Liên hoan phim Tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 8:

Khẳng định vị thế của phim tài liệu Việt

Thứ Hai, 19/06/2017, 08:10
Diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 9 đến 18 - 6, Liên hoan phim (LHP) Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 8 mang tới cho khán giả 31 tác phẩm tài liệu xuất sắc với các chủ đề đa dạng từ văn hóa - kinh tế - xã hội đến môi trường của 10 quốc gia châu Âu và Việt Nam.


Không chỉ là cơ hội để khán giả được thưởng thức những bộ phim tài liệu đặc sắc của các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới, LHP đang trở thành điểm hẹn thường niên các nhà làm phim và giới hâm mộ điện ảnh khám phá cuộc sống, văn hóa, con người thông qua những góc nhìn đa chiều, độc đáo.

LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 8 là sự kiện nằm trong khuôn khổ các chương trình hoạt động của EUNIC - Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán Châu Âu. Đây còn là sự kiện văn hóa thường niên được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009. Sau thành công từ lần tổ chức đầu tiên, các quốc gia châu Âu đã phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Việt Nam tổ chức các LHP liên tục từ đó đến nay.

LHP lần này diễn ra tại Hà Nội và Trường Đại học Hoa Sen (TP Hồ Chí Minh) đã quy tụ được 31 tác phẩm điện ảnh đoạt giải cao trong các kỳ LHP, trong đó có 10 phim châu Âu (bao gồm của các nước: Áo, Anh, Đức, Đan Mạch, Israel, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Wallonie - Brussels (Bỉ) và 21 bộ phim của Việt Nam. Trong số các bộ phim quốc tế, có một số phim đã giành được giải thưởng cao như Oscar, César, Berlin...

Một phim tham dự LHP Tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 8.

Các bộ phim của Việt Nam đều là những phim do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất, một số phim thuộc các Đài truyền hình và của các tác giả làm phim độc lập. Trong suốt 10 ngày diễn ra LHP, khán giả có cơ hội thưởng thức mỗi tối 01 bộ phim tài liệu của Việt Nam và 01 bộ phim tài liệu quốc tế. Đồng thời, 11 bộ phim của các tác giả độc lập được giới thiệu tại các buổi chiếu riêng.

Ngay tại buổi khai mạc LHP, bộ phim "Dấu tích Sa Huỳnh", giải Cánh diều vàng 2015 và "Rừng xanh kỳ diệu", đề cửa giải César dành cho phim Tài liệu hay nhất năm 2014 của Điện ảnh Pháp đã chiếu ra mắt khán giả. Nếu như "Dấu tích Sa Huỳnh" góp phần giải mã những bí ẩn của một nền văn hóa 3000 năm trước thì "Rừng xanh kỳ diệu" lại là câu chuyện về sự ra đời và phát triển của những khu rừng nguyên sinh nhiệt đới rộng lớn.

Cùng một đề tài về thiên nhiên nhưng 2 bộ phim đã cho khán giả chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ bí của thiên nhiên cũng như những dấu ấn văn hóa đặc biệt thông qua những hình ảnh chân thực và xúc động.

 Qua 7 kỳ tổ chức, LHP đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn hóa Việt Nam, tăng cường giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trở thành một điểm hẹn quen thuộc thường niên với công chúng yêu thích thể loại phim tài liệu trong và ngoài nước.

Với đề tài và nội dung phong phú, các bộ phim được chiếu trong sự kiện này mang đến cho khán giả những góc nhìn mới, đa chiều hơn về xã hội, về những mối quan hệ giữa con người với môi trường, khám phá những vùng đất mới, những chủ đề mới. Trong khuôn khổ LHP còn có các hoạt động giao lưu, đối thoại giữa các nhà làm phim, giới thiệu phim, giới thiệu nền điện ảnh mỗi quốc gia. Trong số các bộ phim tham gia LHP lần này phải kể tới bộ phim tài liệu "Ai sẽ yêu tôi" của Israel. Đây là bộ phim dài 86 phút, kể về một người đàn ông Israel đồng tính nhiễm HIV sống ở London.

Bộ phim tài liệu duy nhất được dán mác C18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi) này đã chiếm được nhiều tình cảm của khán giả bởi câu chuyện cảm động và lôi cuốn, về sức mạnh của tha thứ và mái ấm gia đình. Phim cũng đã giành những giải thưởng điện ảnh danh giá bậc nhất thế giới như giải thưởng của LHP Berlin, LHP Krakow 2016...

Ngoài ra, còn có nhiều phim có đề tài khá độc đáo như "Happy" là bộ phim do một cô con gái làm về bố mình - một người đàn ông 60 tuổi vẫn quyết định ly dị vợ, đến Thái Lan và sống hạnh phúc với một cô gái trẻ người Thái. Hay bộ phim "Amy" về nghệ sĩ nhạc jazz Anh quốc Amy Winehouse, từng 6 lần giành giải Gramy.

Thông qua bộ phim, đạo diễn Asif Kapadia sẽ cho khán giả thấy những góc khuất đời sống phía sau tài năng âm nhạc này cùng với những hình ảnh, ca khúc chưa từng công bố. Bộ phim  từng được 33 giải đề cử và 30 giải thưởng quốc tế trong đó có: "Phim tài liệu hay nhất" lại Lễ trao giải của Viện Hàn lâm điện ảnh Anh Quốc, Giải Oscar, "Phim tài liệu châu Âu hay nhất" lại lễ trao giải phim Châu Âu lần thứ 28...

Một cảnh trong bộ phim tài liệu “Dấu tích Sa Huỳnh”.

Tại Lễ khai mạc LHP, NSND Nguyễn Như Vũ, quyền Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương khẳng định: sau 7 lần tổ chức,  LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam đang trở thành điểm hẹn để các khán giả và giới hâm mộ điện ảnh có cơ hội khám phá cuộc sống, văn hóa và góc nhìn của Việt Nam và thế giới.

LHP tiếp tục khẳng định vị trí của phim tài liệu trong dòng chảy điện ảnh, một loại hình phản ánh được rõ nét về cuộc sống, đất nước, con người. Đây là một loại hình phim đặc biệt với ngôn ngữ, cách thể hiện riêng, kỹ thuật riêng và những đạo diễn chuyên biệt. Mỗi bộ phim, là một câu chuyện cũng là cách để người xem phân tích, hiểu rõ thêm về xã hội chúng ta đang sống, những mối quan hệ giữa con người với con người, con người với môi trường, khám phá những vùng đất cũng như những chủ đề mới.

Góp mặt tại LHP năm nay, trong số 21 bộ phim của chủ nhà Việt Nam có tới 11 phim là của các nhà làm phim độc lập. Điều này cho thấy xu hướng làm phim độc lập đang ngày càng được các nhà làm phim lựa chọn. Những bộ phim Việt Nam tham gia LHP lần này khá đa dạng về chủ đề và đều là những bộ phim được giải thưởng như Cánh diều, giải thưởng của các LHP truyền hình như "Hai đứa trẻ" (Tạ Quỳnh Tư), "Nhật ký của ba (Hoàng Hà Lê)", "Mẹ ơi con đã về" (Lương Minh Đức), "Muốn về nhà" (Hoàng Dũng)... Nếu như "Chuyện ngày hôm qua" là câu chuyện về ban nhạc Bức tường, "Còn lại với thời gian" lại tái hiện cuộc sống của những người lính, những nỗi sợ hãi và mong muốn của họ trong thời kỳ kháng chiến gian khổ dựa trên những lá thư, những cuốn nhật ký của những người lính đã chiến đấu và hy sinh ở chiến trường miền Nam.

"Trường Sa - Việt Nam" lại là những hình ảnh khái quát về quá trình hình thành quần đảo Trường Sa trong lịch sử phát triển của đất nước, bộ phim là lời khẳng định quyết tâm xây dựng và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. "Giọt nước giữa đại dương" của NSND Đào Trọng Khánh là câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng huyền thoại, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Điều đặc biệt là trong số các bộ phim tham dự LHP lần này, nhiều bộ phim Việt Nam có chủ đề gia đình. Điều đó cho thấy sự trăn trở của các nhà làm phim về các vấn đề đang nảy sinh trong mỗi gia đình hiện nay.

Rõ ràng, mỗi tế bào của xã hội ấy đang chịu sức ép và ngày càng thay đổi dưới sự tác động của cuộc sống hiện đại. Từ những câu chuyện nhỏ, nhưng các nhà làm phim tài liệu Việt Nam đã đưa ra những góc nhìn mới, cách phản ánh khá độc đáo về vấn đề gia đình. Ngoài ra, 11 bộ phim của các nhà làm phim tài liệu độc lập ở Việt Nam có "Sofa, bế và chuyện phiếm", "Lên lên xuống xuống", "Gia đình đầu trọc", "Mặn như muối", "Nhà đối diện", "Dành tặng ông Điều", "Giường xinh", "Bên dưới đại lộ", "Đất đai thuộc về ai", "Thiên thần bất tử", "Chuyến về quê cùng ba mẹ".

Có thể nói, lâu nay, dòng phim tài liệu luôn được khẳng định là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam. Nhiều bộ phim tài liệu Việt Nam nhận được những giải thưởng danh giá tại các LHP trong và ngoài nước cũng như sự yên mến của khán giả quốc tế. Chúng ta đã có được một đội ngũ làm phim tài liệu tài năng và tâm huyết với nghề, luôn đau đáu trước những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội. LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 8 thêm một lần nữa cho thấy phim tài liệu Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế có nhiều đóng góp độc đáo cho dòng phim tài liệu thế giới.

Thảo Duyên
.
.