Làm phim từ vốn cộng đồng: Lối đi không dễ dàng

Thứ Năm, 26/04/2018, 09:06
Sau truyện tranh, âm nhạc... một vài đạo diễn phim cũng đã tìm đến hình thức kêu gọi vốn từ cộng đồng (crowdfunding) để sản xuất phim. Đây được đánh giá là giải pháp cần thiết giúp các nhà sản xuất có kinh phí cũng như "đo" được sự quan tâm của khán giả với dự án nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, gọi vốn từ cộng đồng làm nghệ thuật nói chung, làm phim nói riêng không hề dễ dàng.


Những tín hiệu vui

Dự án phim "578" về chủ đề ấu dâm của đạo diễn Lương Đình Dũng đang kêu gọi vốn cộng đồng gây chú ý trong thời gian gần đây. Dự kiến tổng kinh phí cho dự án là 60 tỷ đồng và đạo diễn của phim "Cha cõng con" hy vọng sẽ huy động được 32 tỷ đồng từ người hâm mộ. Điều đáng quan tâm là, dự án phim "578" không huy động vốn thông qua các nền tảng gây quỹ cộng đồng được biết đến nhiều ở Việt Nam mà lập riêng trang web để giới thiệu về dự án và kêu gọi vốn.

Trên trang web 578movie.com, ekip sản xuất giới thiệu khá chi tiết về dự án, các bước sản xuất phim, mức huy động vốn từ cộng đồng. Theo đó, "578" là một dự án đặc biệt với tiêu chí "Bộ phim của chúng ta, tiếng nói của chúng ta" (Make our Film, Raise our Voice). Ngôn ngữ điện ảnh sẽ truyền tải câu chuyện của bộ phim "578" một cách chân thực, một câu chuyện nhân văn, một câu chuyện mạnh mẽ, gây chấn động trong cộng đồng về nạn xâm hại trẻ em.

Lý giải về khoản kinh phí "khủng" để sản xuất phim, đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay, "578" là kịch bản anh rất tâm đắc, đó là câu chuyện lớn, đường dây các nhân vật phức tạp. Anh muốn tạo ra một bộ phim lớn, tầm cỡ, có sức lan rộng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ra quốc tế. Phim phải sử dụng đến nhiều phương tiện quay phim, nhiều xe con, thậm chí cả trực thăng, 600 diễn viên quay trong thời gian 3 tháng. Bên cạnh đó, phim có sự tham gia của ekip chuyên nghiệp của Việt Nam, Hàn Quốc và Mỹ.

Dự án phim "578" đang trong giai đoạn gọi vốn cộng đồng. Trong ảnh: Đạo diễn Lương Đình Dũng (trái) nhận ủng hộ từ Tập đoàn Bất động sản CEN Group hồi tháng 1-2018.

"578" là một dự án dài hơi. Phim có thời lượng 120 phút, thuộc thể loại tâm lý, hành động. Thời gian dự kiến khởi quay vào tháng 12-2018 và phát hành vào tháng 9-2019. Mọi người có thể tham gia dự án với mức đóng góp linh hoạt từ dưới 200 nghìn đồng đến 50 triệu đồng và các mức đóng góp khác.

Tương tự với mỗi mức đóng góp, khán giả sẽ nhận được những ưu đãi khác nhau từ ekip sản xuất. Với mức đóng góp 50 triệu đồng, khán giả sẽ nhận được: "Lời cảm ơn của ekip sản xuất trên Fanpage; 1 vé mời tham dự buổi ra mắt phim; trân trọng ghi tên tại vị trí cộng tác sản xuất của bộ phim".

Hiện nay, "578" vẫn đang trong giai đoạn kêu gọi vốn của cộng đồng. Số tiền huy động được đến thời điểm này chưa công bố. Đáng chú ý nhất là ít ngày sau khi đưa thông tin dự án lên các phương tiện truyền thông, "578" đã nhận được sự ủng hộ của doanh nhân Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch tập đoàn Bất động sản CEN Group với số tiền 2 tỷ đồng.

Trước "578", "Bạn cùng phòng" (đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt, sản xuất Josh Levy - Giám đốc điều hành của Ever rolling films) được coi là phim ngắn đầu tiên kêu gọi vốn cộng đồng thành công. "Bạn cùng phòng" được giới thiệu là phim ngắn thuộc thể loại tâm lý xã hội siêu thực, khai thác mối quan hệ giữa con người với con người thuần chất, đem lại sự đồng cảm và cả sự bất ngờ. Thông điệp mà bộ phim muốn phản ánh là vấn đề trong xã hội hiện đại của người trẻ khi nhiều người chỉ kết nối với nhau qua phương tiện công nghệ thay vì trực tiếp gặp gỡ.

Dự án phim "Bạn cùng phòng" kêu gọi vốn trên trang Fundstart từ tháng 11-2016 với mục tiêu là 85 triệu đồng để thực hiện giai đoạn 2 của dự án. Dự án huy động vốn trong vòng 2 tháng với nhiều gói đóng góp khác nhau, gói càng lớn thì người ủng hộ càng có lợi sau khi phim hoàn thành. Dự án đã đạt 109% mục tiêu, với số tiền 92,3 triệu đồng của 45 khán giả.

Với tinh thần độc lập phi lợi nhuận, kinh phí kêu gọi vốn thành công dùng để chi trả cho các khâu hậu cần, thiết bị, bối cảnh, hậu kỳ của phim, phần còn lại sẽ dành để thực hiện quà dành tặng người ủng hộ. Cụ thể, 65% kinh phí chi quay phần còn lại của phim, 25% chi hậu kỳ, hoàn thiện phim, 15% chi phí sản xuất quà tặng người ủng hộ, 5% chi phí quản lý và chuyển tiền.

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo một số nhà làm phim trẻ, việc kêu gọi vốn cộng đồng là hình thức vừa có khả năng gọi vốn thành công với mức độ rủi ro thấp vừa giúp chủ dự án có thể đo lường được mức độ đón nhận của cồng đồng với dự án.

Với đạo diễn trẻ, kinh phí làm phim luôn là vấn đề đau đầu nhất. Họ có thể tìm được nhà tài trợ cho dự án nhưng cũng dễ bị nhà tài trợ chi phối nên vốn từ cộng đồng có thể giúp đạo diễn trẻ giải quyết bài toán này. Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng cho rằng, kêu gọi vốn làm phim khá phổ biến trên thế giới và là phương thức tốt để điện ảnh phát triển, giúp phim độc lập có cơ hội được thực hiện.

Với phim ảnh, kinh phí kêu gọi góp vốn lớn nên khả năng thành công không cao. Nhiều khán giả vẫn có tâm lý e ngại góp vốn khi chỉ biết dự án qua mạng mà không trực tiếp tham gia sản xuất, phát hành phim. Với những nhà góp vốn lớn thì vấn đề chia lợi nhuận thế nào nếu phim ra rạp thành công cũng là vấn đề được bàn luận. Với khoản kinh phí kêu gọi góp vốn lên đến hơn 30 tỷ đồng, dự án "578" rất khó để có thể hoàn thành mục tiêu như dự định.

Một cảnh trong phim "Bạn cùng phòng" - Phim ngắn đầu tiên gọi vốn cộng đồng thành công.

Thực tế cho thấy, không phải dự án phim nào gọi vốn cũng thành công. Gần đây nhất, tháng 5-2017, dự án phim "Nếu một ngày - If one day" của Phạm Thanh Tân, (dự án phim điện ảnh tình cảm, kể về hành trình của Hạ, một cô gái Việt Nam trong cuộc hành trình tìm cha mình tại Nhật Bản. Trong cuộc hành trình này, cô đã nảy sinh tình cảm với chàng trai Nhật Bản tên là Akira), kêu gọi vốn trên Fundstart thất bại. Mục tiêu của dự án đặt ra là 350 triệu đồng nhưng chỉ kêu gọi được 26 triệu đồng của 26 khán giả, tương đương 7% mục tiêu.

Tôi cho rằng, việc kêu gọi vốn từ cộng đồng làm nghệ thuật nói chung, phim ảnh nói riêng không phải chuyện dễ dàng. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do phương thức gọi vốn cộng đồng còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên chưa được nhiều khán giả biết đến. Gần đây, một vài nhạc sĩ, ca sĩ cũng đưa dự án âm nhạc lên mạng kêu gọi vốn cộng đồng. Nổi bật nhất là dự án "Cổ tích" (Công ty TNHH Truyền thông và nghe nhìn Katana và nhạc sĩ, ca sĩ Nguyễn Thanh Minh phối hợp sản xuất).

Được giới thiệu là một sản phẩm âm nhạc chất lượng, kết hợp độc đáo chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam với các dòng nhạc phương Tây như Rock, Electronic và Jazz, Album "Cổ tích" cũng kêu gọi vốn cộng đồng trên trang Fundstart.vn. Nguyễn Thanh Minh còn tổ chức hẳn một đêm diễn tại Hà Nội để giới thiệu và thu hút sự quan tâm của công chúng về dự án. Dự án dự án bắt đầu nhận vốn từ ngày 5-12-2017 với mục tiêu là 200 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay, dự án mới nhận được 4,4 triệu đồng của 6 khán giả (đạt 2% mục tiêu), coi như đã thất bại.

Rõ ràng, để kêu gọi vốn cộng đồng thành công cho một dự án nghệ thuật cần đến rất nhiều yếu tố. Đó phải là dự án hấp dẫn, có tính khả thi cao, công tác PR tốt và một yếu tố rất quan trọng chính là là tên tuổi, uy tín, "thương hiệu" của nghệ sỹ tham gia gọi vốn cộng đồng.

Ở Việt Nam, một số nền tảng gọi vốn cộng đồng được nhiều người biết đến như Kindmate, Betado.com, Comicola.com, Fundstart.vn, Funding.vn. Kindmate là nền tảng gây quỹ cộng đồng trong lĩnh vực từ thiện. Betado.com gọi vốn cho những sản phẩm sáng tạo. Betado.com ưu tiên những dự án vì cộng đồng, các dự án nghệ thuật và không chấp nhận sản phẩm đưa lên trang ở dạng ý tưởng. Trong khi đó, Fundstart là nền tảng gây quỹ cho những ý tưởng sáng tạo ở mọi lĩnh vực khác nhau như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật, thiết kế. Comicola.com được biết đến là trang web gây quỹ cộng đồng và hệ thống phát hành, giới thiệu truyện tranh bài bản và hiệu quả. Funding.vn chuyên gọi vốn cộng đồng cho những dự án về sản phẩm kinh doanh.
Phạm Thiên Giang
.
.