Không có một Việt Nam như thế

Thứ Năm, 18/06/2020, 07:32
Đầu tháng 6, Netflix ra mắt một bộ phim “Da 5 Bloods”, với sự tham gia của những diễn viên điện ảnh nổi tiếng Việt Nam như Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn, Nguyễn Ngọc Lâm, Sandy Hương Phạm. Đặc biệt, phim được quay với bối cảnh ở Việt Nam, chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh song song với một số bối cảnh được thực hiện ở Chiang Mai, Bangkok.


Bộ phim xoay quanh chuyến trở lại chiến trường xưa của các cựu binh Mỹ gốc Phi đã từng tham chiến ở Việt Nam. Từ khi phim đang thực hiện, có vẻ hứa hẹn rằng sẽ giới thiệu một hình ảnh Việt Nam xinh đẹp, tươi mới. Nhưng trái với kỳ vọng, bộ phim chỉ để lại những ấn tượng bực bội. Nó giới thiệu một Việt Nam hoàn toàn… tầm bậy.

Đầu phim, khi nhóm cựu binh đi chơi đêm đầu tiên ở một quán bar nổi tiếng của thành phố (Apocalypse), người xem đã đặt dấu hỏi lớn về việc đạo diễn Spike Lee có hiểu biết gì về bối cảnh câu chuyện của phim hay không. Trong quán bar, tự dưng có một cậu bé mất một chân, chống nạng cầm ống bơ (lon) sà vào bàn của những cựu binh năn nỉ xin tiền. 

Nhận được 20 USD, cậu bé ấy chào đón, cảm ơn người cho mình tiền bằng cách… đốt pháo khi nhóm cựu binh ra khỏi cửa bar. Tiếng pháo khiến nhóm cựu binh nằm rạp xuống vì nghĩ là tiếng súng. Không thể gây cười, nó chỉ tạo ra sự khó chịu cho người xem. Không phải bởi vì nó không thực khi Việt Nam đã cấm pháo từ lâu, mà bởi vì nó chẳng có “chất” gì đúng nghĩa Việt Nam cả. Rõ ràng, không có một Việt Nam như thế.

Rồi khi nhóm cựu binh đi chợ nổi, một người đàn ông bán gà cứ sà vào năn nỉ họ mua nhưng bất thành, người đàn ông kia chửi lại đám cựu binh với đỉnh điểm là “chính mày đã giết cha mẹ tao”. Đó là nỗi thất vọng lớn nhất mà “Da 5 Bloods” mang lại. Hình ảnh đó chỉ là một trong vô số những thể hiện cho thấy người Việt Nam đang rất hằn học với những cựu binh Mỹ trong phim. 

Thực tế, chiến tranh đi qua đã lâu nhưng vết thương vẫn chưa lành đối với nhiều gia đình, nhưng thái độ thù địch kia hoàn toàn không còn tồn tại ở Việt Nam từ lâu lắm rồi. Dù cho du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều nhược điểm, dù đây đó thi thoảng vẫn có nạn cướp giật của du khách nước ngoài, nhưng nó không phải là phổ biến và trong mắt du khách quốc tế, người Việt vẫn được nhìn nhận là cởi mở, hiếu khách, dễ gần. Vậy mà trong phim, cái sự thù địch kia cứ như thể mọi thứ đang diễn ra trong thời chiến. 

Đỉnh điểm là câu thoại của nhân vật hướng dẫn viên tên Vinh (Johnny Trí Nguyễn thủ vai) là “Cuộc chiến tranh đã khiến nhiều gia đình trở mặt với nhau”. Đúng là chiến tranh đã từng chia cắt Việt Nam, nhưng truyền thống người Việt nói riêng và Á Đông nói chung, gia đình là thiêng liêng, dòng họ là thiêng liêng và không có chuyện trở mặt với nhau một cách phổ biến như cách phim chuyển tải. Rõ ràng không có một Việt Nam như thế.

Tệ hại nhất là cảnh thể hiện một phát thanh viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam làm công tác địch vận thời chiến tranh do Ngô Thanh Vân đóng. Cô vào vai trong điệu bộ không đúng với thời cuộc, và phảm cảm hơn khi vừa đọc bản tin vừa hút thuốc lá, điều không thể được chấp nhận đối với một nữ cán bộ cách mạng thời kỳ trước năm 1975.

Cuối cùng, phong cảnh Việt Nam trong phim không phải đẹp như nhiều phim nước ngoài từng thể hiện. Thực sự, người xem có cảm giác phim này bôi nhọ Việt Nam thì đúng hơn.

Câu hỏi là khi đoàn phim xin phép quay phim ở TP Hồ Chí Minh, khâu duyệt kịch bản và giám sát việc thực hiện kịch bản có bị bỏ ngỏ? Nếu có, chắc chắn phải quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng. Để một hình ảnh Việt Nam như vậy đến với những ai chưa từng biết Việt Nam sẽ chỉ mang lại mối họa cho ngành Du lịch không hơn không kém. 
Văn Đoàn
.
.