Miền lục bát tìm nhau

Thứ Năm, 03/10/2019, 09:51
Tôi có dự sinh hoạt ở một câu lạc bộ thơ và hôm ấy những người yêu thơ chỉ bàn về thơ lục bát, đọc những câu thơ lục bát tuyệt hay trong  "Truyện Kiều" bất hủ của cụ Nguyễn Du.


Sau buổi ấy, một người yêu thơ mang đến tặng tôi tập "Miền lục bát tìm nhau" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) và nói: "Nhà thơ Hoàng Liên Sơn gửi anh".

Xưa nay tôi vẫn cho rằng nhà thơ có tài thơ thì ở thể loại nào, thời nào cũng sáng tạo được những bài thơ, những câu thơ hay.

Thì ra, 33 tác giả trong "Miền lục bát tìm nhau" đều đang cố gắng làm mới thơ qua thể thơ truyền thống được coi là lâu đời nhất ở nước ta.

Người thơ đầu tiên mà tôi tìm đọc là Đỗ Huy Chí, từng được giải nhất cuộc thi "Tác phẩm tuổi xanh" do Báo Tiền Phong tổ chức thời tôi còn làm Tổng biên tập. Nhiều câu thơ của Đỗ Huy Chí gần 30 năm qua rồi mà tôi vẫn nhớ, vẫn thuộc. Bây giờ, Đỗ Huy Chí vẫn làm thơ lục bát nhưng đã tìm cách ngắt vần, cách điệu, đổi mới rất nhiều trong ý tưởng và cảm xúc sáng tạo được thể hiện khá rõ trong bài "Tiếng chuông giao thừa":

...Tiếng chuông
Rung...
Tiếng chuông
Rung...
Nhịp mùa trên những trập trùng cánh chim.
Tiếng chuông
Im ...
Tiếng chuông
Im ...
Thấu bao la
Cõi nổi chìm
Mắt nhau ...
...Cái ngày nhan sắc rong chơi
Bỏ quên tiếng guốc bên trời lênh đênh ...

 (Nở vào nhan sắc)

Một người thơ mà tôi chưa đọc bao giờ, lần đầu biết tên, nhưng đã có những bài, những câu thơ lục bát khá lạ:

Ông hoàng
Cô,
Cậu,
Quan, ngài...
Hiển linh trong cõi
Bi-Hài
Nhân gian...

("Lên đồng" - thơ Minh Trí)

Đinh Quang Tốn theo như tôi biết là một nhà báo, nhà phê bình văn học từng làm việc ở Bộ Công an. Thỉnh thoảng tôi có đọc bài của anh, nay cũng có mặt trong "Miền lục bát tìm nhau" với những bài thơ, câu thơ tôi đọc thấy thích:

Bao nhiêu huyền ảo thủa nào
Đắng cay hoa héo, ngọt ngào quả tươi...

(Đáy hồ có quả chuông vàng)

Ta về, ngõ nhỏ giăng mưa
Hạt mưa từ thủa còn chưa Tây Hồ...

(Ngày xuân đi phủ Tây Hồ).

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu viết về phố Nỉ cũng lạ :

Em về với đất Nỉ non
Vầng trăng ly tán mỏi mòn trong anh
Hỡi ôi một trái mơ xanh
Đêm đêm lơ lửng dạo quanh kiếp người

(Phố Nỉ)

Nhà báo Đăng Bảy, tôi cứ tưởng những dịch giả làm thơ thì theo kiểu thơ Tây, ai ngờ Đăng Bảy viết lục bát lại thấm đẫm hồn quê:

...Thênh thênh thung lũng ca trường
Cậy nhờ nước suối, gió nương đệm đàn...

(Hát đối đáp)

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý viết:

...Tàu cau sao vội giật mình
Dịu dàng tôi đợi, vô tình tháng giêng!

Còn Thi Đoàn Hải Sam (bút danh hơi lạ) trong bài thơ "Hạc sơn" viết cũng lạ:

...Vẽ vào em
Một nón chồng
Một lông nhông gió
Một không
Một trời
Vẽ vào ao
Áo sương phơi
Nửa đơm khuy lạnh
Nửa cời gối chăn...

Tôi thích bài "Bùa anh" của Nguyễn Hải Yến, một đề tài tưởng là xưa cũ, nhưng cách nghĩ, cách cảm khá hiện đại, hiện đại trong những câu thơ tưởng như rất quen thuộc:

Gánh hàng ra phố chiều nay
Quang nghiêng
Đòn lệch
Thúng đầy bùa anh...
...Người ơi ra chốn thị thành
Tôi theo...
Tôi trả bùa anh...
Tôi về.

Đô thị hóa đang lấn dần làng quê. Ngày nay, biết bao người muốn ra sống ở chốn đô hội, người thơ cũng vậy. Nhưng hồn thơ vẫn đi về với bờ tre mái rạ, như những câu thơ lục bát vẫn tìm về với hồn quê:

...Lau khô nước mắt giang hồ
Chỉ bờ vai mẹ với bờ tre xưa ...

("Tự khúc" - Nguyễn Xuân Hải)

Cái có, cái không, cái hư vô, cái hữu hình trong thế giới hiện đại đa thanh, đa sắc vẫn đi vào thơ lục bát theo cách cảm, cách nghĩ của nhân tình thế thái bây giờ:

Đôi khi ta lạc vào ta
Bờ trần gian vỗ sóng xa mỏi về
Lờ mờ nhân thế tái tê
Tóc mai khô giọt bùa mê vẫn dài

("Mỏi" - Nguyễn Thanh Hải)

Tác giả Nguyễn Thành Tuấn có hai bài thơ về chùa, "Chùa phố Hiến I" và "Chùa Phố Hiến II", có những câu thơ tôi thích:

...Nhặt bông hoa đại đẫm sương
Đêm nay trăng sáng trèo tường tôi ra
Đi xa chùa Phổ thật xa
Đi cùng với bóng mình và ...đi đâu?

Những câu thơ với cách cảm, cách nghĩ mới lạ, ý ở ngoài lời, như người xưa thường nói là "Ý tại ngôn ngoại" không ít trong tập thơ này.

Một trong những yếu tố làm nên thơ hay, nhất là trong thơ lục bát ấy là sự hồn nhiên, trong trẻo. Chính Viên Mai, nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng Trung Hoa đã từng viết "Kẻ làm thơ đừng đánh mất tấm lòng của trẻ sơ sinh". Đọc "Miền lục bát tìm nhau", tôi cảm nhận được cái trong trẻo, hồn nhiên, như cái thủa ban đầu của trời đất, của con người:

Bàng chưa đỏ lá,
Chỉ vừa
Đợi nụ hôn của gió mùa
Làm kiêu...("
Cảm đông" - Trần Anh Thư).

...Vào phiên đấu giá mùa đông
Hình như,
Nghe nỗi tơ hồng đứt tay ...

("Hình như" - Lê Kim Phượng)

...Kể ra phây búc cũng hay
Gióng như cái chợ trương bày hàng buôn ...

("Phây búc" - Trần Xuân Trường).

...Bỏ mùa đông cũ ra phơi
Áo hoa ngoài ngõ cứ cười áo bông

("Xuân" - Trần Hưng)

Đêm Sơn Nam
Rượu Phần Dương
Rót trăng phố Hiến
Hỏi đường lưu linh

Đó là hai câu thơ lục bát được ngắt ra, cũng là tên một bài thơ của Đỗ Cao Sơn trong tập thơ này. Lạ đấy chứ, cũng rất hồn nhiên, bày đặt mà như không bày đặt, trẻ thơ mà như không trẻ thơ ...

Trong bài viết hạn hẹp này, tôi không thể kể hết những câu thơ mà tôi thích trong "Miền lục bát tìm nhau", mong các tác giả trong tập thơ và bạn đọc lượng thứ. Xin được cảm ơn nhà thơ Hoàng Liên Sơn đã cho tôi một dịp tốt để tôi tìm về những câu thơ lục bát tưởng rất xưa cũ mà vẫn luôn mới mẻ...

Nhà vườn Sóc Sơn, 2019

Dương Kỳ Anh
.
.