Hình tượng trang trí tứ linh trên đồ thờ bằng đồng ở làng Đại Bái

Thứ Sáu, 05/02/2021, 20:46
Hình tượng trang trí là sự khái quát hiện thực hoa lá, động vật, cây cối... bằng ngôn ngữ của nghệ thuật, sự khái quát, đơn giản về đường nét, hình khối, màu sắc. Điển hình là hình tượng trang trí Rồng, Phượng trên đỉnh đồng, mâm bồng... tạo nên hiệu quả nghệ thuật phong phú, đa dạng tăng sự linh thiêng cho các sản phẩm đồ thờ bằng đồng của làng Đại Bái.


Hình tượng Rồng

Đây là hình tượng được tiếp thu, kế thừa từ những giai đoạn trước, hình Rồng thường được xem là biểu tượng của sự uy quyền và đồng thời hình Rồng được sử dụng một cách hài hòa trong không gian của ngôi đình, đền, chùa. Hình Rồng thường được kết hợp với mây cũng như nhiều hình tượng trang trí khác có sự thay đổi và phát triển theo từng thời kỳ, những nét chạm điêu luyện dưới nhiều hình thức nghệ thuật như nghệ thuật trang trí phù điêu, nghệ thuật trang trí chạm khảm tam khí ngũ sắc, nghệ thuật có sự kết hợp cả phù điêu và chạm khảm tam khí.

Hình tượng Rồng. 

Đối với trang trí hình Rồng trên đồ thờ bằng đồng thường ở vị trí trung tâm và đây cũng là cách nhận biết mặt trước hay mặt sau của sản phẩm. Về cơ bản hình Rồng trang trí trên đồ thờ đều mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn ở thế kỷ 19, bố cục hình dáng toát lên sự khỏe khoắn thân uốn lượn nhiều khúc. Các hình Rồng trang trí trên đồ thờ bằng đồng đều mang kiểu dáng uốn lượn, thân mảnh, nhìn chung theo cùng phong cách nhưng về chi tiết mỗi hình tượng tùy theo kích thước và bề mặt của đồ thờ tạo ra sự phong phú, không trùng lặp, theo từng kiểu dáng của đồ thờ.

Điểm đáng chú ý về hình tượng Rồng trang trí trên đồ thờ được thể hiện có sự thay đổi về cách gò nổi hay chạm nét, ở phần nắp, phần thân với các kỹ thuật đúc thủng, chạm nổi hay chạm nét cấu trúc hình Rồng được kết hợp ăn nhập và hài hòa cùng hoa văn nét chìm, nổi, khoảng thủng tạo nên sự tương phản của khối - hình, sự tách biệt giữa các phần và trang trí trên sản phẩm.

Hình Rồng chầu mặt trời là một hình thức trang trí phổ biến ở đồ thờ bằng đồng làng Đại Bái, hình tượng này thường chạm ở phần trung tâm trên bề mặt đồ thờ. Từ đó có thể dễ dàng dựa vào phong cách hình tượng Rồng làm tiêu chí để đoán định niên đại của đồ thờ. Hình Rồng thế kỷ 17 được trang trí với đao mác nhọn đầu, đuôi thẳng, vảy xoắn... Hình Rồng thời Trần lưng yên ngựa, hình rồng thời Lý dáng uốn khúc hình sin đều đặn và nhỏ dần về phần đuôi, không có sừng, mũi, tai thân uốn nhiều khúc để trơn, hình rồng thời Nguyễn thân gầy, đao đuôi nheo, đuôi xoắn lại...

Hình tượng Chim Phượng

Thế kỷ 19, trong các hình tượng tứ linh hình Phượng giai đoạn này thường ít hơn so với hình Rồng và Lân. Hình tượng chim Phượng thường được trang trí chủ yếu ở mặt sau của đỉnh đồng và mặt đĩa để hoa quả, yếu tố dân gian được phát triển mạnh, phong phú về kiểu dáng nhìn nghiêng, chính diện, Phượng đang bay, hay chân co chân đứng trên mây… 

Đến thời Nguyễn, hình tượng chim Phượng thường được thể hiện với những nét tương tự nhau, phổ biến nhất là Phượng mang sách. Phượng được thể hiện với một dải lụa dài có buộc một chiếc hộp hình khối chữ nhật nhỏ, hay bảng gỗ có kẻ ô trám kèm theo bút lông, có khi là với cuốn sách cuộn tròn, một chi tiết tuy nhỏ nhưng rất đẹp đó là dải lụa buộc sách được làm nút mềm, buông phần hai đuôi bay sang hai bên làm cho hình trở nên mềm mại và sinh động hơn rất nhiều.

Hình tượng Phượng.

Khi quan sát các sản phẩm đồ đồng của làng Đại Bái, tiêu biểu trên đỉnh đồng: trang trí hình chim Phượng xuất hiện ở mặt đằng sau phần thân đỉnh đồng, ngoại trừ mặt trước của đỉnh thường được chạm Rồng, Phượng được bố cục đăng đối nhau trầu vào giữa theo cách nhìn nghiêng, tạo nên một thể hòa hợp với các phần - hình tượng. 

Nếu như ở thời Mạc hình chim Phượng được thống nhất trang trí kết hợp với mây xoắn, hoa lá thì đến thế kỷ 17 những yếu tố dân gian được phát triển mạnh mẽ hơn, hình tượng chim Phượng có cánh mềm mại, uyển chuyển hơn. 

Sang đến thế kỷ 19, hình tượng vẫn nhiều nét tương tự như vậy, hình Phượng ở trên đồ thờ được chạm khắc theo hình dáng nhìn nghiêng, thời này hình Phượng còn được gắn bó mật thiết trên nhiều vị trí khác. Về tạo dáng, dù chạm ở trên đồ thờ mang phong cách thời Nguyễn, hình Phượng vẫn luôn giữ những vẻ đẹp điển hình như mỏ diều hâu, mắt giọt lệ, đuôi, tóc trĩ, cổ rắn có vẩy, sau đầu và cổ có nhiều lông đuôi nheo.

Hình tượng Lân

Hình Lân là hình mà ở hầu hết di tích nào cũng có và ở rất nhiều vị trí từ trang trí kiến trúc cho đến những vị trí như  ở nắp đỉnh đồng… hình Lân ở vị trí nào đi nữa về ý nghĩa đã được cường điệu hóa, vượt ra ngoài ý nghĩa một con vật bình thường đó là về vũ trụ để chở tâm tưởng của thời đại bay theo ước vọng.

Hình tượng Lân.

Thời Lý hình tượng Lân được thể hiện dưới hai dạng khác nhau: thứ nhất lân ngồi trên đài sen (Lân chùa Phật Tích - thời Lý), thứ 2 Lân đội đài sen và làm chỗ ngồi của tượng Phật (chùa Hương Lãng, chùa Thầy). Thời Trần dạng Lân đã nảy sừng, thân béo hơn, sống đuôi dày hơn, Lân thời Trần mang tư cách đón khách hành hương về miền thanh hư. 

Thời Lê - Sơ, chưa tìm được lân trong đồ thờ mà chỉ thấy chạm ở lăng mộ Lam Kinh. Sang đến thời Mạc, Lân đã xuất hiện trên đồ gốm, xong với tư cách đồ thờ Lân được thể hiện nhiều hơn ở thế kỷ 17 trên những cây đèn với trụ đèn hình vuông, Lân đội trụ đèn ở giữa lưng. Đây là những cây đèn đẹp, là sản phẩm của gốm Bát Tràng và hình thức này được kéo dài đến nửa đầu thế kỷ 18. 

Vào thế kỷ 18 Lân được hội nhập vào hệ tứ linh, nhìn chung Lân gần gũi với con Long mã. Thế kỷ 19 Lân hiếm thấy xuất hiện dưới cây đèn, mà thường được thể hiện trên nắp đỉnh đồng dưới dạng một chân đặt lên quả cầu.

Về hình tượng con Lân trên đỉnh thờ tuy được thể hiện dưới dạng tượng tròn nhưng vẫn mang tính chất trang trí, tạo hình được cách điệu, đường nét đều từ các xoáy cho đến cách thể hiện râu, tóc, vẩy, vây tuy đơn giản về hình nhưng bộc lộ được những nét dữ tợn và uy quyền vốn có của nó. Hình dáng Lân nhỏ gọn so với tỉ lệ nắp đỉnh để tạo thành điểm nhấn hình tượng vừa tạo sự phong phú cho nghệ thuật trang trí, vừa mang đầy đủ ý nghĩa sâu xa về tâm linh.

Hình tượng Hạc - Rùa

Hình tượng Hạc và Rùa thường thấy xuất hiện trên đồ thờ, hạc mỏ dài, cổ cao và cong, thân thon đứng thẳng trên lưng rùa. Hình Rùa ở phía dưới thường có thân hình mập, đầu Rùa ngẩng cao, cổ rụt, mặt tròn, mai được chạm hình lục lăng, ngón chân chụm. Thường được chạm với kích thước chung khi đặt để trên ban thờ, đây là con vật của tầng trên chứa đựng trong mình nhiều sinh lực có ý nghĩa nhằm đề cao thần linh. Và khi kết hợp hạc đứng lên lưng Rùa tạo thành một hợp thể Hạc - Rùa muốn nói đến sự đỗi đãi âm dương tượng trưng cho sự thanh tao và cao quý. Cho tới cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, hình tượng Hạc, Rùa được phổ biến dùng trong trang trí đồ thờ.

Hình tượng Hạc - Rùa.

Hình tượng Rùa là một loài có thực và được nâng lên làm con vật vũ trụ, vì thế mà đưa vào trong tâm thức của người Việt từ xa xưa. Hình Rùa vốn vẫn mang tư cách như một vị thần, Rùa là sự biểu tượng cho sự chân chính, có thể tiêu trừ được mọi điều xấu. Với đồ thờ, ý nghĩa linh thiêng và được kết tụ lại để phù hợp với ước vọng của người Việt. Từ những quan niệm đó mà tạo nên hình tượng với sự đối đãi âm dương cha trời, mẹ đất.

Mang nhiều ý nghĩa sâu xa như vậy mà hình Rùa thường được biểu hiện rùa cuốn thủy, rùa hạc, cầu sự no đủ, thanh cao... Cho đến thế kỷ 19 trở đi, hình tượng Rùa thể hiện dưới dạng tứ linh, xuất hiện nhiều trên đồ thờ hay trên các hiện vật khác...

Ngày nay, trên các sản phẩm đồ đồng ở làng Đại Bái hình tượng Rồng, chim Phượng…vẫn luôn là những hình tượng được trang trí chủ yếu và xuyên suốt. Được thể  hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ hình thức trang trí chạm khảm tam khí ngũ sắc đến hình thức trang trí phù điêu, được cách điệu hóa tăng sự lung linh cho sản phẩm đồ thờ bằng đồng, mang  nhiều quan niệm và ý nghĩa về tâm linh của người Việt.

Thu Hương
.
.