“Gạo nếp gạo tẻ” có xứng đáng bản quyền hơn 9 tỷ đồng?

Thứ Sáu, 04/01/2019, 07:29
Vì sao bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” gây được ấn tượng mạnh mẽ như vậy? Phải chăng, từ nguyên tác “Gia tộc họ Hwang” của Hàn Quốc đã có những nét tương đồng với bối cảnh xã hội Việt Nam đang có nhiều quan hệ đan xen phức tạp? 


Dù dư luận không mấy thiện cảm với những sản phẩm remake (làm lại từ danh tác nước ngoài) nhưng “Gạo nếp gạo tẻ” vẫn là bộ phim truyền hình thu hút đông đảo khán giả nhất trong năm 2018 vừa qua. Chính sự hào hứng của công chúng đã khiến nhiều kênh trực tuyến phát lại “Gạo nếp gạo tẻ” một cách rầm rộ. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, những nhà sản xuất “Gạo nếp gạo tẻ” đã khởi kiện FPT Telecom để đòi số tiền bồi thường 9 tỷ 120 triệu đồng vì vi phạm bản quyền.

Giải trí trực tuyến là một xu hướng đang thịnh hành. Một bộ phim phát sóng trên truyền hình chưa chắc đã có nhiều người xem bằng phát sóng trên hệ thống Youtube hoặc những nền tảng công nghệ tiếp cận đối tượng đang sử dụng điện thoại thông minh mọi lúc mọi nơi. Bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” chỉ phát sóng trên HTV2 vào lúc 20h thứ hai, thứ ba và thứ tư hằng tuần, nhưng sức lan tỏa của nó thực sự rộng khắp.

Vì sao bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” gây được ấn tượng mạnh mẽ như vậy? Phải chăng, từ nguyên tác “Gia tộc họ Hwang” của Hàn Quốc đã có những nét tương đồng với bối cảnh xã hội Việt Nam đang có nhiều quan hệ đan xen phức tạp?

Cảnh trong phim “Gạo nếp gạo tẻ”.

Trực tiếp Việt hóa “Gia tộc họ Hwang”, biên kịch Hoàng Anh cho biết: “Từ lời thoại, bối cảnh đến các tình tiết trong “Gạo nếp gạo tẻ” đã được “gột sạch mùi Kim chi”, thay vào đó là phong vị của một bộ phim gia đình Việt.

Khán giả xem phim sẽ thấy được ở gia đình bà Mai - ông Vương cái “chất” đặc trưng của một gia đình gốc Bắc, từ mâm cơm cúng giỗ ông bà, cảnh cả gia đình quây quần cùng nhau làm món bún đậu mắm tôm đến những bức tranh Đông Hồ được treo trong nhà…

Bối cảnh của phim cũng được quay ở rất nhiều địa điểm, đặc biệt là những cảnh nhà cũ, nhà mới của ông Vương, xưởng gỗ của Kiệt được đầu tư thiết kế tinh tế, chỉn chu. Nhiều phân đoạn tâm trạng của diễn viên được khai thác trong bối cảnh đẹp đến nao lòng, kết hợp với âm nhạc tạo nên một câu chuyện giàu cảm xúc”.

Còn đạo diễn Thạch Thảo khẳng định: "Tôi không quan tâm đến phim gốc đâu. Tôi chỉ xem một lần lướt qua để hiểu đường dây câu chuyện, biết cách quay như thế nào cho hợp lý. Vấn đề quan trọng là tìm cách giải quyết để phim có tiết tấu nhanh và cuốn hút". Từ nguyên gốc xuất sắc chưa hẳn đã có được một phiên bản lôi cuốn. Vì vậy, những người tham gia vào bộ phim cũng phải nỗ lực hết sức để… đỡ bị so sánh với "Gia tộc họ Hwang".

Khi khởi chiếu, những người thực hiện bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” cũng không dám tin sản phẩm remake sẽ ăn khách. Để quảng bá “Gạo nếp gạo tẻ”, nhiều diễn viên đã vào tận siêu thị và chợ để phát tờ rơi giới thiệu bộ phim. Nhìn vào nội dung, những tình tiết của “Gạo nếp gạo tẻ” cũng bình thường, nhưng cách dàn dựng khá hấp dẫn.

Đặc biệt, vai bà Mai do Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân thể hiện rất xuất sắc. Chỉ sau 10 tập đầu, “Gạo nếp gạo tẻ” đã được khán giả nhiều lứa tuổi tìm kiếm để thưởng thức. Vì vậy, một công ty viễn thông như FPT Telecom cũng không thể thờ ơ với cơn say mê mà đám đông đang dành cho bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ”.

Thế nhưng, cách khai thác lại của FPT Telecom hơi… hồn nhiên và vô tư. Cụ thể FPT Telecom đã sao chép, lưu trữ và khai thác toàn bộ 76 tập của bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” dưới hình thức xem phim theo yêu cầu trên hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền mà không có bất kỳ thỏa thuận nào về bản quyền. Dĩ nhiên, hành vi này đã bị chủ sở hữu bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” là Công ty cổ phần DID TV phát hiện và la làng.

Ông Bảo Thái - Đại diện DID TV lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” một cách mạnh mẽ: "Hành vi nói trên của FPT Telecom xâm phạm quyền tác giả của DID TV, vi phạm Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Với hành vi vi phạm này, FPT Telecom gây tổn thất lớn cho DID TV: Gây ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số người xem trên 2 kênh truyền hình HTV2-Vie Channel, Giải Trí TV; giảm doanh thu quảng cáo mà DID TV đang khai thác trên các kênh truyền hình; giảm tỉ lệ người xem và doanh thu từ các nền tảng online của DID TV như Youtube và Facebook; giảm cơ hội khai thác kinh doanh bản quyền bộ phim "Gạo nếp gạo tẻ"!”.

Bị bắt quả tang, FPT Telecom ngừng phát sóng trực tuyến và thương lượng bản quyền với DID TV. Ngày 15-11-2018, FPT Telecom có công văn, cam kết sẽ không khai thác bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” trái nguyên tắc nữa, đồng thời đề nghị DID TV cấp phép cho FPT Telecom chia sẻ bộ phim này với mức phí bản quyền là 250 triệu đồng.

Phía sản xuất bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” cho rằng FPT Telecom đã đề nghị với mức giá rất thấp so với giá bản quyền và thương mại của bộ phim, đồng thời chưa thể hiện thiện chí trong việc đền bù tổn thất do hành vi xâm phạm gây ra, nên quyết định khởi kiện. Tòa án nhân dân quận 3 – TP Hồ Chí Minh đã thụ lý hồ sơ tháng 12-2018, nhưng chưa có kế hoạch giải quyết khi bước sang năm 2019.

Rõ ràng, FPT Telecom đã sai quấy, nên DID TV có lý để làm to chuyện và… đưa ra yêu sách riêng. Đành rằng, FPT Telecom gợi ý chi trả số tiền 250 triệu đồng cho cả một bộ phim đang thu hút như “Gạo nếp gạo tẻ” là tương đối khiêm tốn, nhưng DID TV đòi giá 120 triệu đồng cho một tập thì cũng khá khắt khe.

Trong công văn ngày 23-11-2018, DID TV đã đề nghị FPT Telecom trả phí bản quyền cho việc đã tự ý sử dụng/ khai thác từ tập 1 đến tập 76 của bộ phim 'Gạo nếp gạo tẻ” là 9 tỷ 120 triệu đồng. Sòng phẳng mà nói, trước khi bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” tạo được hiệu ứng đám đông, thì cái giá phân nửa cũng chưa chắc nhà sản xuất dám tiếp thị cho một công ty viễn thông như FPT Telecom. Sự tranh thủ hét giá của DID TV cũng chính là một câu chuyện kinh doanh khi thị trường có triển vọng thuận lợi!

Một cảnh trong phim “Gạo nếp gạo tẻ”.

Thực tế, không ai ngờ bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” lại tạo thành cơn sốt trên truyền hình. Ngay cả những diễn viên tham gia trong bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” cũng thấy mình... trúng số khi được thơm lây vì nhân vật đã thể hiện.

Diễn viên Lê Phương vào vai Hương nhiều thua thiệt và nhẫn nhịn, chia sẻ: "Khi đọc kịch bản tôi thấy dường như đây không phải là vai diễn mà là cuộc đời mình, giống đến 98%. Có những phân đoạn tôi hầu như không diễn, mà nó như là cảm xúc của mình thật sự như vậy. Tôi hiểu nỗi đau ấy, đọc câu thoại mà giống như độc thoại. Nhiều khi diễn xong tâm trạng tôi nặng nề bởi trở lại những ký ức không nên nhớ".

Còn diễn viên Băng Di vào vai Nhi - người thứ ba xen vào tình cảm vợ chồng Hương cũng có những tâm sự riêng: "Nhân vật này vừa đáng thương, vừa đáng trách. Đáng trách là giống như mọi người đã thấy, một người đàn ông đã có gia đình rồi nhưng Nhi vẫn "thả thính", cố tình chen vào một mối quan hệ của người khác. Nhưng nếu xem và nghĩ thoáng hơn, khán giả sẽ không ghét Nhi bởi người ta hiểu được lý do vì sao Nhi lại như vậy và quay sang trách Công dễ sa ngã.

Nhi từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ được quyết định chuyện gì trong cuộc đời của cô hết - một con búp bê trong tủ kính đúng nghĩa, ngay cả việc chọn chồng cũng do ba cô ta lựa chọn. Cô không được có bạn thân, không được có người yêu, không được hẹn hò, không biết cảm giác hẹn hò ra sao…

Nhi quá giàu, nhưng người ta càng giàu, càng đầy đủ thì thứ họ cần là tình cảm vì họ rất cô độc. Nhi gặp Công giữa lúc cô sắp ly dị với chồng nên cảm giác mới lạ ập đến, Nhi cảm thấy Công là người rất ngộ và thú vị...".

Bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” được quay trong khoảng thời gian khá lâu. Ban đầu dự kiến 80 tập, nhưng thấy công chúng hưởng ứng quá đã nâng lên hơn 100 tập. Chính ham muốn co giãn độ dài, mà càng về cuối bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” càng… rối rắm và rời rạc, tâm lý nhân vật cũng thay đổi đột ngột để thỏa mãn những tình huống miễn cưỡng. Và chính vụ kiện bản quyền một lần nữa lại giúp bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” thêm thu hút khán giả. Đúng là vận may nối tiếp vận may.

Tuy Hòa
.
.