Nêu gương phải từ những việc cụ thể

Thứ Năm, 28/02/2019, 08:29
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô. Theo đó, dự thảo lần này đã quy định rõ hơn mức khoán kinh phí sử dụng xe ôtô theo từng công đoạn sử dụng. 


Cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công được quy định từ năm 2007, song do thực hiện theo cơ chế tự nguyện nên ít chức danh đăng ký áp dụng.

Đến tháng 10-2016, Bộ Tài chính là một trong những đơn vị đi đầu trong việc khoán kinh phí đưa đón từ nhà đến nơi làm việc cho các Thứ trưởng, Tổng cục trưởng. Việc làm này đã nhận được không ít phản hồi tích cực từ dư luận. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương bắt đầu noi theo.

Thành phố Hà Nội thí điểm khoản kinh phí sử dụng xe công cho 4 sở và 4 quận, huyện; mức khoán áp dụng là 9 triệu đồng/xe/tháng. Sau 6 tháng khoán đã tiết kiệm được 1 tỷ 771 triệu đồng. Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm khoán chi phí sử dụng xe công với 5 đơn vị, với hai phương án được áp dụng là khoán theo quãng đường (11.000 đồng/km) hoặc theo xe (19,8 triệu đồng/tháng).

Ước tính tiết kiệm được hơn 1,26 tỉ đồng/năm. Ai trong chúng ta cũng thấy rằng, đây là việc làm rất hữu ích, thiết thực trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đến tháng 7-2017, Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô. Theo đó, phương án "khoán xe công bắt buộc" đến tận cấp Thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh,… đồng thời, giảm lượng xe phục vụ công tác chung của các cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

Theo phương án này, lượng xe công đến năm 2020 có thể giảm được 30% đến 50%. Tuy nhiên, trong dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP vừa hoàn thiện, thay vì bắt buộc khoán xe công đến cấp Thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì chỉ áp dụng đối với các chức danh ở đơn vị dưới cấp Sở, cấp Cục, như các Chi cục, Trung tâm,… đã khiến dư luận bất ngờ và không khỏi băn khoăn khi mục tiêu ban đầu rất to lớn nhưng đã bị "teo" lại vào giai đoạn cuối.

 Câu hỏi đặt ra là khoán xe công tiết kiệm cho ngân sách, được kêu gọi thực hiện hàng chục năm nay, sao đến giờ vẫn khó thực hiện đến thế? Vì sao cán bộ, công chức lại là những người không mặn mà, không vui vẻ thực hiện chủ trương này?

Người dân đành tự an ủi, dù sao trong Nghị định cũng có một số quy định mới sẽ hạn chế được phần nào tình trạng lạm dụng xe công. Bởi không thể kể hết các dẫn chứng cho thấy, xe công từ chỗ là một phương tiện được trang bị để tạo thuận lợi cho quan chức và công chức làm việc, thì luôn bị lạm dụng vào những việc riêng.

Chỉ từ khi có phong trào chống tham nhũng, lãng phí, báo chí và người dân phanh phui nhiều vụ cán bộ, công chức nhà nước sử dụng xe công đi chùa, dự tiệc, đưa đón người nhà lãnh đạo đi đây đi đó thì những "quan" đi xe biển xanh mới hơi ngại một tí cái gọi là... tai tiếng!

Dễ nhận thấy không ít cán bộ, công chức luôn quan trọng hóa hình thức, cho dù đôi khi họ chỉ mang một chức vụ nhỏ trong bộ máy hành chính Nhà nước, nhưng khi đi đâu mà được đi bằng xe biển xanh thì không những vừa "oai" lại còn vừa "oách", vì người ngoài sẽ nhìn họ bằng con mắt ngưỡng mộ. Chỉ vì cái oai, cái oách mà ngân sách phải chi ra cả chục nghìn tỷ để "nuôi" xe công. Tính trung bình, mỗi chiếc xe công "ngốn" hơn 300 triệu đồng/năm. Thống kê trên cả nước có khoảng trên 36.000 xe công thì một năm chi phí tốn tới vài chục nghìn tỷ đồng.

Một cảm giác chung là quá lãng phí. Nhân dân luôn mong đợi, trông chờ vào việc nêu gương của cán bộ, đảng viên thông qua những việc làm ích nước, lợi dân mà mắt thấy, tai nghe và mọi người đều có thể học được, chứ không phải là những việc làm quá "cao xa".

Rõ ràng, chỉ một việc nhỏ này mà cán bộ không gương mẫu, không thực hiện được thì dễ gây suy luận tiêu cực trong mắt người dân. Việc nhận khoán xe công của cán bộ lãnh đạo thực sự là một việc làm thiết thực trong việc nêu gương. Đây sẽ là những tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà  Đảng, Nhà nước đang quyết tâm thực hiện.

Ngồi trong cái xe sang trọng, đẹp đẽ mà không làm được điều gì đem lại lợi ích cho dân thì tự lương tâm cán bộ không biết có cảm thấy xấu hổ không? Trong khi, tự mình lo việc đi lại thì tự mình tiết kiệm được tiền, đó là những đồng tiền chính danh, không phải là đồng tiền bất chính do tham nhũng mà có.

Như vậy, ngoài tiết kiệm ngân sách, vừa được tiền, vừa được tôn trọng thì việc đó giúp cán bộ gần dân hơn, thay đổi nhận thức của cán bộ, những người nhận lương từ tiền đóng thuế của người dân thấy được nhiệm vụ, vị trí của mình, cán bộ không phải là "quan cách mạng".

Đã đến lúc không thể kêu gọi sự tự giác suông được nữa, Đảng, Nhà nước cần phải nhanh chóng, mạnh tay, buộc những người đứng đầu phải gương mẫu hơn nữa để những đồng tiền thuế của người dân và doanh nghiệp đóng góp được sử dụng hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Cù Tất Dũng
.
.