Khi con trẻ đòi lại tuổi thơ

Thứ Năm, 20/08/2020, 16:53
Phải thú thật thế này: Hồi còn nhỏ, tôi rất hay kiếm cớ để trốn học. Thường thì tôi giả ốm; hoặc có đi học thì tranh thủ lúc ra chơi, tôi lại lẻn sang các lớp khác. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ câu nói “kinh điển” của thày giáo chủ nhiệm hồi cấp II: “Học như cậu thì cần gì... nghỉ hè. Tuổi thơ của em dài nhất thế hệ này đó!”.


Nhưng rồi, sau nhiều năm xa quê, khi tôi đến thăm thày, thày lại nói: “Về cơ bản thì bây giờ đất trời chẳng còn ra Xuân, Hạ, Thu, Đông nữa, chỉ biết có hai mùa là mùa khô và mùa mưa, khí hậu cũng biến đổi chứ đâu còn đứng im”. Tôi biết điều ấy không có gì mới mẻ, nhưng đứng trước tôi của ngày hôm nay, dường như thày muốn nói một lời khen ngợi thật khéo léo và sâu sắc.

Trên đường về, tôi nghĩ đến chú chim nhỏ yếu ớt trong lồng, hễ gặp người lạ là nhao nhác nhưng lại là “hậu duệ” của những loài khủng long khổng lồ. Một cây si, cây đa che phủ mái đình lại có thể trường tồn trong chậu bon sai nhỏ hẹp…tất cả là bởi: muốn tồn tại ắt phải biến đổi. 

Như chính tôi, cứ đến ngày áp Tết, nếu không có chị hàng hoa mang cành đào đến tận đầu ngõ, anh hàng bánh chưng ship bánh tận cửa thì dù có yêu cái không khí Tết cổ truyền đến mấy tôi cũng đành bất lực khi sống giữa mấy chục mét vuông nơi phố xá. 

Có thể chiếc bánh không còn ngon nữa, giống như cơm nấu nồi điện không thể có mùi cơm nấu niêu đất, bếp rơm; không còn cả rừng đào bừng lên trước mùa xuân như ngày ở núi, nhưng dẫu sao vẫn còn chút hơi hướng. Còn để mà nhớ mà nhắc nhở cháu con…

Trẻ em ngày nay đã đánh mất những trò chơi tuổi thơ - nguồn Báo Bạc Liêu.

Và có lẽ, với những gì mất đi, chúng ta cũng phải quen dần. Sự thật đau lòng mà mỗi sáng thức dậy, ta luôn phải tự nhủ, ấy là: Từ sau những “thảm kịch” trong một năm lại đây, nhân loại sẽ phải quen dần khi Nhà thờ Đức Bà Paris dẫu có được phục chế sẽ không còn mang không khí trong kiệt tác của đại văn hào Victor Hugo nữa. Sự thực “lá phổi” Amazon của cả nhân loại đã không còn lành lặn. Trái đất đã nóng lên theo từng năm dẫn đến băng tan, nước biển dâng… 

Dù không mong muốn, dù ở vào độ tuổi khó thay đổi nào, dù rất thất vọng như một câu chuyện buồn sẽ còn kể mãi với cháu con nhưng vẫn có thể chấp nhận sự thay đổi ấy. Một gia đình ở quê bấy nhiêu năm ngỡ chỉ cần “một trận gió trời bằng cả đời gió quạt” thì nay phải dành ra một khoản chi tiêu để lo tiền điện cho chiếc máy điều hòa. Và ngược lại, người thành phố lại thích nghi với những “dòng sông phố” khi mùa lũ đến. Họ đã quen sống như dân vùng chiêm trũng, phải tập làm vườn trên sân thượng để có rau sạch khi chính rau ở nông thôn chuyển vào lại xanh mướt đến nghi ngờ…

Con người luôn định hình theo khuôn đúc của cuộc sống. Hẳn trong kí ức của những người thuộc thế hệ 8X trở về trước vẫn lưu giữ kỉ niệm về sự kiện tập xe đạp. Mỗi người mỗi kiểu để vỡ òa hạnh phúc như “trúng xổ số” vì biết đạp xe- điều mà nếu đem kể cho giới trẻ ngày nay thì họ không tài nào có thể tưởng tượng được. Bởi, ngay từ bé, các em đã phải đến các lớp trẻ từ khi còn rất nhỏ, phải đi xe bus, được đạp xe đi học thêm, đi học các môn nghệ thuật, thể thao. Cuộc sống với các em là một guồng quay của học và học.

Khi phải học để không bị hụt hơi với bạn bè trong “thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông” ấy, chính các em thực ra cũng chia sự học ấy ra thành: Môn nào học để thi vào Đại học, môn nào học vì thích, môn nào học để cho xong và cả những môn học để mà chơi, để có cơ hội tụ tập… 

Thi thoảng có chuyên gia tâm lý, có nhà giáo lão thành nào đó tỏ ra e ngại nhưng cũng không có giải pháp nào hữu hiệu để giúp trẻ thoát ra khỏi quy luật đó.  Bởi, một lý do rất thực tế: học là cách duy nhất để bảo vệ con trẻ trước hiểm họa của các loại tệ nạn khi tỉ lệ tội phạm vị thành niên ngày càng tăng cao. 

Thêm một điều an ủi những người lo lắng là: có một nghịch lý, nhiều cán bộ thế hệ 9X ngày nay tuy là sản phẩm của thế hệ “không có mùa hè”, “ba lô nặng trĩu”, “bơi trong học hành” nhưng kiến thức đôi khi lại rất phải chăng. Thế có nghĩa là, họ đâu có bị quá tải. Trong đời sống tâm hồn họ vẫn đầy ắp những hot trend của thời trang, nhạc trẻ, phim bom tấn… như cánh đồng xanh mát.

Thật sự yên tâm khi chương trình học tràn ra chiếm dần mùa hè. Trẻ em đã học gãy gáy sách mới đến ngày khai giảng. Học cho mình, học để cha mẹ yên tâm mưu sinh, học để xã hội bớt nỗi lo những mặt trái của cơ chế thị trường đầu độc các em… Nhưng cuộc sống luôn có những bất ngờ. 

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cuộc sống thực sự bị xáo trộn bởi chỉ có giãn cách mới giúp loại bỏ những nguy cơ lây nhiễm- như một cách phòng thủ hữu hiệu nhất. Đó cũng là lúc những lớp, nhóm bị thay thế mới mối quan hệ lâu nay đã khá lỏng lẻo ấy là gia đình. Và khi ấy bỗng dưng, biết đâu lũ trẻ muốn đòi lại tuổi thơ?

1. Chúng ta đã phung phí quá nhiều thời gian của trẻ em. Câu nói ấy, thoạt nghe rất vô lý. Khi những bậc làm cha, làm mẹ đang ngày ngày miệt mài bươn chải để kiếm tiền. Đến khi con cái có bằng cấp, tự kiếm sống bằng năng lực bản thân thì chúng ta đã già. Nhưng không, chúng ta đã tiêu tốn những khoảng thời gian đáng phải được chơi, được chúng ta dẫn dắt để hiểu về cuộc sống. 

Thế nào là miếng cơm? Thế nào là một người nghèo? Phải cùng cha mẹ sẻ chia vất vả, bận rộn chứ không phải làm thay, nghĩ thay cho con cái mình? Những đồng tiền chúng ta đem về không mua được thứ mà ta đã lấy mất của trẻ ấy là sự trải nghiệm. Trải nghiệm từ chính ngôi nhà mình, cuộc sống gia đình mình chứ đâu phải chỉ có những chuyến đi đóng tiền trọn gói.

2. Tuổi thơ là sự cảnh báo của tương lai. Mỗi con người đều có cách tiếp cận cuộc sống, cách khẳng định mình bằng những cách khác nhau. Có thể thành thật hay giả tạo, đầy lòng vị tha hay cố chấp. Nhưng sâu thằm trong tâm hồn vẫn phản chiếu một sự thật. Ấy là sự nối dài của những ước muốn từ ngày thơ bé. 

Có những đứa trẻ bất chấp ngã gãy chân, khoèo tay, bươu đầu, sứt trán đến hái cho được chùm quả chín. Lại có em bé chấp nhận sự thật là cành cây trên cao không thể với tới. Có người từ nhỏ đã giành giật chiếc bánh từ tay bạn, lại có người bẻ đôi chia cho bạn bè… Chỉ có thể nhìn vào tuổi thơ để có những lời khuyên, để nhận ra sự lệch lạc trong suy nghĩ.

3. Tuổi thơ là món quà của tạo hóa mà không ai có thể chối từ. Dù với mỗi người quãng đời tuổi thơ có thể vui hay buồn, đáng tự hào hay đầy ắp những tật xấu nhưng đó luôn là món quà chứa đựng những bất ngờ. Không ít người thành đạt từng khởi đầu bằng một tuổi thơ đến trường rất nghịch ngợm. 

Cũng không ít câu chuyện tuổi thơ khiến chúng ta ám ảnh suốt cuộc đời về sự cao thượng hơn bất kì một chiêu trò tạo uy tín nào trong cuộc sống của người lớn sau này. Tạo hóa đã ban cho thuở ban đầu ấy với mỗi người là một bất ngờ, một trớ trêu nhưng đều mở ra những cơ hội để con người nắm bắt.

Bởi thế, nếu từ nay, bỗng dưng lũ trẻ lại có mùa hè, bỗng dưng một ngày chúng đòi lại tuổi thơ thì hãy coi đó như một món quà chúng ta thường mang về từ chợ phiên hay sau một chuyến đi xa. Đó là điều chúng xứng đáng được nhận, bất kể trong đó là sự ngọt ngào hay chua chát thì đó đều là những thực tế trong cuộc sống này. 

Chúng ta đừng quên rằng để làm một người thành đạt không hề khó bởi trong cuộc sống đã sẵn có hình mẫu của các doanh nhân, các nhà khoa học người nổi tiếng trong giới giải trí. Nhưng, có lẽ cả cuộc đời, con người ta vẫn phải loay hoay để làm một con người mà càng hiểu biết, càng nỗ lực càng thấy thiếu sót và ân hận. Âu, đấy cũng là sự khắt khe của lương tâm để luôn thôi thúc chúng ta phải trả một món nợ như mùa hè nay các em đòi lại tuổi thơ của mình.

Bùi Việt Phương
.
.