Khắc phục tình trạng lai căng văn hóa trong ngôn ngữ
Trong thời buổi toàn cầu hóa thì bất cứ một ngôn ngữ nào cũng có sự ảnh hưởng từ những ngôn ngữ khác tùy thuộc vào các tiếp biến văn hóa rộng hẹp của dân tộc đó. Ví dụ là một nước văn minh nhưng chỉ trong 20 năm hội nhập (1990-2010), trong vốn từ vựng tiếng Đức có tới hàng ngàn từ tiếng Anh du nhập.
Ở Pháp còn gây phản ứng mạnh đến nỗi phải có nghị quyết ở cấp cao nhất đưa ra biện pháp ngăn chặn sự "xâm lược" của tiếng Anh. Tất yếu là cũng có rất nhiều ngôn ngữ "đổ bộ" vào Anh ngữ từng ngày từng giờ…
Như vậy sự lai căng ngôn ngữ là bình thường, tất nhiên, có tích cực và hạn chế. Tích cực ở chỗ các khái niệm, nhất là khái niệm khoa học mang tính công cụ đã ổn định, chặt chẽ rất khó chuyển hết nghĩa sang bản ngữ thì giữ nguyên sẽ tiện lợi hơn, như "marketing" chẳng hạn (có trường đại học ở ta có khoa Marketing). Nhưng hạn chế cũng rất rõ, rõ nhất là làm mất vẻ đẹp, sự trong sáng của ngôn ngữ mẹ đẻ. Xin nói qua về sự bất cập này trong tiếng Việt.
Đã quen giao tiếp với khách quốc tế, một nhân viên bán vé máy bay nói với vị khách Việt: "Nếu có tình huống "delay" (hoãn chuyến) cháu sẽ "confirm" (xác nhận) vào giấy công tác cho bác". Ông khách chẳng hiểu gì. Hỏi lại thì phiền, có khi bị đánh giá "nhà quê", nên đành im lặng trong băn khoăn…
Ấy là chưa nói đến một bộ phận sinh viên trẻ, trong ngôn ngữ giao tiếp hay có sự pha trộn thái quá, với "essays" (tiểu luận), "difficult" (khó), "try again" (cố gắng làm lại), "complete" (hoàn thành), "send" (gửi), "contact" (liên lạc)… Tình trạng này nếu không khắc phục kịp thời sẽ tạo thành "thói quen ngôn ngữ" có hại, nhất là tư duy sẽ mất sự rõ ràng, chính xác, khó tường minh vấn đề khi diễn đạt, vì ngôn ngữ là phương tiện đắc lực nhất của tư duy. "Ngôn ngữ và tư duy như hai mặt của một tờ giấy" là vì vậy.
Giới trẻ bây giờ rất thích sử dụng ngôn ngữ lai tạp, làm mất dần đi sự trong sáng của tiếng Việt, để lại những hệ quả xấu. (Ảnh có tính chất minh họa - Nguồn Internet). |
Hơn nữa, tiếng Việt với các đặc thù: Tính biểu trưng cao; tính cân xứng hài hòa; tính biểu cảm lớn; tính linh hoạt; tính khái quát; thường cấu trúc chủ động với nhiều động từ nên nếu lạm dụng tiếng Anh thường cấu trúc bị động nhiều danh từ, thì cấu trúc lời văn dễ bị phá vỡ làm phương hại đến sắc thái ý nghĩa.
Có nhà nghiên cứu gọi trường hợp này là "chấn thương ngôn ngữ". Không chỉ ở nước ta mà ở hầu hết các nước tiên tiến đều phải bàn đến giải pháp khắc phục, như ở Pháp, mỗi Bộ đều có bộ phận chuyên dịch các thuật ngữ chuyên ngành để làm sao khi sử dụng ngôn từ sẽ thuần Pháp nhất. Từ căn cứ trên, xin đề nghị bốn giải pháp sau.
Một là, phát động phong trào Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ trong việc giữ gìn sự trong sáng, phát triển và làm giàu tiếng Việt. Chúng ta đã và đang làm tốt phong trào này ở các lĩnh vực xã hội khác, nhưng ở ngôn ngữ thì hình như chưa được mạnh mẽ. Bác Hồ có 30 năm sống ở nước ngoài, đi qua 54 nước, thông thạo 12 ngôn ngữ chính, thế mà vẫn dùng tiếng Việt một cách chuẩn mực, tinh tế, trong sáng, ngắn gọn, sinh động, dễ hiểu, đậm đà hương vị ca dao, dân ca, vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ.
Bác Hồ tránh vay mượn tiếng nước ngoài vô nguyên tắc: "Tiếng Việt của ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta, nhưng không nên vay mượn lu bù để lòe thiên hạ". Nhưng khi cần Người vẫn dùng, như đi thăm Ấn Độ, Indonesia, Lào… trong các bài diễn văn có pha một vài từ, thường là khẩu hiệu hay cụm từ nói về tình đoàn kết hữu nghị anh em trong ngôn ngữ nước chủ nhà, để làm gần gũi hơn tình cảm bạn bè, phá bỏ khoảng cách các nghi thức ngoại giao, cùng nhau hòa trong không khí thân mật gắn nối và gắn kết thật chân tình… Bác đã mượn tiếng rất có chủ định vào mục đích ngoại giao văn hóa.
Đồng thời Bác Hồ rất có ý thức quảng bá tiếng Việt ra thế giới. Những năm đầu viết báo tiếng Pháp các danh từ chỉ người Việt đều được tác giả viết bằng chữ Việt. Trên báo "Le Paria" số 4 (1-7-1922), bản tiếng Pháp bài "Thù ghét chủng tộc" hai chữ "con gái" bằng tiếng Việt. Trên báo "L'Humanité" (17-8-1922), bài tiếng Pháp "Dưới sự bảo hộ của…", các chữ "nhà quê", "quan lớn", "lính lệ" viết bằng tiếng Việt. Trong truyện "Vi hành" chữ "dân" viết bằng tiếng Việt. Đặc biệt hai chữ "nhà quê" đều viết bằng tiếng Việt trong tất cả các văn bản tiếng Pháp. Dĩ nhiên mục đích chủ yếu là chính trị, nhưng từ góc độ ngôn từ cũng cho thấy biết bao sắc thái tình cảm trong cách dùng tiếng mẹ đẻ như vậy.
Trong truyện "Đồng tâm nhất trí" (báo L'Humanite' (29-9-1922) có giới thiệu thể thơ lục bát Việt bằng cách cho in nguyên bài ca dao tiếng Việt "Con mèo mà trèo cây cau", in hoa những chỗ gieo vần... Những ví dụ như vậy cần được phân tích sâu trong môi trường học đường để thấy giá trị, ý nghĩa tiếng Việt trong sự đối sánh với ngôn ngữ nước ngoài.
Hai là, giải pháp giáo dục. Học ngoại ngữ là trổ ra một cửa sổ mới đón gió văn hóa từ bên ngoài bầu trời thế giới. Làm chủ thêm một ngôn ngữ để thêm hiểu bạn bè và cũng hiểu ta hơn. Là phương tiện rất cần thiết trong việc làm giàu văn hóa tri thức dân tộc và cá nhân nhưng có một nguyên lý rất được chú ý là phải giỏi tiếng mẹ đẻ thì mới giỏi được ngoại ngữ.
Cho nên bài học giáo dục đầu tiên chống lai căng ngôn ngữ là tăng cường tình yêu tiếng Việt "đẹp và rất giàu" trong mỗi bài giảng ở nhà trường. Phải làm rõ cho người học thấy tiếng ta đẹp, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm… ra sao. Có hiểu mới yêu. Có yêu mới trân trọng, quý mến.
Thực tế cho thấy hiện tượng ngôn ngữ lai căng xảy ra nhiều ở giới trẻ. Tại sao vậy? Vì ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp cơ bản, trong giao tiếp thể hiện rõ mình nhất. Mà người trẻ thì luôn thích mới, thích khẳng định cá tính, nhất là chưa đủ tri thức về tiếng Việt cũng như tiếng nước ngoài để có một bản lĩnh ứng xử văn hóa lịch lãm. Ngôn ngữ lai căng là ngôn ngữ "giả". Không một trí thức chân chính nào lại đi dùng kiến thức giả. Lai căng ngôn ngữ là hiện tượng xã hội, để ngăn chặn nó phải có sự tham gia của toàn xã hội mà trước nhất là tế bào gia đình, nhà trường, các cơ quan đoàn thể… Ví như Đoàn Thanh niên Cộng sản phát động phong trào Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ - sử dụng ngôn ngữ là rất phù hợp.
Ba là, giải pháp luật-hành chính. Nhiều nước tiên tiến có Luật Ngôn ngữ trình bày rất rõ trong trường hợp nào cần mượn, ở mức độ nào, chú giải chi tiết ra sao… Ở ta chưa có luật này nhưng rất nên có các văn bản dưới luật quy định về cách dùng/ mượn tiếng nước ngoài, ví như trong các văn bản song ngữ hay quảng cáo thì chữ Việt phải ở trên và to hơn tiếng nước ngoài… Việc này hẳn nhiên có sự tham mưu và tham gia của Viện Ngôn ngữ học. Cần phạt hành chính với đơn vị nào (như nhà xuất bản, tờ báo…), sản phẩm văn hóa nào (sách báo) dùng lỗi sai trong lạm dụng tiếng nước ngoài.
Bốn là, giải pháp văn hóa làm gương. Ngôn ngữ là của chung nhưng các tầng lớp như chính khách, văn nghệ sỹ, nhà báo, nhà giáo… khi phát ngôn có ảnh hưởng nhất định đến xã hội, nhất là với giới trẻ. Với các nhà văn là "nghệ sỹ ngôn từ" thì cách dùng tiếng mẹ đẻ trong sáng, dễ hiểu, giản dị của họ là bài học cho bạn đọc.
Như V.Hugo đại văn hào Pháp là tác giả của bao kiệt tác vẫn xung phong làm từ điển tiếng Pháp, tự nhận hoàn chỉnh một mục từ. Điều ấy cho thấy mỗi nhà văn đồng thời là một nhà từ điển học. Dĩ nhiên vẫn có thể dùng ngôn ngữ nước ngoài về hướng đi, cách viết, câu chữ… nhưng phải với mục đích nghệ thuật làm trong sáng và giàu có thêm tiếng Việt. Các nhà báo làm mẫu cho bạn đọc trên ngôn từ chính xác, biểu cảm. Các nhà giáo làm mẫu cho học trò bằng lời nói chuẩn mực, tinh tế…