Hai bài thơ về trà - hai ý vị nhân sinh

Thứ Sáu, 22/01/2021, 11:56
Khác với rượu, thơ về trà có vẻ khiêm nhường hơn. Thường thấy hơn cả là khi trà chỉ được coi là một chi tiết nhỏ trong một câu thơ hoặc một bài thơ. Tuy nhiên, thơ Việt thời hiện đại có hai bài thơ về trà rất ấn tượng và tác giả của hai bài thơ đều là những nhân vật tên tuổi.


Trong các thứ đồ uống mà con người làm ra để phục vụ đời sống sinh hoạt - ẩm thực của mình, rượu và trà có lẽ là hai thứ đồ uống phổ biến hơn cả, có mặt ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. 

Trong lịch sử thi ca của người Việt từ cổ điển đến hiện đại, những câu thơ/ bài thơ về uống rượu có thể kể đến hàng trăm, hàng ngàn bài. Khác với rượu, thơ về trà có vẻ khiêm nhường hơn. Thường thấy hơn cả là khi trà chỉ được coi là một chi tiết nhỏ trong một câu thơ hoặc một bài thơ. 

Tuy nhiên, thơ Việt thời hiện đại có hai bài thơ về trà rất ấn tượng và tác giả của hai bài thơ đều là những nhân vật tên tuổi. Bài viết này xin được bàn về hai bài thơ uống trà ấy.

Bài thơ về trà thứ nhất là một bài lục bát của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mang tên “Dâng trà”, được viết vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi nhà thơ tuổi mới ngoài đôi mươi:

Thưa cha con đã dâng trà
Chiều quê một nửa mái nhà nắng đi
Làng nghèo ngồi đếm chim ri
Con nghèo con đếm thầm thì trong mơ
Con sao tìm lại ấu thơ
Mà roi cha vẫn gác hờ mái hiên
Con từng ba dại bảy điên
Chén trà con rót tràn niềm đắng cay
Phận con nhàu trọn lòng tay
Một câu thơ bạc một ngày vô ơn
Chén trà, con có gì hơn
Mời cha rồi nuốt tủi hờn sau cha
Thưa cha, con đã dâng trà
Sao cha im lặng như là bóng mây
Để hồn trà khuất đâu đây
Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con

Bài thơ lục bát gồm mười sáu câu, nhịp điệu chậm rãi, giọng thơ thành kính pha những ưu tư, buồn thương. Cuộc trà chỉ có hai người, cha và con, được diễn ra trong một buổi chiều ở làng quê nghèo, con người cũng nghèo. Nếu chỉ căn cứ trên văn bản bài thơ, đa số người đọc sẽ nghĩ rằng người cha trong bài thơ đã không còn ở trần gian. 

Nghệ thuật thưởng trà.

Hành động dâng trà của người con – thi sĩ dễ được hiểu là dâng lên bàn thờ cha trong một niềm thương nhớ khôn nguôi về những năm tháng đã qua: “Con sao tìm lại ấu thơ/ Mà roi cha vẫn gác hờ mái hiên”. 

Người con mang trong lòng đầy ân hận và dằn vặt, cảm thấy mình có lỗi vì chưa làm được điều mình mong muốn, cũng có thể là những điều mà người cha mong ước, kì vọng. Thế cho nên đứa con tự trách mình: “Một câu thơ bạc, một ngày vô ơn”. 

Suốt cả cuộc trà, người cha không hề nói một câu. Điều này càng dễ đầy cảm giác của độc giả nghĩ đến việc người cha không còn nữa: “Sao cha im lặng như là bóng mây”. Và rồi cuối cùng chỉ người con ôm trọn những nỗi xót xa trong lòng. 

Người con những tưởng muốn mượn chén trà để bày tỏ lòng hiếu thảo nhưng dường như mục đích đã không thể đạt tới, hồn trà và xác trà chia tách nhau mỗi nơi một nẻo và người con biết rằng cuộc trà này chưa hề trọn vẹn: “Để hồn trà khuất đâu đây/ Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con”.

Tuy nhiên, bài thơ còn có một câu chuyện khác. Trong một lần trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông đã tâm sự với tôi về hoàn cảnh ra đời bài thơ. Ông kể ngày đó mới ra trường, còn rất nghèo bởi đồng lương ít ỏi. Một ngày nọ, ông kiếm được một ấm trà ngon, mang về quê để biếu cha, dâng lên cha và coi đó là món quà quý giá nhất mà mình có thể làm được trong thời điểm ấy. Như vậy, lúc đó thân phụ của nhà thơ vẫn còn tại thế. 

Thế nhưng, trước sự cung kính cẩn trọng của đứa con khi dâng trà/ mời trà, người cha chỉ im lặng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại, lúc đó, điều cha tôi muốn có lẽ là tôi cần trưởng thành trong chính suy nghĩ của mình, cách nghĩ của mình. Và cái mà người cha cần nhất, không phải là đứa con phải trở nên thật giàu có (dù hiện tại cả con và cha cùng nghèo) mà là đứa con phải sống làm người tử tế. Cái lặng đi của đứa con trong những câu thơ cuối bài cũng là cái lặng người đi khi hiểu cái ý vị, tinh thần của người cha muốn truyền sang cho mình.

Như vậy, qua chén trà, mỗi con người có thể suy ngẫm và soi lại bản thân, nhớ về những gì đã qua, hiểu tấm lòng những người thân yêu nhất của mình và hiểu được cả những điều không nói thành lời.

Nếu như cuộc trà trong bài thơ của Nguyễn Quang Thiều là một cuộc đối ẩm với bậc bề trên (người cha) đầy thành tâm và cung kính thì cuộc trà trong bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa lại là một cuộc đối ẩm bình đẳng giữa hai người bạn. Bài thơ “Thưởng trà đầu xuân cùng bạn” được Trần Đăng Khoa viết dành tặng nhà báo Hoàng Anh Sướng, chủ nhân hiên trà đạo Trường Xuân, 13 Ngô Tất Tố, Hà Nội:

Nhấp chén trà thứ nhất
Da thịt bỗng tỏa hương
Đời thực thành cõi mộng
Trần gian hóa thiên đường

Ta nâng chén thứ hai
Cho đất trời tinh khiết
Tâm ta bừng sáng ra
Biết thêm điều chưa biết

Mai sau đời dẫu tuyệt
Chắc gì hơn lúc này
Nào châm thêm chén nữa
Hai đứa mình cùng… bay…

Nếu như ở bài thơ của Nguyễn Quang Thiều, âm hưởng buồn thương, xa xót đóng vai trò là chủ âm thì ở bài thơ năm chữ này của Trần Đăng Khoa, tinh thần chủ đạo là sự hào sảng, phóng khoáng. Hai người bạn uống trà như một thú vui tao nhã, một thưởng thức ẩm thực thanh cao, nhờ chén trà để thăng hoa, như bước vào một thế giới khác. 

Quả như người xưa đã từng nói: Muốn say uống rượu, muốn tỉnh uống trà. Rượu thường lấy động làm trọng, trà lại thường lấy tĩnh làm trọng. Uống trà để bình tâm hơn và cũng là để sáng suốt hơn: “Tâm ta sáng bừng ra/ Biết thêm điều chưa biết”. 

Bài thơ của Trần Đăng Khoa chia làm ba khổ, mỗi khổ tương ứng với một lần rót trà. Lần rót thứ nhất thăng hoa về không gian, về thân xác. Lần rót thứ hai thăng hoa về trí tuệ. Và lần rót cuối cùng cũng là khép lại bài thơ, ấy là khi cả chủ và khách, cả hai người bạn dường như đạt đến sự thấu hiểu của trà đạo. Đó cũng là một thăng hoa vô lượng của thế giới tinh thần. Lẽ thường người ta thường nhờ rượu mới có thể say, song hai người bạn ở đây đã qua chén trà mà say đạo, say đời, say đắm với tình tri âm tri kỷ, cũng là tình yêu cuộc sống.

Có một câu chuyện khá thú vị liên quan đến bài thơ của Trần Đăng Khoa. Đó là sau khi bài thơ được công bố lần đầu vào tháng 2-2009 trên Báo Công an Nhân dân, 10 năm sau, một tác giả tên là N.C.C, hội viên Hội VHNT Bắc Ninh đã công bố bài thơ mang tên “Uống trà cùng bạn” trên Tạp chí Người Kinh Bắc của tỉnh, nội dung bài thơ gần như y nguyên bài của Trần Đăng Khoa, chỉ khác là được chuyển sang thể lục bát:

Ta ngồi nhấp chén trà xuân
Rưng rưng da thịt thấy dần tỏa hương
Trần gian bỗng hóa thiên đường
Đời là thực đấy mà dường như mơ

Ta nâng chén với bạn thơ
Không gian xanh đợi nắng chờ vàng ong
Tâm ta bừng dậy niềm mong
Thêm điều chưa biết cho lòng sáng ra

Mai đời đẹp tựa ngàn hoa
Chắc gì hơn được như ta lúc này
Nào thêm chén nữa cho say
Nghiêng nghiêng hai đứa cùng bay giữa trời

Chuyện đến tai nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông khen tác giả N.C.C chuyển thể lục bát nhuần nhuyễn nhưng có lẽ không phải là người hiểu về trà, nên qua hai câu cuối đã biến trà thành rượu. Việc bài thơ có hai phiên bản này đã trở thành một giai thoại vui trong làng văn.

Hai bài thơ về trà của Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa đều là những bài thơ hay, mỗi bài đem đến cho ta một ý vị nhân sinh. Người thì qua trà mà soi lại lòng mình, nhờ trà bày tỏ tình cảm nỗi niềm của mình; người thì lại qua trà để kết giao tri âm tri kỷ, nhờ trà mà thêm thăng hoa trong cuộc sống. Thế mới biết, bên cạnh rượu, trà cũng góp phần để làm nên bao thi vị, khiến cho những tác phẩm thi ca được sinh ra như những đóa hoa đẹp trao tặng cho đời.

Đỗ Anh Vũ
.
.