Nên dạy trẻ học chữ và học đánh vần thế nào?

Thứ Sáu, 07/09/2018, 08:47
Trong cuốn "Ngữ âm tiếng Việt", sách dạy ngữ âm hàng kinh điển gối đầu giường của nhiều thế hệ nhà ngôn ngữ học Việt Nam, GS Đoàn Thiện Thuật cho rằng chữ Quốc ngữ là thứ chữ ghi âm âm vị học nhưng "còn nhiều thiếu sót". 


LTS: Thời gian gần đây, truyền thông, mạng xã hội và báo chí bàn tán rất nhiều về cách dạy phát âm trong sách tiếng Việt 1 của Công nghệ giáo dục. Cụ thể, trong giáo trình, 3 chữ cái "c", "k", "q" đều đọc là "cờ" /k. Để rộng đường dư luận, Văn nghệ Công an xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Tiến sĩ Nghiêm Thuý Hằng, chuyên ngành Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ học Ứng dụng, Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, hiện đang công tác tại Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về những băn khoăn nói trên, và cũng là góp một ý kiến về vấn đề dạy cho trẻ học chữ và đánh vần như thế nào.

Tính khoa học của cách đánh vần theo âm vị của Công nghệ giáo dục

Trong cuốn "Ngữ âm tiếng Việt", sách dạy ngữ âm hàng kinh điển gối đầu giường của nhiều thế hệ nhà ngôn ngữ học Việt Nam, GS Đoàn Thiện Thuật cho rằng chữ Quốc ngữ là thứ chữ ghi âm âm vị học nhưng "còn nhiều thiếu sót".

Kỳ thực, chữ Quốc ngữ là thứ chữ ghi âm tinh tế đến cấp độ âm tố. Trong thực tế lịch sử,  tiếng Việt  từng có đến 36 thanh mẫu và 206 vận mẫu  trong vỏ bọc của hệ thống từ vựng Hán Việt ngữ, nhưng theo giải thuyết âm vị học phổ biến gần đây, Tiếng Việt chỉ còn 22 phụ âm và 126 vần thường dùng.

Chữ Quốc ngữ không đơn thuần là chữ ghi âm vị, những  kết hợp phân bố của các biến thể âm gốc lưỡi được ghi bằng các ký tự "c","q", "qu"  cần được nhìn nhận là các âm tố khác nhau mang đặc trưng khu biệt. Sách Tiếng Việt cải cách năm 2000 và sách Công nghệ giáo dục nêu quan điểm "c", "k", "q" đều là âm vị c/k là quan điểm không sai dưới góc nhìn âm vị học phương Tây, nhưng chưa phù hợp với thực tế tiếng Việt.

Giải pháp âm vị học này bỏ qua thực tế chữ Quốc ngữ không có chữ "q" đi một mình, chỉ có chữ "qu" đọc là "quờ" ghi âm cho các âm tiết có nguồn gốc từ thanh mẫu "quần", tức âm tố [ k], một biến thể tròn môi âm gốc lưỡi mà truyền thống cũ  ta vẫn quen gọi là quờ, như vậy trong trường hợp này cách đánh vần truyền thống chính xác và khoa học hơn.

Trong thực tế, chữ Quốc ngữ có khá nhiều chữ ghép dùng để ghi âm các âm vị như "th" (thờ), "ch" (chờ), "tr" (trờ),  "ph" (phờ), "qu" (quờ) cũng nằm trong hệ thống ký tự ghi âm tố/ âm vị tiếng Việt, không bao giờ đứng một mình cả. Giải thuyết "c", "k", "q" đều đọc là cờ/k đứng từ góc độ chữ viết hay góc độ ngữ âm đều chưa thực sự khoa học.

TS Nghiêm Thúy Hằng.

Sách Công nghệ giáo dục nhận định "c", "k", "q" đều là c /k dẫn đến nghịch lý "quả" đồng âm với "của", "qua" đồng âm với "cua", "cuốc" đồng âm với "quốc" trong khi thực tế tiếng Việt chưa chắc là như vậy, không dễ để giải thích với trẻ đâu là đỉnh vần, đâu là âm đệm, đâu là nguyên âm đôi, ngay cô giáo trong clip hướng dẫn cũng đã dạy sai kiến thức ngữ âm, trong chữ cua, vần của nó là  nguyên âm đôi /u##/, không phải /ua/ như cô giáo dạy, không phù hợp với thực tế, làm méo mó tiếng Việt. Cách đánh vần như vậy của công nghệ giáo dục thiếu tính chính xác, chuyên nghiệp, chưa khoa học, người dân có lý khi không đồng thuận.

Theo quan niệm âm hệ học cổ điển của Trung Quốc thì Hán Việt ngữ có 36 tự mẫu đại diện cho 36 phụ âm chứ không chỉ có 22 phụ âm như quan điểm hiện đại, cụ thể đó là các thanh mẫu bang, bàng, tịnh, minh, đoan, thấu, định, nê, lai, tri, triệt, trừng, tinh, thanh, tùng, tâm, tà, trang, sơ, sùng, sinh, chương, xương, thuyền, thư, thường, nhật, kiến, khê, quần, nghi, ảnh, dương, hiểu, hạp, vân.

Các thanh mẫu này lấy phụ âm để biểu thị âm trị của phụ âm đầu, lấy phần vần trong tên thanh mẫu để thể hiện tính phân bố trong kết hợp với phần vần. Các phụ âm khi kết hợp với các vần khác nhau cho các phụ âm có các chùm đặc trưng khu biệt khác nhau, từ đó có các âm tố khác nhau. Ba anh em sinh ba "c", "k", "qu" dẫu có giống nhau thì họ vẫn cần có 3 cái tên, trong lịch sử nó không dùng chung một tên, nay cũng không nên nhập một hay gán cho nó âm trị giống nhau. Ngữ âm học của phương Tây đâu có đủ để khu biệt ngữ âm với hệ thống vần phong phú của tiếng Việt ta. 

Tính hợp lý của chữ Quốc ngữ

Tiếng nói và chữ viết có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau như hai mặt của một ký hiệu, như cái áo quốc phục gắn với mỗi dân tộc, có chức năng nhận diện và thể hiện bề sâu văn hóa. Tiếng nói là thứ có trước, chữ viết là thứ có sau, "y phục xứng kỳ đức", chữ Quốc ngữ như cái áo trùm lên cơ thể người Việt, thể hiện từ diện mạo đến tâm hồn, trình độ văn hóa của người mặc.

Tiếng nói có thể mang tính địa phương, nhưng chữ Quốc ngữ dạy trong nhà trường thì phải là công cụ siêu phương ngữ, ghi được tiếng nói chung của cả dân tộc khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, làm cơ sở cho các cháu bé có thể giao tiếp thuận lợi, có năng lực ngôn ngữ đủ để tiếp thu nền giáo dục, trở thành những công dân ưu tú, chủ nhân của tương lai.

Chữ Quốc ngữ kỳ diệu ở chỗ tuy hệ thống phụ âm, nguyên âm và thanh điệu của nó giản tiện như nhiều hệ thống ngữ âm châu Á khác, nhưng nó lại thể hiện được hệ thống  vần tiếng Việt cực kỳ đồ sộ, ghi âm thành công thứ tiếng "như tiếng chim hót", đồng thời ký âm được tất cả các phương ngữ tiếng Việt, thực sự trở thành một công cụ siêu phương ngữ ghi âm tiếng Việt toàn dân.

Tiếng Việt đã hình thành, phát triển từ rất lâu, mang cái áo chữ Hán trước khi nó được thiết kế mặc chiếc áo chữ Quốc ngữ, vì vậy cũng cần tôn trọng đặc tính lịch sử của nó. Dẫu mặc Tây phục thì từ dáng vẻ đến hồn cốt tiếng Việt vẫn là thuần Việt, cần tôn trọng truyền thống ghi âm đến cấp độ âm tố trong các sách vận thư, vận đồ sử dụng tại Việt Nam những thế kỷ trước, cách đánh vần truyền thống làm rất tốt điều này.

Cần phải khẳng định lại, chữ Quốc ngữ không có thiếu sót nào đáng kể, thực ra nó vô cùng kỳ diệu và hợp lý. Bằng việc thiết kế tỉ mỉ đến cấp độ âm tố với các thế phân bố rõ ràng, rành mạch, nó dễ nhớ, dễ học, giúp người Việt thoát nạn mù chữ,  giúp tiếng Việt hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc vào việc phải mượn hình chữ Hán như tiếng Nhật, nó tạo ra nhiều âm tiết và khuôn vần cho phù hợp với thứ tiếng "như chim hót" và có nhiều sắc thái biểu cảm như tiếng Việt mà hệ thống âm vị vẫn không bị trở nên cồng kềnh, lại còn khéo léo thoát được khỏi vấn nạn đồng âm bủa vây tiếng Hán, tiếng Nhật.

Nên cám ơn nhiều thế hệ giáo sĩ phương Tây và người Việt vì điều kỳ diệu và cái áo rất vừa vặn này chứ không nên xoáy sâu vào "tính bất hợp lý " của nó, nên hiểu cái lý của nó và giải thích cho các thầy cô nắm được, điều chỉnh khi dạy học trò và tìm cách dạy dễ hiểu nhất có lẽ sẽ hơn.

Đừng biến tiếng Việt thành "hàn lâm học vụ", trẻ em thành nhà ngữ âm học

Nên tách việc dạy chữ và dạy đánh vần như kinh nghiệm dạy lớp vỡ lòng truyền thống năm xưa, không nên biến việc học của trẻ em thành "hàn lâm học vụ" như sách Công nghệ giáo dục hiện hành.

Việc dạy chữ nên dạy tại lớp mẫu giáo 5 tuổi, dạy các nét cơ bản, mỗi nét kèm theo tên gọi, mỗi nét nên cho các cháu viết 1 trang, các chữ cái mỗi chữ viết 1 trang. Lứa tuổi mẫu giáo tô chữ là phù hợp, theo nghiên cứu bất cứ cái gì, kể cả đồ hình mà có tên gọi, lặp đi lặp lại 7 lần tái hiện trong bộ nhớ thì sẽ được nạp vào bộ nhớ vĩnh viễn.

Việc dạy đánh vần nên tuân thủ mô hình cấu trúc 2 bậc của âm tiết tiếng Việt, việc ghép vần theo chữ bao nhiêu thế hệ người Việt vẫn đang học, tiếp thu một cách dễ dàng thì chả có lý do gì phải thay đổi. Biến trẻ em thành các nhà ngữ âm học bất đắc dĩ, rồi thì bắt chúng nhắc đi nhắc lại những câu vô nghĩa như những đứa loạn thần kinh, đi phân tích những câu thơ thành những âm tiết vô hồn, băm nát tâm hồn trẻ nhỏ, bắt chúng đọc như cái máy chính là tội ác.

Còn nhớ, sách học vần thập kỷ 70 thế hệ chúng tôi học cực kỳ dễ dàng, rất mỏng chứ không dầy cộp rồi phân tận 2 tập như bây giờ, không phải học trước ở nhà, về nhà cũng không bao giờ phải giở sách ra học. Thế mà cho đến hơn 40 năm sau tôi vẫn nhớ những bài kinh điển: "con mèo kêu "meo, meo", con dê kêu "be be", "sếu bay", "kéo dây".

Đến giờ tôi vẫn nhớ những câu thơ rất đẹp như: "Mẹ ơi tại sao/ Hoa hồng lại khóc/ Không phải đâu con/ Đấy là hạt ngọc/ Người gọi là sương/ Sao đêm gửi xuống/ Tặng cô hoa hồng". Tôi cũng nhớ mẹ tôi dạy những câu kinh điển từ thời của mẹ như: "i tờ tờ i ti", tôi không biết chữ, tôi đi lội bùn; "o tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ thời thêm râu".

Giáo dục cần ổn định kế thừa , "gạn đục, khơi trong" hơn là "đập cũ, xây mới", nếu xây mới cũng cần hiện đại, chính xác, không nên nửa vời, tây không ra tây, ta chẳng ra ta. Nhiều người lấy cớ cần cải cách vì học sách 2000, nhiều cháu bị tái mù chữ hoặc viết sai chính tả, xin thưa, nếu viết sai chính tả thì tại sách cải cách năm 2000 chứ không phải tại cách ghép vần theo chữ có vấn đề. Cùng với thời gian, có thể giải thích luật chính tả cho các cháu.

Trên thực tế sau giai đoạn ghép vần từng chữ quen rồi, các cháu sẽ tri nhận toàn bộ khuôn vần kèm theo thanh điệu cùng một lúc, việc phân tích cấu trúc âm tiết không có ý nghĩa nhiều, thậm chí còn cản trở tốc độ đọc, sau một thời gian các cháu hoàn toàn có thể học các khuôn chữ theo nguyên tắc loại suy. Điều cốt yếu là giữ cho các cháu bé hăm hở học, không sợ học, thích học và nhớ được những điều hay ý đẹp trong sách, biết thương yêu ông bà bố mẹ, bạn bè chứ không phải là đi học tư duy khoa học ở độ tuổi sớm như vậy.

Chuyện trao đổi quan điểm khoa học nếu ý kiến có khác nhau cũng chỉ là chuyện bình thường nên làm, nếu có thể xin các nhà khoa học và các nhà sư phạm tiếp tục góp ý, chỉ giáo vì lợi ích của các cháu bé, những tâm hồn ngây thơ trong sáng, những tờ giấy trắng chờ chúng ta gieo những con chữ đầu tiên, khuyến khích mở những cánh cửa ước vọng đầu tiên.

TS Nghiêm Thúy Hằng
.
.