Nghệ thuật ơi, thực tế một chút đi

Thứ Bảy, 08/10/2016, 09:24
Thời gian gần đây, giới làm nghệ thuật hào hứng đón tin vui với việc “siêu” đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 


Với mục tiêu tập trung chọn lọc các sinh viên, học sinh vượt trội của những lĩnh vực nghệ thuật như Âm nhạc, Điện ảnh, Múa, Kịch nghệ, Mỹ thuật, Xiếc, Văn học để đầu tư riêng nhằm tạo ra những nhân tài nghệ thuật, rõ ràng siêu dự án kể trên đã hướng đến cái đích “chất lượng” và nó cũng thể hiện sự quan tâm rất sát sao của Chính phủ đối với phát triển văn hoá.

Song, đi cùng tin mừng bao giờ cũng là nỗi lo. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một chuyện, những người thực hiện siêu dự án sẽ làm tới đâu lại là câu chuyện khác.

Câu hỏi đặt ra ở đây là có nên đồng dạng hoá cách thực hiện dự án giữa các môn nghệ thuật khác biệt nhau hay không? Tài năng điện ảnh, tài năng kịch nghệ chắc chắn khác tài năng âm nhạc, hội họa… bởi bản thân thị trường của mỗi mảng nghệ thuật cũng khác nhau rất xa. Thực hiện siêu dự án này vì thế sẽ đòi hỏi tính chi tiết đến tối đa mà vẫn phải quan tâm đến cái đại thể, phổ quát của ngành nghề để tài năng thu được từ dự án không trở thành hoang phí.

Đơn cử như âm nhạc. Chúng ta hãy nhìn vào âm nhạc hàn lâm và đặt ra một câu hỏi: Khán giả trong nước của họ là ai? Rõ ràng, khán giả của âm nhạc hàn lâm, ở quốc gia nào cũng vậy, luôn là số ít. Bởi vậy, tạo ra một tài năng âm nhạc hàn lâm không khó bằng việc nuôi dưỡng cho tài năng ấy tiếp tục cống hiến được với nghề sau khi đã tốt nghiệp.

Hãy tưởng tượng thế này: Mỗi dàn nhạc giao hưởng chỉ có 1 pianist chính, và một người dự phòng. Tuổi thọ nghề của một pianist thường rất lâu, thậm chí có người chơi cho dàn nhạc giao hưởng đến tận 70 tuổi. Vậy thì lấy chỗ đâu cho một tài năng piano mới hoàn thành các khoá học, khoá đầu tư của “siêu dự án” kia được thể hiện khả năng của mình, nhất là khi tài năng của họ chưa vượt trội so với người pianist chính (cũng là một sản phẩm của siêu dự án kia chẳng hạn).

Rõ ràng, nếu thiếu thực tế, chúng ta sẽ làm nảy sinh ra tình trạng dư thừa những nhân tài, khiến họ bất mãn, bỏ nghề. Trong giới âm nhạc đã từng chứng kiến rồi. Violinist Xuân Huy từng bỏ nghề đi làm thợ hàn cửa sắt. Nhạc trưởng, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng TP Hồ Chí Minh Trần Vương Thạch còn từng phải đi rửa bát thuê. Những khó khăn ấy của người nghệ sỹ mới cần được giải quyết rốt ráo chứ không phải chỉ có  mỗi khó khăn trong đầu tư để học thành tài.

Như vậy, chúng ta vẫn phải quay lại với vấn đề chính yếu, và mang tính phổ quát, chính là trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng Việt. Phải thừa nhận, việc công chúng không thưởng thức được nghệ thuật đơn giản vì họ không hiểu nghệ thuật và do đó, họ cảm thấy nó khó gần. Và khi thiếu công chúng, nghệ sỹ không có cơ hội làm nghề là chuyện đương nhiên.

Bởi vậy, một siêu dự án có chiều sâu như đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” rất cần sự hỗ trợ của rất nhiều lĩnh vực khác nữa, mà đặc biệt là phổ cập nghệ thuật ở các bậc đào tạo phổ thông.

Người nghệ sỹ dù tài năng đến mấy cũng rất cần khán giả, để tác phẩm của mình có không gian vang lên. Thế nên, những người làm nghệ thuật hãy thực tế một chút. Đầu tư cho nhân tài là đúng đắn, nhưng để “kính ngưỡng” nghệ thuật và người nghệ sỹ, song song đó phải tạo ra không gian vang lên cho những tác phẩm.

Văn Đoàn
.
.