Hãy biết tự quảng bá

Thứ Năm, 26/04/2018, 08:50
Cuối tuần vừa rồi, tân Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018 Nguyễn Thị Kim Ngọc đã tạo ra khá nhiều tranh cãi trong cộng đồng khán giả theo dõi chương trình khi ở phần thi ứng xử của mình, cô đã không thể nhắc tên đầy đủ 12 huyện đảo của Việt Nam (thiếu Phú Quý, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Kiên Hải, Cát Hải). 


Thực tế, không phải ai cũng nhớ hết được tên 12 huyện đảo của Việt Nam nếu như không có những tham khảo, những trải nghiệm trước đó. Song, với một hoa hậu Biển Việt Nam, người đăng quang từ cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp, tiềm năng… của một quốc gia có lợi thế bờ biển kéo dài, đời sống gắn liền với biển, việc không thể nhớ hết tên 12 huyện đảo là điều khó có thể chấp nhận được.

Để hiểu biết về một lĩnh vực nào đó, người ta phải mất công tìm hiểu và nhu cầu hiểu biết một lĩnh vực nào đó hình thành từ một trong hai yếu tố: hoặc là chủ thể rất cần những kiến thức đó cho công việc của mình, có nghĩa vụ cụ thể với lĩnh vực ấy; hoặc là chủ thể có một tình yêu, đam mê đối với lĩnh vực cần tìm hiểu.

Ở cương vị một Hoa hậu Biển Việt Nam, tình yêu dành cho biển là phải có, và nghĩa vụ "đại sứ" cho Biển Việt Nam cũng là bắt buộc. Và nếu một "đại sứ" Biển Việt Nam không thể giới thiệu với những người khác về vẻ đẹp biển đảo quê hương, điều đó có đủ là một vấn đề hay không?

Từ câu chuyện của tân Hoa hậu Biển Việt Nam, chúng ta hãy mở rộng hơn với từng câu chuyện riêng của mỗi người nhưng cũng là câu chuyện chung của cả xã hội. Chúng ta thực sự hiểu về đất nước của mình tới đâu, chúng ta có thể giới thiệu đất nước của mình như thế nào và nếu có cơ hội để quảng bá vẻ đẹp quê hương mình với bạn bè quốc tế, chúng ta sẽ thực hiện ra sao?

Những câu hỏi này thực sự rất khó trả lời và ngay cả từng người trong chúng ta, những người tự tin rằng mình đủ khả năng làm những việc ấy cũng sẽ phải bối rối khi đối diện thực tế là phải bắt tay vào làm việc kể trên một cách cụ thể.

Nếu có đăng ký tài khoản NetFlix, bạn hãy thử tìm chuỗi chương trình khảo cứu đời sống từ trọng tâm là ẩm thực có tên "Somebody feed Phil", một chương trình được dẫn dắt bởi Phil Rosenthal, một tay bỉnh bút cừ khôi của tờ Chicago Tribune.

Ở phần 2 của chuỗi chương trình này, Phil giới thiệu về TP Hồ Chí Minh. Phil khởi đầu tập 2 ấy bằng một câu giới thiệu rất đơn giản đại ý rằng khi được gợi ý "chúng ta sẽ đến Việt Nam", ông đã chẳng có một hình dung cụ thể nào ngoại trừ một loạt các tên của các bộ phim Hollywood về chiến tranh Việt Nam. Nhưng khi đặt chân đến TP Hồ Chí Minh, Phil đã ngỡ ngàng hoàn toàn và ông giới thiệu về thành phố phương Nam ấy bằng tất cả những lời tốt đẹp nhất, chân thành nhất và say mê nhất.

Phil kể lại rằng trước khi sang Việt Nam, bạn ông đã giới thiệu ông phải ăn bằng được 2 món "quốc hồn quốc túy" của Việt Nam đã gây ấn tượng rất mạnh ở nhiều nơi trên thế giới là Phở và Bánh mì kẹp. Và thông qua những mối liên hệ mà người bạn từng sang Việt Nam đó giới thiệu, Phil đã hoàn thành tập phim của mình một cách xuất sắc, xứng đáng là một trong những phim giới thiệu văn hoá ẩm thực Việt Nam hay nhất từng được sản xuất. Nó mang tính hiện đại, toàn cầu và chân thực với những câu chuyện có thật đi kèm rất sinh động và đáng tin cậy.

Chúng ta có cần cả một cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018 hay các cuộc thi Hoa hậu kiểu tương tự với chi phí rất lớn để giới thiệu vẻ đẹp đất nước mình hay chúng ta cần đầu tư xây dựng các nội dung lâu bền hơn, sâu sắc hơn, dễ tiếp cận thế giới hơn? Câu trả lời chắc tất cả đều rõ. Nếu bản thân mình không biết cách giới thiệu mình, không ai có thể giới thiệu mình đúng nhất.

Và trách nhiệm ở đây sẽ nằm ở chính các cơ quan quản lý văn hoá, những người thay vì cấp phép thi hoa hậu thì nên tư vấn cho những nhà đầu tư làm các nội dung khác có ý nghĩa hơn, với tính quảng bá tốt hơn cho cả vẻ đẹp quê hương lẫn thương hiệu của nhà đầu tư.
Văn Đoàn
.
.