Làm gương - nêu gương - noi gương

Thứ Bảy, 16/03/2019, 08:20
Đối với Đảng ta, giành lại lòng tin của nhân dân, kiên quyết chống tham nhũng là bảo vệ sự sống còn của chế độ...


Trong ngôn ngữ thường nhật của người Việt Nam, các cặp từ đồng nghĩa: “Làm gương, nêu gương, noi gương, gương mẫu”, ai mà chẳng hiểu, chẳng biết. Nó giản dị như cơm ăn nước uống hàng ngày. Ấy thế mà nó biến mất nhiều chục năm qua, vùi chìm trong quá khứ, đến nỗi giờ đây khi mà “Một bộ phận không nhỏ” cán bộ của Đảng thoái hóa biến chất, được Trung ương cảnh báo nguy cơ làm xói mòn lòng tin của nhân dân, mới lại được nhắc đến như là cụm từ mới.

Và trong công tác cán bộ, cặp từ trên được nhấn mạnh như một phương thuốc cấp bách, hữu hiệu để xây dựng hình ảnh người cán bộ của Đảng, nhằm lấy lại lòng tin của nhân dân vốn đang bị xói mòn nghiêm trọng.

Cán bộ phải nêu gương từ lời nói đến việc làm.

Cặp từ trên lại được báo chí, truyền thông lan tỏa với mật độ đậm đặc. Do vậy, làm  gương, nêu gương, noi gương, gương mẫu bỗng nhiên như một sự phát hiện, một điều lớn lao. Điều mà vốn dĩ là truyền thống đạo đức, tính cách của người dân Việt Nam, được nâng lên thành phẩm chất, thành hình tượng trong thời đại Hồ Chí Minh... ai ngờ giờ đây lại như một đòi hỏi xa xỉ, một mục tiêu phấn đấu quá khó khăn. Thử hỏi không chạnh lòng, không buồn sao được. Tại sao chúng ta có rồi để mất? Gương mẫu khó hay dễ? Gương mẫu tốt không, cần không mà sao không nhiều người hào hứng, thậm chí còn thờ ơ, lãnh đạm?

Tôi xin kể về mấy mẩu chuyện mà tôi và đồng nghiệp chứng kiến để làm rõ hơn những ý trên.

Câu chuyện thứ nhất

Bạn tôi dạy ở Học viện Báo chí Tuyên truyền. Anh có đứa cháu nội 5 tuổi xinh xắn thông minh và cá tính, tên là Chi Mây. Cháu có một thói quen phải có mẹ cháu mới ngủ được. Đi mẫu giáo, cháu luôn mang theo vòng dây buộc tóc của mẹ để ngửi mùi mẹ khi ngủ trưa. Mẹ đi công tác, Chi Mây sang ngủ với bà ngoại, cháu đòi mang bằng được chiếc khăn hay áo của mẹ để ôm khi ngủ mà không có mẹ ở cạnh.

Có lần bà ngoại quên đem giặt chiếc áo của mẹ, cháu khóc um lên bắt đền. Cách đây một tuần, Chi Mây khoe với cả nhà, nét mặt đầy phấn khích: Cô giáo bảo con tiến bộ nhiều, cố gắng lên, tuần sau cô sẽ cho làm lớp trưởng. Hai hôm sau, đi học về, cháu khóc nức nở: "Con không làm được lớp trưởng đâu"."Sao vậy, ở lớp con vừa mắc khuyết điểm gì à?". "Không phải,  buổi trưa cả lớp phải ngủ. Mỗi con không ngủ được. Trưa nào con cũng nhớ mẹ rồi khóc. Như thế là không gương mẫu. Làm lớp trưởng thì phải gương mẫu. Cô con bảo thế!".

Thật không thể ngờ. Một đứa bé mới 5 tuổi đầu mà đã hiểu thấu đáo thế nào là gương mẫu và đã cố gắng nhưng thấy không thể ngủ trưa, không thể không khóc khi nhớ mẹ nên không dám nhận chức lớp trưởng!

Câu chuyện thứ hai

Một thanh niên, kiến trúc sư trẻ, mới ra trường, hăng say khởi nghiệp. Anh đến Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố làm thủ tục thành lập công ty tư vấn. Chẳng biết có phải bị “hành” không mà năm lần bảy lượt đi lại vẫn chưa xong. Hôm đó có TH - nữ phóng viên của Đài chúng tôi đang làm việc với vị Giám đốc Sở Kế hoạch  - Đầu tư. Thấy thanh niên thập thò ngoài cửa phòng Giám đốc, phóng viên TH liền hỏi: “Cháu có việc gì thế?”.

Thanh niên không nói, chỉ cười, chào phóng viên rồi đi. Giám đốc Sở hỏi: "Chị biết cậu này à?". Phóng viên hỏi lại: "Thế em cũng không biết cậu ta à?". "Không!". "Trời ơi, nó là con anh T...". "Chết thật" - Giám đốc Sở giật thót mình, đấy là con đồng chí T, cán bộ cao cấp. "Thế mà nó chẳng nói gì cả, chúng em không biết tí gì hết!".

Thế đấy, trong thời buổi người ta hay đàm tiếu là quan hệ, tiền tệ, hậu duệ... một thanh niên có trong tay “vũ khí khủng" là vậy mà không hề đưa bố ra, cứ lặng lẽ với danh xưng thường dân để làm việc với cơ quan công quyền thì quả là chuyện lạ và hiếm đấy chứ.

Câu chuyện thứ ba

Do kinh phí có hạn nên mỗi lần tháp tùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao đi công tác nước ngoài, Đài tôi chỉ được cử hai người, một phóng viên biên tập và một quay phim. Máy quay phim, chân máy, đèn chiếu sáng, các phụ tùng vừa nặng lại vừa cồng kềnh. Anh em rất vất vả. Nhà báo NT nhớ lại, lần ấy là tháng 6 năm 2004, anh em tháp tùng đồng chí T đi thăm và làm việc ở một số nước châu Âu. Đoàn đông, lại di chuyển nhiều.

Thương phóng viên, đồng chí T nói khéo: "Này đưa tớ xem thử cái chân máy". Nói rồi anh vác luôn. Bộ chân máy đó dài, to và không nhẹ chút nào. Thấy thủ trưởng làm vậy, các thành viên trong đoàn mỗi người mang hộ một thứ đồ nghề. Nhờ đồng chí T “làm gương” và các lãnh đạo tháp tùng “noi gương” mà phóng viên truyền hình chuyến ấy nhàn nhã, tập trung vào chuyên môn, chất lượng hình ảnh tốt hẳn.

Câu chuyện thứ tư

Cũng về đồng chí T. Lúc này đồng chí đã ở vị trí cao hơn, giữ trọng trách nặng nề hơn trên Trung ương. Đấy là chuyến đi công tác tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ năm 2015. Vì chuyến đi xa, và tính đặc biệt, nên Đài tôi được trên cho cử đi ba người. Chúng tôi bố trí một biên tập và hai quay phim. Phóng viên được chọn là những người vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, khỏe mạnh và năng nổ. Anh em đã chuẩn bị rất chu đáo. Các thủ tục hoàn tất, phấn khởi chờ lên đường. Đùng một cái, vào phút chót, sau khi kiểm tra danh sách đoàn đi, đồng chí T gạch tên một người của Đài. Anh em chúng tôi nhìn nhau ái ngại, nhưng không dám nói gì. Biết tính thủ trưởng nên lặng lẽ chấp hành.

Kể bốn mẩu chuyện trên, tôi muốn nói tới những trăn trở chung trong quần chúng nhân dân hiện nay. Đó là không khí vui, tin, hy vọng, đợi chờ, song hành cùng nỗi phấp phỏng, âu lo, chưa thực sự an yên. Đối với Đảng ta, giành lại lòng tin của nhân dân, kiên quyết chống tham nhũng là bảo vệ sự sống còn của chế độ.

Thắng lợi khởi đầu là đáng kể, nhưng thực sự nó mới dừng ở mức thắp lên ngọn lửa niềm tin. Cuộc chiến này hết sức cam go, còn phải gian khổ hy sinh nhiều. Việc nêu gương, làm gương, noi gương, gương mẫu là một sự dũng cảm, nó không chỉ giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp được thanh tẩy sạch trong, mà cao hơn, nó là nhân tố gắn kết, quy tụ, kích hoạt, tạo nên khối đại đoàn kết trong toàn xã hội, yếu tố tiên quyết cấu thành sức mạnh của dân tộc.

Vừa đây, mở đầu năm mới đã diễn ra hội nghị công bố quyết định thành lập Ban tổ chức và Tổ giúp việc xây dựng quy hoạch đề án nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới. Tìm và đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ thoái hóa biến chất, những "con lươn, con trạch" làm suy yếu Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, đồng thời tìm ra và đưa vào bổ sung quy hoạch những cán bộ giỏi, cán bộ tốt, có khả năng phát sáng và lan tỏa như một tấm gương, chính là ý chí, là quyết tâm của Đảng ta.

Ý chí ấy, quyết tâm ấy đang trở thành hiện thực. Nó đang hiện hữu cùng mùa xuân đất trời, mùa xuân dân tộc. Mùa xuân của những tấm gương sáng nảy nở sinh sôi. Em nhỏ nêu gương, thanh niên nêu gương, người lớn nêu gương, cán bộ nêu gương, ta sẽ có một xã hội lành và mạnh.

Đến đây, tác giả bài viết xin tiết lộ. Nhân vật T trong các câu chuyện trên không phải ai xa lạ, người rất gần gũi thân thuộc với chúng ta. Ông là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng! Chàng trai ngoan, gặp khó trong bước đầu khởi nghiệp ở câu chuyện thứ hai chính là con trai ông. Còn phóng viên bị để lại vào phút chót trong đoàn công tác tại Mỹ chính là người cháu gọi ông bằng chú. Phần bình luận xin dành cho bạn đọc.

Trần Gia Thái
.
.