Hình tượng con gà trong thơ và trong tranh Đông Hồ

Thứ Tư, 25/01/2017, 08:12
Nói tới tranh điệp, mọi người dễ nhận ra ngay đó là sản phẩm của làng tranh Đông Hồ. Đông Hồ nằm bên bờ sông Đuống, thuộc phần đất huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Tranh Đông Hồ được in trên nền giấy dó quét điệp, tạo vẻ đẹp riêng biệt. 


Đề tài tranh Đông Hồ rất phong phú. Chỉ riêng hình tượng con gà, tranh Đông Hồ đã có gần chục mẫu tranh. Tiêu biểu là tranh “Đại cát”, tranh “Gà mẹ gà con”, tranh “Gà thư hùng”, “Gà trống hoa hồng”... Trong bài thơ xuân, nhà thơ Tú Xương (1870-1907) từng viết:

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà.

Còn bài thơ “Chợ tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004), khi tả về con gà trống đang bị người mua bán cầm chân dốc ngược, để “Con gà trống mào thâm như cục tiết”, thì ngay ở khổ thơ trên, ông đã viết “Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà”.

Tôi dám chắc, bức tranh gà được nhắc đến trong thơ của hai ông thi sỹ tỉnh Nam này là tranh Đông Hồ. Dòng tranh dân gian ở nước ta, xem ra chỉ có tranh làng Hồ là vẽ gà, vẽ nhiều về gà. Tranh Đông Hồ, thời trước, là đồ trang trí rất hợp cho những nếp nhà quê. Tường đất, tường gạch đá ong, tường gạch mộc, mái tranh, mái cọ, ngói mũi… là không gian rất hợp với tranh điệp làng Hồ.

Tranh Gà mẹ gà con.

Phần nữa, người nông dân vốn lam làm và họ luôn quý trọng những con vật quanh mình, như con gà, con vịt, con mèo, con trâu… Chính vậy, đề tài con gà đã cho người nghệ nhân làng tranh nguồn cảm hứng sáng tác tranh gà trống, gà mái rất đẹp.

Tranh gà mẹ gà con với hình tượng chính là đàn gà chíu chít, ríu rít, tượng trưng cho sự sống nhân quần ấm áp của bầy đàn. Mô hình gia đình, theo lễ giáo xưa, là khát vọng đoàn tụ điền viên tam đại, tứ đại đồng đường. Còn con gà trống trong tranh điệp Đông Hồ luôn toát lên vẻ đẹp dũng mãnh, uy nghi và tự tin. Từ cặp mỏ, đến cái mào gà, cho đến đôi chân có cựa sắc, đường bệ, vừa tư thế chắc chắn, vừa thanh thoát. Gà trống được mệnh danh Đại kê, theo phiên âm chữ Hán, còn gọi Đại cát. Ngày trước, đại cát là ứng với quẻ bói tốt nhất cho công việc làm ăn và tương lai của con người.

Con gà trống luôn tượng trưng cho sự thịnh vượng. Đã vậy, con gà trống lại bao hàm năm phẩm chất chính của người quân tử: tính văn (mào đỏ như mũ cánh chuồn), tính vũ (cựa gà oai phong), tính dũng (không sợ đối thủ), tính nhân (biết kiếm ăn theo bầy đàn), tính tín (biết gáy báo giờ chính xác).

Đặc thù của kỹ nghệ tranh Đông Hồ là in nét và in mảng màu, không dùng bút tô vẽ. Ván khắc bản in thường dùng gỗ thị, gỗ mít. Người làng Hồ biết tự vẽ mẫu tranh, rồi khắc bản in, rồi in tranh. Mẫu tranh thường dựa theo điển tích, theo nội dung truyện cổ, mang ý nghĩa giáo huấn nhẹ nhàng. Màu in tranh Đông Hồ toàn chế từ nguyên liệu tự nhiên.

Màu đen làm từ tro lá tre. Màu vàng làm từ hoa dành dành. Màu son làm từ sỏi đồi và gỗ cây vang. Màu xanh chàm làm từ rỉ của mâm đồng, chậu đồng, nồi đồng. Màu trắng làm từ vỏ sò, vỏ điệp. Chính vì vậy, tranh gà, cũng như các tranh khác của Đông Hồ có vẻ đẹp tự nhiên, khác hẳn vẻ đẹp của các dòng tranh dân gian khác.

Tranh Đại cát.

Ngày trước, tháng chạp, Đông Hồ mở chợ tranh ngay sân đình làng. Chợ tranh toàn bán tranh của làng làm ra. Phiên chợ tranh, xe bò, xe ngựa, thuyền bè các nơi đổ dồn về làng mua tranh, kìn kìn chở tranh đi bán tứ phương, tỉnh Nam tỉnh Bắc, xứ Đông xứ Đoài.

Chợ quê đồng bằng Bắc Bộ ngày ấy, hầu như chợ nào cũng có khu bán tranh làng Hồ. Tranh treo trên liếp, lên cột kèo cầu chợ, tranh bày la liệt ra mặt đất. Màu đỏ, màu vàng, màu xanh rực rỡ của tranh hòa quyện cùng màu hoa đào, màu lá dong xanh, màu đỏ của trái gấc chín, màu vàng trái quất, tạo ra không gian tưng bừng, riêng biệt của chợ Tết quê vùng đồng bằng Bắc bộ mới có.

Nhà thơ Hoài Anh thuộc lớp người cầm bút tiêu biểu của giai đoạn đầu chống Mỹ, có tài tả về vẻ đẹp của tranh gà làng Hồ:

Bức tranh làng Hồ
Thơm mùi gỗ thị
Vỏ xơ mướp khô
Vuốt trên giấy bản
Sắc màu đã tô
Bác thợ lật giấy
Con gà đứng dậy
Ồ sao bỗng thấy
Mắt gà chớp nhanh

Không chỉ đơn thuần mô tả vẻ đẹp của nghề làm tranh, mà Hoài Anh đã nhìn ra sức sống bừng dậy của một làng quê, nó là hồn cốt của sự sống dân tộc.

Nòi gà để lại
Từ đời cha ông
Ấp bằng hơi thở
Nuôi bằng tấm lòng

Thì ra, con mắt nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp không chỉ đơn thuần của con gà làng quê “Mắt gà chớp nhanh /Mắt bác không chớp/ Cái màu lửa cháy/ Cổ vươn tiếng gáy/ O o bình minh”, mà nó là sức sống của đất nước: “Tấm lòng ngàn xưa/ Ngàn sau nở mãi”, để rồi “Sông núi cho xanh/ Hồn nước sống mãi/ Con gà đứng canh”.

Cùng cảm xúc viết về con gà, nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngay thời niên thiếu, đã viết bài thơ rất hay “Ò…ó…o”:

Tiếng gà

Tiếng gà
Giục quả na
Mở mắt
Tròn xoe
Giục hàng tre
Đâm măng…

Thì ra, dưới con mắt nhà thơ thần đồng này, tiếng gà chính là tiếng trời đất báo mùa thiên nhiên rạo rực, sinh sôi, nảy nở. Để rồi “Ôi bốn bề/ Bát ngát/ Tiếng gà”. Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng có bài thơ đầy cảm xúc về tiếng gà. Đây là tiếng gà quê từng theo bước chân người lính hành quân ra trận. Sau này, hình tượng con gà còn được chị thể hiện rất sinh động trong bài thơ “Bầu trời trong quả trứng”.

Tranh Phú quý.

Từ xa xưa, con gà luôn là hình tượng thân quen của con người. Lịch vạn niên phương Đông còn lấy con gà làm biểu tượng cho mười hai con giáp. Ở làng Đông Hồ, con gà không đơn thuần được tôn vinh vẻ đẹp trong tranh điệp, mà người làng Hồ còn tự hào bao đời nay nuôi giống gà Hồ rất quý.

Gà Hồ không chỉ dáng đẹp, to con mà thịt chắc và thơm. Hàng năm, vào ngày 20 tháng giêng âm lịch, làng mở hội thi gà. Tiêu chuẩn thi gà Đông Hồ rất khắt khe. Mỗi giáp được mang một cặp gà đến thi. Gà sống phải là mã lĩnh, mã mận, mào sít, đầu công, mình ốc, đuôi nơm, dáng đi dũng mãnh, oai vệ. Gà mái phải lộc nhãn, béo tốt. Trọng lượng gà mái khoảng 4kg, gà trống to con hơn, có khi nặng tới 9kg.

Giải thưởng thì đơn giản, nhã nhặn, thường là vuông vải nhiễu điều, hoặc phong chè mạn, nhưng tiếng tăm người được giải thì rất lớn. Phường giáp nào được giải cao trong hội thi gà, theo duy tâm, phường giáp năm ấy làm ăn hanh thông, phát tài phát lộc.

Không chỉ riêng người châu Á coi trọng con gà, mà người châu Âu cũng rất đề cao. Hình tượng con gà trống thường được chọn làm bằng gốm sứ, gắn trang trí trên vị trí cao nhất nóc nhà của công trình kiến trúc. Ngay từ thời Spartacus cổ đại Hy Lạp, chú gà trống đã được coi là một đấu sỹ oai hùng.

Vũ Từ Trang-Xuân 2017
.
.