Suy nghiệm từ hai bài thơ lục bát

Thứ Tư, 08/02/2012, 08:00
Có một bức tranh phong cảnh của họa sĩ Nga đại tài Ixaắc Lêvitan - bức "Cái yên tĩnh vĩnh hằng" - thi thoảng vẫn làm tôi nhớ tới "bức" "Tĩnh vật" của Tấn Phong. Tranh Lêvitan để lại trong tôi một sự xốn xang, bài thơ thì làm mình xao xác. Cả hai đều không có (hoặc là không rõ) bóng người...

1.Với bài thơ "Ru mình" của Trương Thị Kim Dung

Ngủ ngoan giấc mộng ngày đêm
Lưu đày đến cả tuổi tên linh hồn
Tháng năm chết đuối vui buồn
Đam mê nào biết ngọn nguồn tình yêu. 

Ngủ ngoan khăn áo hội chèo
Câu ca buộc cái phận nghèo đa duyên
À ơi… bóng lá con thuyền
Ngôi sao đã chở lời nguyền quá giang. 

Ngủ ngoan cát bụi trần gian
Dịu dàng ái kết hoa tang cho mình.

Lời bình: Như tràng chuỗi hạt trên tay người quả phụ đang thành tâm hướng tới Niết Bàn. Như một loài hoa thật thơm khi héo. Như giọt nước mắt dỗi hờn con trẻ (giọt nước mắt đưa chúng vào giấc ngủ). Thanh thản, buồn, và tinh khiết. Đó là những ý nghĩ khi mỗi lần trong tôi thức dậy lời "ru mình" của Trương Thị Kim Dung.

2. Với bài thơ "Tĩnh vật" của Tấn Phong

Âm thầm gió, âm thầm em
Âm thầm cỏ bạc, sáng đền, cau đưa
Âm thầm sông động, đò trưa
Trời xanh thư tịch, nắng lùa cổ văn.

Lời bình: Thơ hay thường hội tụ được nhiều yếu tố, trong đó cũng có không ít yếu tố tưởng là nhỏ (như chiếc đinh vít chẳng hạn) mà lại "bắt" chặt vào sự thành công. Tấn Phong là người làm thơ kết hợp trong thơ mình nhiều khả năng, mà một khả năng tôi hết sức chú trọng và đề cao ở anh, là khả năng ngắt nhịp (nói nôm na là khả năng biết cắt câu, xuống dòng, dùng chấm, phẩy để nhấn mạnh). Bài thơ "Tĩnh vật" tôi nói tới ở đây chỉ là một trong nhiều ví dụ.

Ngay từ câu mở đầu, dấu phẩy đã giữ vai trò: chia câu thơ thành hai luồng:

Âm thầm gió, âm thầm em

Một "luồng" gió, một "luồng" em, chỉ "âm thầm" là chia đều cho cả "em" và "gió"… Câu thơ rất gợi không khí. Hàn Mặc Tử từng viết "Âm thầm trong áng gió băn khoăn". Phải cái âm thầm ấy, đó chăng? (dẫu sao gọi là "áng gió" - chữ "áng" thật hay).

Đến câu thơ thứ hai: Âm thầm cỏ bạc, sáng đền, cau đưa "mật độ" dấu phẩy đã ken dày. Phẩy ngắt giữa "cỏ bạc" với "sáng đền", giữa "sáng đền" với "cau đưa"; "bạc" nối với "sáng"; "đền" đi với "cau", "cau" bỏ "đu" mà "đưa" (vẫn thành đu đưa), câu thơ đã thể hiện sinh động sự lưu chuyển của ánh sáng, từ thấp lên cao, lên cao hơn, cũng là sự lưu chuyển của gió tới sự vật và cảnh trí…

Âm thầm sông động, đò trưa

Ở đây, dấu phẩy chắn ngay sau "sông động", buộc sóng phải va vào đò, đò đưa là phải rồi. Nhưng không, ở đây tác giả lại viết là "đò trưa", vì đặt dấu phẩy vào vị trí như vậy, đủ tạo cái thế "đưa đẩy", việc gì phải để chữ lặp lại (câu trên đã có chữ "đưa"). Dùng chữ "trưa" nó bổ quát cho cái "trời xanh thư tịch, nắng lùa cổ văn" kia có hơn không? Vì trước sau, đỉnh cao của toàn bài vẫn là câu thơ ấy; cái đế khiến cho chiếc cốc pha lê mỏng mảnh khi đặt mạnh xuống bàn, không vỡ, là ở đấy.

Có một bức tranh phong cảnh của họa sĩ Nga đại tài Ixaắc Lêvitan - bức "Cái yên tĩnh vĩnh hằng" - thi thoảng vẫn làm tôi nhớ tới "bức" "Tĩnh vật" của Tấn Phong. Tranh Lêvitan để lại trong tôi một sự xốn xang, bài thơ thì làm mình xao xác. Cả hai đều không có (hoặc là không rõ) bóng người. Tất nhiên, tranh Lêvitan mang rõ dấu ấn thiên nhiên Nga, và thơ Tấn Phong - tất nhiên ghi đậm bản sắc thiên nhiên Việt Nam. Đó là những "góc nhỏ" tôi vẫn thường lui tới, đặng tìm cho mình một cái gì thư tĩnh

Phạm Nhật Linh
.
.