Hồn thơ thấm nỗi cố hương

Thứ Sáu, 07/02/2020, 07:53
Yên Thế (Bắc Giang) là một địa danh lịch sử, nuôi dưỡng lòng yêu nước và để lại những tấm gương sáng cho đời sau. Khi đọc thơ trên Facebook, để tìm những câu thơ hay theo ý mình nhằm bổ sung vào cuốn sách của tôi “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ”(Nhà xuất bản Giáo dục, 2013) sắp tái bản, tôi chú ý đến những gương mặt mới, có lối viết riêng, trong đó có Nông Thị Hưng.


Rồi Nông Thị Hưng gửi cho tôi hai tập thơ “Men rừng” (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc) và “Mười bài” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), bấy giờ tôi mới biết Nông Thị Hưng là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở núi rừng Yên Thế.

Mở mắt ra mắt lại va vào núi
Con đường vòng, đôi chân bước ngả nghiêng...

(Đàn bà xóm núi)

...Con dao quăng của em cùn, quăn, cũ kĩ
Em quăng suốt đời
Không bén rừng anh ...

(Nhớ con dao quăng)

Những câu thơ hồn nhiên, chân thật, nhưng cũng rất gợi như thế, tôi rất thích.

Tập thơ mới của tác giả Nông Thị Hưng.

Tôi chưa gặp Nông Thị Hưng, chỉ đọc bài của nhà thơ Mai Liễu in đầu tập thơ “Men rừng” mới biết được đôi điều về người thơ này: “Hoàn cảnh của Hưng rất khó khăn, quê cô ở một xã miền núi huyện Yên Thế- Bắc Giang; để lại con thơ dại ở quê cho chồng một mình về Hà Nội lăn lóc kiếm tiền gửi về gia đình nuôi con ăn học. Ngày ngày tất tả với nghề giúp việc gia đình, làm tạp vụ cho cơ quan, nhưng niềm đam mê đọc sách và làm thơ với cô ấy thì vô bờ bến ...”.

Những câu thơ trong hai tập thơ đã xuất bản của Nông Thị Hưng chính là hồn thơ của một miền quê nghèo, miền quê của núi rừng Yên Thế.

...Sáu năm bặt tin cha
Giấy báo tử vẫn nằm trong tủ
Bao đêm mẹ lén nhìn vào...

(Nói với cha)

Thật cảm động. Câu thơ cuối của khổ thơ như cứa vào lòng người đọc. Chân thật và tinh tế biết bao.

Chiều nhòe nét vẽ chân mây
Tuổi thơ theo mẹ lấp đầy khoảng không...

(Nhớ mẹ)

Chỉ hai câu thơ lục bát trong bài thơ viết về mẹ, tôi thiển nghĩ đã có đủ đường nét, sắc màu, dư ba của những câu thơ hay. Câu thơ trên như những nét vẽ thật sinh động, câu thơ dưới với hình ảnh “lấp đầy khoảng không” thật bất ngờ, tạo nên cảm xúc vừa thực, vừa hư trong tâm tưởng người đọc.

Còn đây là hình ảnh chàng trai Hơ Mông:

...Giọng nói như chim hót
Dáng đi như dáng núi
Cúi xuống là suối trong
Nhìn lên là cầu vồng bảy sắc
Cái bụng mùa củ mài củ nâu
Sợi tình chắc như dây buộc cột ...

(Trai Hơ Mông)

Tôi đọc khá nhiều thơ của các nhà thơ người dân tộc thiếu số, tôi rất thích sự chân thật, hồn nhiên, trong sáng trong những bài thơ, câu thơ của họ.

Tôi lại nhớ tới Viên Mai, nhà thơ, nhà phê bình thơ Trung Quốc nổi tiếng, sinh thời ông thường tự dặn mình rằng: “Kẻ làm thơ đừng đánh mất tấm lòng của trẻ sơ sinh”.

Nông Thị Hưng cũng vậy, nhiều bài thơ, nhiều câu thơ của cô được viết ra tự nhiên như hơi thở của núi rừng:

Đã già rồi, sao vía còn lạc đi
Để ta khóc ba ngày, bảy tháng
Bây giờ hồn thành phiêu lãng
Trên núi cao, thần sấm đang ngồi...

(Gọi vía)

...Đỏ con mắt nhớ
Nhảy tung tăng khắp chốn, khắp rừng
Mong gặp được ngọn cây hôm trước
Có máng nước đầy trong thung

Ở phía đông trời lên
Ở phía tây trời lặn
Có giấu kín điều gì
Hãy bày ra trước mắt!...

(Nơi rừng thiêng)

Tôi bỗng nhớ tới hai câu thơ của nhà thơ Nga Evgeni Evtushenko:

Anh có thể dối em
Thơ anh không thể dối!

Cái dối ngoài đời đã khó nhận ra, cái dối trong thơ còn khó nhận ra hơn. Nhưng, cái dối dù ngoài đời hay trong thơ không sớm thì muộn người ta cũng nhận ra thôi.

Sinh thời, nhà văn Lý Biên Cương có một bài viết đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam, tôi nhớ mãi đoạn ông nói về sự giả dối trong thơ: “Thiếu gì người làm thơ thời nay nói có vẻ rất nhiều tâm tư, nhân bản này nọ. Nhưng họ giả, giả đến phát sợ, đến nghi ngờ cả phẩm chất thơ của họ. Như chiếc bóng bay, thổi mỗi lúc một to, một rực rỡ, nhưng ruột họ lại nhẹ bỗng...”.

Tôi thích sự hồn nhiên, chân thật trong thơ. Thơ Nông Thị Hưng không tô vẽ, không bày đặt, không làm duyên, làm dáng, không cố tỏ ra mình thế này thế khác... Nhưng, cái chân thật trong thơ cô không phải là cái “thật như đếm” như người ta vẫn thường nói. Đấy là sự chân thật của cảm xúc, của tâm hồn một cô gái quê gắn bó với núi rừng Yên Thế, nơi mà Nông Thị Hưng gọi là RỪNG THIÊNG:

...Đỏ con mắt nhớ
Anh còn mải miết phương nào
Em, con chim lẻ bạn
Nơi rừng thiêng

(Nơi rừng thiêng)

Tôi đọc hai tập thơ của Nông Thị Hưng và một số bài thơ của cô đăng trên báo, trên Facebook, nói như nhà thơ Mãi Liễu: “Có lúc thơ cô chỉ là ý tưởng; hoặc ngược lại, bài thơ có cảm xúc nhưng ý tưởng còn mông lung, tản mạn...”.

...Những ngọn núi cao leo đến mỏi chân
Chạm tới trời trông thấy cả bản xa
Đi qua nắng, đi qua mưa
Em nhìn thấy bản em rõ nhất

(Đàn bà xóm núi)

Người thơ Nông Thị Hưng là vậy. Thật ra, người thơ nào cũng vậy thôi. Đi qua tất cả để thấy quê hương mình, bản thân mình rõ nhất...

Nhà vườn Sóc Sơn, 10-2019

Dương Kỳ Anh
.
.