Mắt "bò” và cảm nhận của tôi

Thứ Ba, 05/06/2018, 08:13
Nhà thơ Hữu Việt vừa gửi tặng tôi tập thơ "Mắt bò" (Nhà xuất bản Văn học, 2018). Bao năm qua, tôi đã đọc hàng trăm tập thơ nhưng chưa có tập thơ nào có cái tên lạ như tập "Mắt bò" của nhà thơ Hữu Việt.


Tên tập thơ thật lạ nhưng người thơ Hữu Việt lại là chỗ quen biết nhiều năm qua. Hữu Việt tốt nghiệp kỹ sư kinh tế, Đại học Giao thông ở Kharcov (Ucraina), về Việt Nam, Hữu Việt làm kế toán trưởng cho một công ty đang ăn nên làm ra, ấy vậy mà vì yêu văn chương, Hữu Việt đã bỏ nơi lương cao bổng hậu, vui vẻ về làm biên tập ở Báo Tiền phong.

Nhiều năm cùng làm việc với Hữu Việt ở tờ Tiền phong chủ nhật, từ biên tập viên, Hữu Việt được đề bạt Phó ban rồi Trưởng ban; khi tôi nghỉ chế độ, Hữu Việt chuyển sang làm Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, rồi chuyển về Báo Nhân dân làm Vụ trưởng, Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ.

Tính Hữu Việt có lẽ giống thân phụ mình, cố nhà văn Hữu Mai, lành, vui, có lúc hài hước và cũng rất yêu cái đẹp. Nhiều năm làm Tổ trưởng thư ký cho Ban Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, rồi làm giám khảo, Phó Trưởng Ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu quốc gia do Báo Tiền phong tổ chức.

Tôi muốn nói đôi điều như vậy là để hiểu thêm về thơ Hữu Việt. Tôi đọc thơ Hữu Việt từ lâu, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thuộc lòng những câu thơ của Hữu Việt mà cũng không nhớ từ tập thơ nào:  "Năm đủng đỉnh, Tết bao giờ cũng vội/ Vườn giục đào, môi mãi gọi xuân... /Nến đi ngủ, mộng thôi về gõ cửa / Hoa nở một mình, vô ích đỏ…" hay "Tóc xanh hỗ trợ muối tiêu/ Cùng nhau giải quyết một chiều lang thang...". Trong tập thơ mới xuất bản "Mắt bò" tôi gặp lại những câu thơ quen thuộc như thế của Hữu Việt, nhưng cũng có nhiều bài thơ, câu thơ lạ hơn, mới hơn và sâu đằm hơn.

Tập thơ "Mắt bò" có ba phần: "LÍU LO"; "MẮT BÒ" và "GỌI". Mỗi phần tác giả có những thể nghiệm theo cách của mình và theo cách của những người viết được coi là trẻ bây giờ.

Mưa sớm
Thêm tiếng chim
Líu-lo-cành
Làm ta tỉnh giấc
Nằm mãi không ngủ lại được
Thế là thành thao-thức-líu-lo-em

(Líu lo)

Trong phần "LÍU LO", tôi vẫn thấy một Hữu Việt quen thuộc, vẫn những câu thơ chú trọng vào câu từ, vào vần, vào điệu ..., coi nhà thơ là "phu chữ" (chữ của nhà thơ Lê Đạt - một người thơ Hữu Việt yêu thích).

Đến phần "MẮT BÒ" tôi gặp một Hữu Việt suy tư, đằm sâu hơn. Tôi thích những bài thơ trong phần này:

Tôi gặp
Một con bò kiên nhẫn đứng nhai mưa
Nó không đứng chơi, trên vai ách nặng
Mắt rợp buồn chiều đông...

 (Mắt bò)

Đọc bài thơ này tôi mới hiểu vì sao nhà thơ Hữu Việt lại đặt tên tập thơ mới của mình là "Mắt bò". Và, xưa nay tôi gần như không hề chú ý đến mắt những con bò dù nó rất quen thuộc với tôi trong những ngày sống ở quê. Ừ, vẻ đẹp của nỗi buồn, sự kiên nhẫn và gì nữa nhỉ đã chìm sâu trong mắt những con bò...

Trang đầu tiên của tập thơ "Mắt bò" có hai câu đề từ: "Đó là đôi mắt đẹp, buồn/ và kiêu hãnh nhất thế gian". Là mắt bò chăng? Hay là đôi mắt của những cô nàng: đẹp-buồn-và kiêu hãnh!

Tôi thích những câu thơ như thế này:

Rễ cây dù mọc ngược
Vẫn tìm nơi đất lành
Những chòm râu minh triết
Buông xuống tự trời xanh...

 (Cây ở phố Hàng Trống)

...Ôi những điều xa xôi, những người xa xôi
Làm ta thương nhớ thế
Trong đoàn người buổi chiều đi bộ
Càng đi càng thấy sợ
Thời gian...

(Thời gian)

Bài thơ Hữu Việt viết về người cha thân yêu của mình - cố nhà văn Hữu Mai, tôi đọc mà trào nước mắt. Tôi nhớ lại những ngày, đêm, chăm sóc bố tôi cũng ở Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, ngỡ như Hữu Việt đã nói hộ lòng tôi lúc đó:

...Ước gì đỡ hộ
Cơn nấc của cha
Đỡ luôn gánh nặng
Tên là tuổi già...
Ước cha tỉnh lại
Con đưa về nhà...
(Thơ dâng cha)

Trong phần ba của tập thơ "Mắt bò": "GỌI", tôi thiển nghĩ nhà thơ Hữu Việt đã kết hợp được ưu điểm của hai phần đầu. Cái trẻ trung của phần "LÍU LO", sự đằm sâu của phần "MẮT BÒ" để tạo nên những câu thơ vừa trẻ trung, vừa đằm thắm, có sức gợi, mở:

"Lúc nào thấy nhớ/Thì gọi cho anh/ Hãy gọi cho anh/ Cả khi không nhớ .../ Gọi một con đường/ Biết thành quá khứ/ Gọi một lọn gió/ Biết làm tóc bay/ Gọi một người say/ Một người mắt ướt/ Gọi một lỡ bước/ Tên là đến sau/ Gọi một mưa mau/ Rụng rời quán nhỏ/ Gọi một ngõ cỏ/ Cho nụ hôn đầu/ Gọi một bể dâu/ Cho lòng bớt tủi/ Có một sợ hãi/ Gọi là mất nhau/ Có một niềm đau/ Sắp thành dĩ vãng..." (Gọi). Bài thơ này tôi không thể trích mà đăng nguyên cả bài, vì nó chặt chẽ, quyện với nhau từng câu, từng chữ. Nó có thể là một bài hát hay nếu được phổ nhạc.

Nhà thơ Hữu Việt có một thế mạnh, ấy là thành thạo hai thứ tiếng, tiếng Nga và tiếng Anh. Năm 2007, Hữu Việt được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về dịch thuật với tác phẩm "Khúc hát trái tim" của thần đồng thơ người Mỹ Mattie Stepanek, Hữu Việt dịch từ tiếng Anh (Stepanek đã mất năm 14 tuổi).

Bây giờ, mỗi khi cần dịch hay cần viết một cái gì đó có liên quan đến tiếng Nga, tôi vẫn nhờ Hữu Việt kiểm tra giúp một số từ, một số câu do lâu ngày tôi đã quên hay không còn nhớ chính xác, bất cứ lúc nào Hữu Việt cũng vui vẻ giúp.

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hữu Việt nhiều năm ở trong Ban Nhà văn trẻ, rất nhiệt tình mỗi khi Hội tổ chức đại hội những người viết văn trẻ, hay mỗi kỳ tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Đến nay nhà thơ Hữu Việt đã xuất bản bốn tập thơ ("Phố lạc tiên"; "Đếm mùa"; "Mắt bò" và "Thơ bốn người"). Về văn xuôi có tập "Email lúc 0 giờ" (tản văn, NXB Trẻ), về dịch ngoài tập "Khúc hát trái tim" còn có "Chuyện của Ana". Năm 1990 Hữu Việt được giải thưởng về thơ của Tuần báo Văn nghệ.

Có lẽ, với những bài thơ như bài "Vết cắn" trong tập thơ "Mắt bò" mà tôi trích sau đây, nhiều người trẻ thích thơ Hữu Việt cũng phải:

Vết cắn trên ngực anh sắp tan
Nhưng niềm hân hoan vẫn nguyên ở đó
Đêm nay
Đêm nay cơn gió nhỏ
Quần thảo giữa trái tim anh...
Bằng lặng im không nói
Nơi ấy bắt đầu sinh
Vết cắn mới -
Đau anh!

  Viết tại nhà vườn Sóc Sơn 5-2018
Dương Kỳ Anh
.
.