Hi vọng mong manh

Thứ Năm, 10/05/2018, 08:41
Thực tế, làm phim thể thao rất khó, bởi nó không chỉ đòi hỏi trình độ làm phim, kịch bản hấp dẫn mà còn đòi hỏi khắt khe hơn là sự am hiểu nhất định (không hời hợt) về môn thể thao mà bộ phim ấy tập trung khai thác...


Cuối tuần này (11-5), bộ phim có tên "11 niềm hi vọng" do Metan sản xuất sẽ chính thức ra rạp. Đây là bộ phim hiếm hoi về bóng đá được sản xuất trong suốt một quãng thời gian rất dài (khoảng 10 năm trở lại đây, chỉ có phim "Sút" của đạo diễn Việt Max là phim làm về bóng đá mà thôi) và nó đang thắp lên hi vọng cho dòng phim thể thao Việt Nam. Song, sau buổi công chiếu ra mắt đồng nghiệp và báo giới hôm 3-5 tại TP Hồ Chí Minh, có vẻ như hi vọng ấy quá mong manh khi "11 niềm hi vọng" chưa thực sự cuốn hút người xem như kỳ vọng.

Phải thừa nhận, đạo diễn Robbie Trương đã rất cẩn trọng khi lục lại các dữ kiện bóng đá Việt Nam suốt hơn chục năm qua để làm chất liệu cho bộ phim của mình. "11 niềm hi vọng" có đủ đầy những mặt trái của môn thể thao vua, từ nạn bè phái trong phòng thay đồ cho tới thói ăn chơi sa đọa của cầu thủ; từ kiểu làm việc gửi gắm "con cháu" cho tới vấn nạn bán độ, tiêu cực. Nhưng chừng đó chưa đủ để tạo nên dấu ấn cho một bộ phim thể thao, loại hình phim rất khó làm bởi thường có kết cục dễ bị đoán trước, trong khi lại đòi hỏi phải tạo được cảm xúc mãnh liệt đối với người xem.

Sau buổi công chiếu ra mắt, khá nhiều ý kiến của giới chuyên môn cùng cho rằng "11 niềm hi vọng" chưa mang lại thứ cần có nhất là cảm xúc. Thêm vào đó, các tình tiết trong kịch bản còn sơ sài, nếu không nói là ngây ngô và chưa đúng với thực tế bóng đá chuyên nghiệp.

Nếu người xem là một người yêu bóng đá thực sự, có thể họ sẽ cảm thấy tức giận vì các tình tiết thiếu chỉn chu kiểu ấy. Hơn nữa, với việc đổi tên các tỉnh của Việt Nam sang những cái tên lạ hoắc như tỉnh "An Thái" (nghe nói là do yêu cầu của hội đồng duyệt kịch bản), "11 niềm hi vọng" có khả năng sẽ làm khán giả thông thường cảm thấy bực bội vì cho rằng đó là những sạn phim lẽ ra không nên có.

Khả năng thành công về doanh thu của "11 niềm hi vọng" có thể nói là rất nhỏ và điều đó không khỏi khiến những người yêu điện ảnh nước nhà lo lắng cho nhà sản xuất về khoản đầu tư lên tới 26 tỷ. Và với khả năng thành công không lớn, "11 niềm hi vọng" đã khiến cho hi vọng về dòng phim thể thao ở Việt Nam càng trở nên mong manh hơn khi chưa khơi được đúng mạch nguồn khán giả.

Thực tế, làm phim thể thao rất khó, bởi nó không chỉ đòi hỏi trình độ làm phim, kịch bản hấp dẫn mà còn đòi hỏi khắt khe hơn là sự am hiểu nhất định (không hời hợt) về môn thể thao mà bộ phim ấy tập trung khai thác.

Trên thế giới cũng vậy thôi, không nhiều phim thể thao thành công và đa số phim thể thao không thỏa mãn được khán giả. Song vẫn có những ngoại lệ đặc biệt khi phim khai thác được mặt sau của thể thao, tính nhân bản hoặc sự hào hùng của những chiến thắng nghẹt thở và từ đó dẫn dụ khán giả lên đến mức độ vỡ òa cảm xúc.

Điển hình là phim "Race" sản xuất năm 2016 với đề tài xoay quanh vận động viên điền kinh Jesse Owen, người Mỹ gốc Phi giành Huy chương Vàng Thế vận hội 1936 trong sự kỳ thị của chủ nghĩa phát xít. Nói chung, đa số phim thể thao thành công đều không hẳn hoàn toàn nói về thể thao mà chỉ mượn thể thao như một hoàn cảnh lớn để làm nền cho câu chuyện cần chuyển tải mà thôi.

 Quay lại với Việt Nam, bóng đá là môn thể thao thu hút hàng chục triệu người và do đó, đề tài bóng đá cũng là một khao khát chinh phục của nhiều nhà sản xuất, đạo diễn. Từ thời thế hệ vàng thập niên 90 đã có những phim (chủ yếu là "mì ăn liền") khai thác các câu chuyện sân cỏ, nhưng đa số đều thất bại trong việc chinh phục khán giả.

"Sút" của Việt Max cũng từng được đầu tư kỹ lưỡng, làm rất bài bản nhưng không qua được "ải kiểm duyệt" khắt khe của những người hâm mộ bóng đá. "11 niềm hi vọng" lần này được nhen nhóm từ hứng khởi Thường Châu của U23 Việt Nam, nhưng cuối cùng cũng đã không thoát khỏi được sự vội vàng dẫn đến hời hợt về chi tiết và lỏng lẻo trong biên kịch.

Tuy nhiên, phải ghi nhận nỗ lực của những người làm phim, bởi trước một đề tài khó, một thách thức lớn như vậy, họ vẫn dũng cảm thực hiện, bất chấp khả năng thành công rất nhỏ. Hi vọng thành công của "11 niềm hi vọng" là rất mong manh nhưng nó đã tiếp nối một bước nữa trong chặng đường chinh phục đề tài thể thao của điện ảnh Việt và rất có thể, chính thất bại (nếu có) của nó sẽ kích thích những nhà sản xuất, đạo diễn khác khai thác đề tài này với một tâm thế chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, rút kinh nghiệm những lỗi đáng tiếc mà những phim đi trước đã mắc phải. Từ đó, hi vọng thực sự cho dòng phim thể thao Việt Nam sẽ có thể được bắt đầu.
Văn Đoàn
.
.