Duyệt kịch bản sân khấu: Trao quyền nhưng không buông

Thứ Hai, 06/08/2007, 10:30

Từ tháng 5/2007, 12 nhà hát của Bộ VH-TT được phân cấp tự thẩm định kịch bản. Quyền được "ấn" vào tay, chủ động về thời gian, đề tài nhưng chất lượng vở diễn có khá hơn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó mắt xích quan trọng là "cái đầu" của các vị đứng đầu nhà hát.

Trên thực tế, kịch bản sân khấu dù hay đến đâu nhưng nếu chưa được "thử lửa" trên sân khấu thì vẫn chỉ là "hay" trên giấy. Lên sàn dựng, qua bàn tay của đạo diễn cùng với sự góp sức của toàn bộ êkíp dựng vở mà linh hồn là các diễn viên với sự nhập vai sống động, có chiều sâu… "kịch bản trên giấy" sẽ trở thành một phiên bản mới. Hay hơn, ấn tượng hơn, nhưng đôi khi cũng có trường hợp dở hơn, hoặc thấp thoáng những vấn đề "nhạy cảm" mà khi còn là những con chữ nó chưa lộ ra.

Đã có những trường hợp kịch bản được duyệt, khi vở được công diễn, dư luận chê, cơ quan quản lý "hạch" nhà hát, nhà hát thì lại "đổ" lỗi cho Hội đồng Nghệ thuật của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD). Rằng, nếu thấy dở sao còn duyệt? Duyệt rồi lại chê, thì không chỉ nhà hát có lỗi đâu nhé. Vô hình chung, Hội đồng Duyệt kịch bản của Cục trở thành nơi vừa đá bóng, vừa thổi còi. Những kịch bản dở tới tấp được "đá" về sân của Cục. Cực chẳng đã phải làm thay các nhà hát công việc chọn kịch bản nhưng khi có vấn đề… thì không ai khác, chính Cục lại phải "thổi còi" chấn chỉnh những kịch bản mà mình đã duyệt.

Trao quyền cho các nhà hát, đồng nghĩa với việc phát huy tối đa trách nhiệm của Hội đồng Nghệ thuật các nhà hát mà đứng đầu là các vị giám đốc. Xét cho cùng thì mục đích của việc trao quyền này chính là muốn nâng cao chất lượng các vở diễn. Một mặt để các nhà hát phát huy sở trường, chọn những kịch bản phù hợp đáp ứng hai yêu cầu chất lượng nghệ thuật và có doanh thu. Mặt khác, tạo thế chủ động để các nhà hát có thể bung ra thu hút các nguồn đầu tư phát triển sân khấu theo hướng xã hội hóa.

Từ kinh nghiệm thực tế, NSƯT Bằng Thái, Trưởng đoàn Kịch Quảng Ninh nói: "Chúng tôi thèm muốn có được quyền chủ động như 12 nhà hát của Bộ VH-TT. Quảng Ninh cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước, con đường thẩm định kịch bản vẫn phải đi theo một lối mòn là trình Sở VH-TT.

Sau khi thẩm định, Sở lại trình Ban Tuyên giáo tỉnh ủy… Mỗi lần trình duyệt kịch bản là một lần nơm nớp lo lắng. Một cách làm việc quá cũ, quá lỗi thời, trì trệ, cần được thay đổi. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, lý do khiến các địa phương chưa dám trao quyền chủ động cho các đơn vị nghệ thuật là vì họ chưa nhìn thấy những tố chất đáng tin tưởng từ các h ội đồng nghệ thuật của đơn vị. Khách quan nhìn nhận, mặt sàn của các hội đồng nghệ thuật cấp đơn vị chưa cao, nên không tự tin, hoặc không có khả năng tự thẩm định kịch bản".

Trao đổi điều này với Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Phạm Quang Long, ông Long quả quyết: "Ở đâu không biết, chứ ở Hà Nội chúng tôi chưa dám nghĩ đến việc trao quyền tự chủ cho các đoàn nghệ thuật. Lý do là chất lượng thẩm định của Hội đồng nghệ thuật Sở cao hơn ở các đoàn. Nhiều khi quá trình thẩm định kịch bản lại là quá trình góp ý, sửa chữa, nâng cao kịch bản. Thậm chí sửa nhiều lần mới đưa vào dàn dựng. Nếu để các đơn vị tự chọn, một kịch bản yếu như thế đưa vào dàn dựng thì chất lượng vở diễn sẽ thế nào? Dựng rồi, chất lượng kém, tiền đã tiêu, công sức của bao người đã đổ ra chẳng lẽ lại bảo "cất ngay vào kho"? Mà cho diễn, dư luận chê bai thì ai gánh trách nhiệm này? Gánh đến đâu, gánh như thế nào?…".

Rõ ràng dù trao quyền thì cũng chẳng thể "buông" được. Trách nhiệm của Cục NTBD và Hội đồng Nghệ thuật các Sở cũng phải thể hiện được sự "cao tay ấn" ở khâu duyệt vở. Muốn nâng cao năng lực thẩm định và trách nhiệm của Hội đồng Nghệ thuật, cần phải có chế tài ràng buộc các đơn vị, trong đó quy định rõ trách nhiệm, thậm chí đền bù bằng tiền nếu dựng những vở diễn kém chất lượng tới mức không thể công diễn. Hoặc, nếu vở diễn năm nay không đạt chất lượng (dưới điểm trung bình), thì năm sau kiên quyết cắt tiền dựng vở. Chỉ có vậy mới hy vọng các đơn vị nâng cao chất lượng vở diễn để thay đổi bộ mặt của sân khấu hiện nay

Chu Thu Hằng
.
.