đời xưa" để dẫn dắt và muốn khẳng định việc ngày xưa cha ông ta cũng quyết liệt chống việc chạy chức chạy quyền và có những hình phạt thích đáng, thì ngày nay tại sao chúng ta không làm được. Theo tôi, đó cũng là một cách xử lý tốt, có sự kết hợp hài hòa giữa việc khai thác tâm lý, tình cảm nhân vật với các hành động kịch. Kịch chính luận bao giờ cũng có sự đòi hỏi khắt khe về tài năng của đạo diễn, diễn viên hơn các loại hình khác. Vừa rồi, Đoàn Nghệ thuật dân ca Nghệ An cũng đã chuyển thể vở kịch sang thành loại hình ca kịch để dàn dựng và tôi cho đấy cũng là vở diễn rất thành công.

- Hiện tại, với cương vị Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ông khá bận rộn với công việc quản lý, sự vụ, công văn, giấy tờ... Vậy ông thường viết kịch bản vào lúc nào mà tác phẩm vẫn ra "lò" đều đều?

+ Từ rất lâu rồi, tôi tập cho mình một thói quen. Khi đã muốn viết là xếp tất cả mọi việc sang một bên và chỉ tập trung vào viết. Tôi chủ yếu viết về đêm. Từ nhiều năm nay rồi, tôi rất ít ngủ. Thế nên tóc tôi mới bạc trắng thế này (cười). Mỗi đêm tôi chỉ ngủ từ 3-4 tiếng thôi, còn lại dành thời gian cho cầm bút. Nếu không thì tôi cũng làm việc khác. Làm được như thế là cũng qua cả một quá trình rèn luyện đấy. Thức đêm mãi rồi cũng quen đi, cơ thể tôi thích nghi được với việc ít ngủ ấy rồi.

- Ông có thấy, làm như vậy cũng là tự giày vò mình, "thân làm tội đời" không?

 + Tôi chỉ đau khổ trong khi viết. Lúc ấy, tôi đau cùng nỗi đau nhân vật, đau khổ với vấn đề mình đặt ra, với từng ngôn ngữ thoại. Tôi nghiệm ra, mình càng đau khổ bao nhiêu thì tác phẩm của mình lại càng thành công bấy nhiêu! Còn khi viết xong rồi, tôi có cảm giác rằng mình vừa được giải thoát. Tôi rất hạnh phúc!

- Được biết, con đường ông đến với sân khấu cũng khá... vòng vèo?

+ Tôi từng là một người lính ở Trường Sa và yêu văn chương từ nhỏ. Khi giải ngũ trở về, tôi làm việc trong Công ty Lương thực rồi Công ty Du lịch Ninh Bình trong hơn 10 năm. Dù làm gì thì tôi vẫn bị nỗi ham muốn cầm bút thôi thúc và một điều nữa là tôi muốn thực hiện khát vọng của bố tôi - nhà biên kịch Nguyễn Đăng Thanh - đã gửi gắm và kỳ vọng vào con trai mình. Ngoài 30 tuổi, để lại vợ và hai con ở Ninh Bình, tôi quyết chí ra Hà Nội học Đại học Sân khấu Điện ảnh và đó là điều ngạc nhiên đến không tin nổi với những người quen biết tôi. Ngay từ những năm đầu đi học, dù là tôi theo học đạo diễn chứ không phải biên kịch, tôi đã có những tác phẩm sân khấu được dàn dựng như: "Chuyện tình người mất tích", "Hoàng hôn không có nắng", "Huyền thoại chiến tranh", "Chuyện lạ giữa trần gian". Lúc đó, xuất hiện những tin đồn rằng đó là những tác phẩm của bố tôi, nhưng ký dưới tên tôi để... đánh bóng tên tuổi. Nhưng chính luồng dư luận đàm tiếu ấy đã cho tôi một sức mạnh không ngờ. Tôi đã chứng minh được rằng: "Họ đã lầm!". Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng có vở mới được dàn dựng trên sân khấu, có năm đến 3-4 vở, có vở đến 15 đoàn dựng. Và bố tôi đã hoàn toàn có quyền tự hào về tôi!

- Xin cảm ơn nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương!

Nguyệt Hà
.
.