Người "Phơi cơn mưa lên chiều"
Là bạn nhiều năm trên facebook, nên khi xuất bản tập thơ mới, Hạnh gửi tặng tôi tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều”. Tôi đã đọc và cảm thấy yêu mến “người thơ” này.
Trong những bài viết về “Phơi cơn mưa lên chiều” in phía sau tập thơ, tôi thấy nhà thơ Du Tử Lê, Thanh Quế và nhà phê bình Phạm Phú Phong có những nhận định khá chính xác về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. “Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đằm thắm, sâu lắng, nặng lòng. Mỗi bài đều có những câu thơ hoặc ý thơ mới...”. Thơ với anh như cái nghiệp đầy hệ lụy: “Một đời lụy với câu thơ/ Còn bao nhiêu chuyến, bao giờ đò ơi?".
Tự thân câu hỏi này cho tôi thấy Nguyễn Ngọc Hạnh đã sớm tạo cho mình những thao thức kiếm tìm một-nhân cách - thơ riêng giữa đời này. Còn Phạm Phú Phong và Thanh Quế lại đồng cảm với nỗi cô đơn trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: “Hầu như những bài thơ của anh đều được sáng tác vào những đêm khuya vắng lặng, lúc đó Nguyễn Ngọc Hạnh trở về với cái bản ngã của chính mình, tự lục tung những ô ngăn trong ký ức tâm hồn...” .
Trong cuộc đời, cho dù nhà thơ có đầy đủ gia đình, bạn bè, người thân thì sự cô đơn vẫn như là một thuộc tính, một nỗi niềm, một thứ trời ban mà cũng là thứ trời đày:
Một mình
Đứng tựa bơ vơ
Sông xưa
Đã lấp đôi bờ cỏ khô
Sông giờ cạn hẹp thành ao
Người về đâu biết ngõ nào là quê
(Lạc)
Tôi thích những câu thơ như thế của Nguyễn Ngọc Hạnh.
Bây giờ người ta đang cách tân thơ bằng cách kéo dài câu thơ, bẻ ngắn câu thơ, bỏ vần, bỏ điệu... Mọi người đều có quyền làm điều đó, mọi sự đổi mới dù thành công hay thất bại đều đáng ghi nhận. Thế nhưng, nói như tác giả Nguyễn Thành Tâm trong một bài viết đăng trên tạp chí Thơ gần đây là “Chúng ta đang phản bội thơ” chăng? Chắc là không ai muốn thế.
Nhưng mà tôi thiển nghĩ, thơ bao đời nay phải làm sao dễ đọc, dễ thuộc, ai cũng có thể hiểu được như những câu Kiều của cụ Nguyễn Du. Những người bình dân hiểu theo cách bình dân, người có học hiểu theo nghĩa có học, thơ phải nhiều tầng, nhiều nghĩa, nhiều sức gợi, sức cảm... Người làm thơ trước hết phải đổi mới mình, sau đó mới đổi mới thơ.
Tôi có cảm tưởng Nguyễn Ngọc Hạnh luôn tự làm mới mình để làm mới thơ. Không phá cách, không ngang tàng, không lên gân, không cố bày đặt chữ nghĩa, mà dường như lúc nào Nguyễn Ngọc Hạnh cũng ý thức rõ ràng con đường mình đang đi, nơi mình phải đến, làm hết sức tất cả những gì mình có để thơ mình chính là mình. Cả trong bốn câu thơ này, chũng ta cũng dễ nhận ra điều gan ruột ấy của Nguyễn Ngọc Hạnh:
Hình như ai vấp chân mình
Hớ hênh chân bước gập ghềnh bàn chân
Một đời ngập ngụa phân vân
Biết đâu mình lại dẫm chân ai rồi!
(Vấp)
Hoặc đôi khi Hạnh giật mình, ngờ vực chính bản thân mình trên dặm đường thơ ca ấy, một thứ khát vọng sáng tạo vô bờ mà mỗi người nghệ sĩ đích thực đều muốn vươn tới, muốn là mình không nhầm lẫn với ai. Mà đâu dễ:
Tôi đã mòn
Và đời thôi đã hẹp
Lối nhỏ dần nhỏ dần
Lấp khuất
Ngày thì xa mờ mịt
Chỉ lòng tôi chưa cạn đêm sâu
(Ngõ hẹp)
Trong bài thơ "Nhầm", chính Nguyễn Ngọc Hạnh cũng đã gửi gắm ít nhiều lo toan ấy. Sự nhầm lẫn giữa cuộc đời, nhầm dòng sông chảy, khó biết đâu là bờ... thì trong thơ cũng vậy, nếu chẳng may lạc lối hoặc lỡ “dẫm chân ai rồi”, thì sẽ hoang phí cả “một đời lặn lội”:
...
Nửa đời phiêu bạt
Nhầm một câu thơ
Nhầm dòng sông chảy
Tìm không thấy bờ
Có thể muộn mằn
Giữa bao chìm nổi
Tôi lại tìm về
Đời tôi lặn lội
(Nhầm)
Ở đời chúng ta nhầm lẫn nhiều thứ lắm, kể cả một câu thơ, thế nhưng khi người thơ đã tự thú, tự nói ra những điều gan ruột, tự thấy phía sau sự thật nhiều khi là một sự thật khác để phơi ra như “Phơi cơn mưa lên chiều”, ấy là lúc Nguyễn Ngọc Hạnh đã đến được với người đọc và “người thơ” tôi yêu mến còn mong đợi gì hơn...
Khát khao kiếm tìm cho ra mình, là mình thật không dễ dàng. Đó là thứ hạnh phúc của sáng tạo. Cũng như tình yêu, thật bình dị, gần gũi, giản đơn, nhưng lại xa vời vợi, như áng mây bay:
Em đi qua như áng mây bay
Không rực rỡ cầu vồng bảy sắc
Mây in đời em vào tôi xanh biếc
(Hạnh phúc)
Câu thơ cuối rất gợi, cảm, nhiều dư âm mới mẻ, viết được một câu thơ như thế còn gì hạnh phúc hơn đối với người làm thơ. Và như thế, tôi đã gặp một nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh in vào ký ức tôi, một người yêu thơ đắm đuối qua những bài thơ trong tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều”.
Nhà vườn Sóc Sơn, 7-2018