Khoác áo mới cho những điều "muôn năm cũ"

Thứ Bảy, 10/03/2018, 08:31
Hát bội, tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống... trở nên khác biệt khi bàn tay người trẻ chạm vào. Trào lưu đương đại hóa, hiện đại hóa nghệ thuật truyền thống được hưởng ứng nhưng cũng vấp phải vô số tranh cãi.


Đương đại hóa để gần với công chúng

Gây chú ý dư luận mới đây là hoạt động đương đại hóa tranh dân gian Đông Hồ của bộ ba họa sĩ trẻ 9x ở TP Hồ Chí Minh. Họ là Phạm Rồng, Phạm Quang Phúc, Nguyễn Thị Phương Trinh. Cụ Nguyễn Đăng Chế (87 tuổi), là một trong hai nghệ nhân tranh Đông Hồ còn lại của Việt Nam hướng dẫn các họa sĩ tìm hiểu về tranh Đông Hồ. Những màu sắc từ thiên nhiên như màu trắng của giấy điệp, màu đỏ của gỗ vang, màu đen của tro lá tre, màu vàng của nụ hòe, màu xanh từ vỏ cây tràm… lôi cuốn họ.

Nhìn về guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, tranh Đông Hồ dần lạc nhịp. Làng Đông Hồ bây giờ đã biến thành làng hàng mã. Những bức tranh dân gian Đông Hồ mang ý nghĩa chúc phúc chứa đựng bao điều tốt đẹp, mong muốn "Sức khỏe - Thịnh vượng - Hạnh phúc" đến trong năm mới nay đã trở thành hoài niệm trong mỗi gia đình. Người ta không treo tranh dịp Tết nữa nên người Việt trẻ ngày nay chẳng mấy ai hiểu được giá trị tranh dân gian độc đáo này.

Để đưa tranh Đông Hồ phù hợp với nhịp sống hiện đại, các họa sĩ đã quyết định cải tiến 3 bức tranh Đông Hồ kinh điển bằng góc nhìn sáng tạo, hiện đại, gần gũi. Họa sĩ Phạm Quang Phúc cách tân cậu bé ôm gà trong  bức "Vinh Hoa" thành cậu bé miền Nam ôm gà, cầm điện thoại chụp hình selfie. Họa sĩ Nguyễn Thị Phương Trinh vẽ bức bà Nguyệt se duyên bằng những nút like, nút bắn tim … quen thuộc của mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter….

Hình ảnh này ngụ ý so sánh mạng xã hội như bà Nguyệt hiện đại gắn kết các đôi trẻ với nhau. Phạm Rồng thì mượn hình ảnh của bức "Đấu vật" để vẽ cảnh như mọi người tập gym, yoga...  gửi gắm thông điệp về một năm dồi dào sức khỏe.

Bộ tranh Đông Hồ đương đại hóa của nhóm họa sĩ 9x dựa trên các bức tranh kinh điển.

Đây không phải là dự án đầu tiên "lột xác" cho tranh Đông Hồ. Năm 2016, tại một sự kiện dành cho cộng đồng thiết kế sáng tạo đã có hơn 500 nhà thiết kế đưa tinh thần bức "Lợn đàn" vào trong sản phẩm đồ họa táo bạo. Đầu năm nay, họa sĩ sinh năm 1993 Nguyễn Xuân Lam vẽ lại nguyên xi tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống nhưng không sử dụng khuôn gỗ hay màu sắc bằng vật liệu tự nhiên mà bằng kỹ thuật đồ họa hiện đại để tranh bắt mắt hơn.

Còn Nguyễn Ngọc Tú thì châm biếm vấn nạn thực phẩm bẩn bằng cách mượn hình tượng quen thuộc của tranh Đông Hồ. Con gà, con lợn vẫn mang nét xưa cũ thế nhưng lại được thêm các chi tiết "hiện đại hóa" như bơm hơi, ngâm hoá chất, biến lợn thành bò... Có người nói vui "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong" thành "Tranh Đông Hồ gà lợn chứa ung thư".

Cũng tạo tiếng vang không kém là dự án "Vẽ về hát bội" ra mắt công chúng hồi tháng 2. Người khởi xướng dự án là hai họa sĩ trẻ Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên. Bắt đầu từ đầu năm 2018, dự án quy tụ hơn 40 nghệ sĩ ở khắp Bắc Nam. Các tác phẩm mang hơi thở đương đại gồm đủ loại hình như tranh, phim hoạt hình, tượng, nghệ thuật cắt giấy, nghệ thuật sắp đặt, ….

Trong khuôn khổ triển lãm còn có triển lãm áo dài và tranh thảm lấy cảm hứng từ hát bội do nhà thiết kế Sĩ Hoàng thực hiện; biểu diễn các vở tuồng kinh điển như "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", "San Hậu", "An Tư công chúa" tại Nhà hát Chợ Lớn; talkshow tìm hiểu nghệ thuật hát bội với NSƯT Hữu Danh; workshop vẽ mặt nạ hát bội....

Là người hỗ trợ dự án nhưng khi đến dự buổi triển lãm đương đại, diễn viên Hồng Ánh không giấu được sự ngạc nhiên. "Lúc mới nghe các bạn trình bày ý tưởng, tôi đã rất ngỡ ngàng vì không ngờ những bạn trẻ tưởng chừng như rất cá tính, hiện đại lại tìm thấy sự rung cảm trong một loại hình nghệ thuật truyền thống đã gần mai một.

Các bạn làm cho tôi giật mình tự hỏi: Đã bao lâu rồi mình chưa đi xem hát bội? Mình hiểu bao nhiêu kiến thức về hát bội? Đến khi xem tác phẩm của các bạn, tôi càng ngỡ ngàng hơn. Hóa ra họ không vẽ nguyên xi những gì hát bội có như vẽ lại mặt nạ, vẽ lại cảnh tuồng mà thể hiện hát bội bằng cách nhìn rất mới mẻ, hiện đại để gửi gắm tâm tư, suy ngẫm của thế hệ mình về hát bội" - Hồng Ánh chia sẻ.

Nhìn thấy đông đảo người trẻ đến tham quan, NSƯT Hữu Danh - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh xúc động: "Tôi rất vui mừng vì các bạn trẻ đã góp một phần rất lớn vào việc gìn giữ, quảng bá nghệ thuật tuồng,  nhất là để người dân TP Hồ Chí Minh biết rằng tuồng còn tồn tại trong thành phố này. Hiện nay, trung bình Nhà hát diễn được 150 suất một năm.

Thỉnh thoảng có năm lên được 180 suất. Dù ít khán giả nhưng chúng tôi vẫn dàn dựng vở, cố gắng hết sức để bảo tồn hát bội. Nhờ hiệu ứng của dự án, đến đầu tháng 3, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội biểu diễn phục vụ công chúng ở những địa điểm công cộng".

Đương đại hóa hay phá nát?

Đương đại hóa thế nào để không bị gọi là phá nát cái cũ là câu hỏi không dễ trả lời. Việc đưa những chi tiết hiện đại như mạng xã hội, tập gym, smartphone… vào các bức tranh Đông Hồ nổi tiếng khiến dự án "Đương đại hóa tranh Đông Hồ" vấp phải nhiều tranh cãi hơn cả. Có người thắc mắc: "Tại sao các bạn không đương đại hóa hoàn toàn mới luôn mà phải cover (vẽ lại) dựa trên những bức tranh quá quen thuộc?".

Nhóm họa sĩ thừa nhận họ sợ việc "lột xác" hoàn toàn sẽ khiến người ta chưa kịp thích ứng. Ngoài ra, đây là cách họ giúp những người trẻ chưa từng tiếp cận tranh Đông Hồ sẽ có cơ hội tìm hiểu về bản gốc. Trước lo ngại đương đại hóa sẽ khiến tranh Đông Hồ mất "chất", họa sĩ Phạm Rồng quả quyết: "Tranh Đông Hồ đơn giản, màu sắc vừa nhu vừa sáng, mang tính ước lệ và tượng trưng, phóng khoáng và hài hước. Nó phản ánh sinh hoạt thường ngày, cuộc sống con người mỗi thời đại. Chúng tôi kế thừa tinh thần đó và tiếp nối để phản ánh về thời đại mình. Đương nhiên, cái gì mới dễ vấp phải ý kiến trái chiều. Nhưng tôi nghĩ, công việc của chúng tôi là sáng tạo hết mình. Theo thời gian, tranh nào đẹp, ý nghĩa sẽ được công chúng đón nhận, còn không thì trôi vào quên lãng".

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế khẳng định: "Chúng tôi không lo các bạn trẻ làm mai một tranh Đông Hồ truyền thống. Dù đề tài có mới như thế nào thì chất liệu, tạo hình chân phương, đặc sắc và cách thực hiện vẫn theo quy trình bản khắc gỗ truyền thống của làng tranh Đông Hồ. Hồn cốt tranh vẫn được giữ.

Bản thân tôi và cha ông xưa kia từng cải tiến, làm mới tranh Đông Hồ theo các thời điểm lịch sử như giai đoạn chống Pháp có bức "Không cho chúng nó thoát" rồi đến giai đoạn chống Mỹ, giai đoạn bao cấp… Thì nay, việc các bạn trẻ cách tân tranh theo thời đại của mình là điều không có gì phải tranh cãi. Quan trọng nhất là họ đã góp phần quảng bá tranh Đông Hồ, giúp nhiều người biết đến".

Ngược lại, dù không vẽ tranh Đông Hồ bằng màu sắc tự nhiên và bản khắc gỗ truyền thống mà vẽ bằng phần mềm đồ họa hiện đại, Nguyễn Xuân Lam vẫn giữ được đường nét tinh tế, những câu chuyện ẩn dụ trong tranh Đông Hồ. Cái khác là phiên bản của Xuân Lam tươi sáng, bắt mắt, phù hợp thị hiếu đương thời hơn.

Nhiều nhà thiết kế thời trang đã liên hệ với Xuân Lam để xin các mẫu vẽ này để làm họa tiết trên trang phục. Xuân Lam tâm sự: "Em hy vọng mọi người sẽ hứng thú hơn với mỹ thuật truyền thống dân gian và hy vọng mọi người có thể tìm hiểu thêm về tác phẩm gốc. Mỗi tác phẩm em đều giới thiệu câu chuyện và ý nghĩa của nó. Ví dụ về một nhân vật lịch sử có thông tin năm sinh năm mất của họ, câu chuyện của họ. Hay những tác phẩm dân gian như gà, cá, lợn, đánh ghen... có ý nghĩa gì để giúp mọi người hiểu hơn".

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cũng cho rằng việc làm của các bạn 9x là sự đột phá mang tính bắc cầu giữa truyền thống và hiện đại. "Tranh truyền thống có cái đẹp của truyền thống, nhắc nhớ xa xưa, mang tính hoài niệm rất cao.

Đương đại hóa tranh Đông Hồ là để cho ta có dịp nhìn lại kỹ hơn giá trị xưa qua cách chế tác và thưởng thức ý nghĩa nội dung cũ mới đan xen, so sánh và đối chiếu giá trị tân cổ và quan trọng nhất là giá trị thiêng liêng của văn hóa dân tộc nằm ở đâu. Việc đương đại hóa tranh dân gian là làm cho người thưởng thức tranh dễ hiểu hơn ý nghĩa tranh, khi có hiểu có quý thì mới yêu mới ra sức gìn giữ" - ông đánh giá.

Mai Quỳnh Nga
.
.