Duyên phận phải chiều

Thứ Năm, 17/12/2020, 16:58
Ai cũng có “duyên cá nước” và có “duyên đèo bòng”. Dân gian mới phổ thành lời hát khuyên rằng: “Duyên phận phải chiều...í a...”!!!


Chuyện kể, thời nhà Đường, có chàng học trò tên là Vu Hựu học giỏi, nhà nghèo, duyên phận chưa tới, thi cử lận đận, buồng không gối chiếc. Một chiều chàng thơ thẩn đăm chiêu bên dòng suối bỗng nhìn thấy một chiếc lá đỏ lững lờ trôi như vương vấn một điều gì. Chàng vớt lên thì thấy có cả một bài thơ găm rất khéo trên lá, chữ viết rất đẹp, ý thơ tình tứ nồng nàn lại có cái buồn xa vời, sâu thẳm. Ý thơ cho biết tác giả là một cung nữ... 

Chàng liền họa lại, cũng rất tình tứ nồng nàn lại thêm một chút hy vọng dù mơ hồ, rồi thả chiếc lá ấy xuống dòng... Cái duyên thật kỳ lạ! Chiếc lá trôi ngược về hoàng cung, vào tận tay người cung nữ tên Hàn Thuý Tần. Nàng bâng khuâng giữ như một kỷ vật quý...

Thời đó, nghe nói hình như có vua mới lên thay nên các cung nữ cũ được cho hồi hương. Thúy Tần trở về gặp Vu Hựu lúc này đã đỗ và làm chức quan nhỏ. Họ nên vợ nên chồng. Một hôm Vu Hựu nhìn thấy chiếc lá trong số đồ kỷ vật của vợ... Khỏi phải nói về sự sửng sốt bàng hoàng và vô cùng sung sướng của đôi vợ chồng trẻ! Thì ra có “nhân duyên” thật. Từ đó người phương Đông lấy màu đỏ của chiếc lá ấy làm màu của hôn nhân!!!

Đằng Vương Các tự!

Chuyện ấy hẳn nhiên là giai thoại. Ở ta cũng có một giai thoại nhưng gần gũi với đời thực hơn. Là chuyện bà Nhữ Thị Thục (Từ Thục Nhữ phu nhân) con gái của quan Thượng thư bộ Hộ - Tiến sĩ Nhữ Văn Lan dưới triều Lê Thánh Tông. Tuy là nữ nhưng rất giỏi Nho học và lý số nên đến tuổi quá lứa mới chọn được người ưng ý là ông Nguyễn Văn Định. 

Ngày cưới, bà đã tính giờ tốt để “hợp cẩn” sẽ sinh Thiên tử nên dặn chồng giờ ấy, giờ ấy... Nhưng vì nôn nóng mà chồng bà động phòng sớm... Bà thở dài: Con mình chỉ là “quý tử”... Để bù lại, khi sinh ra Nguyễn Văn Đạt (Nguyễn Bỉnh Khiêm) bà cố tìm thầy dạy đích đáng cho con là cụ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng. 

Một hôm bà dạy con hát: “Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con tựa ngai vàng”. Thế là tội “khi quân”! Ông Định hoảng sợ sửa lại: “Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con vịn ngai vàng”... Bà buồn rầu, tủi phận, chán nản mà bỏ đi! Bà đã cố tìm cái “duyên” nhưng không trọn vẹn... 

Có giai thoại kể tiếp rằng ra đến bến đò bờ sông bà gặp một người đàn ông mặt mũi xấu xí, da đen, tóc ngược, mắt sáng như điện... thần thái toát ra kẻ tinh anh phi phàm. Bà thở dài: Lẽ ra ta phải đợi người này! Người ấy là Mạc Đĩnh Chi sau này nổi tiếng hai nước Đại Việt, Trung Hoa... Chắc chắn đây là một thêm thắt để thi vị hóa câu chuyện quanh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vì bà Nhữ Thị Thục và Mạc Đĩnh Chi sống ở hai thời đại khác nhau!

Đến tận thời cách mạng 4.0 hôm nay người ta vẫn nói câu cửa miệng: Vợ chồng cái duyên cái số! Thông tục hơn thì nói: Phải duyên phải số nó vồ lấy nhau! Thì chắc chắn thời xưa người ta nói rất nhiều và chắc rất tin vào “duyên phận”!

Dân gian quan niệm ai cũng có duyên có phận cả: “Rõ ràng giấy trắng mực đen/ Duyên ai phận ấy chớ ghen mà gầy”. Thế là có một loạt phương ngôn: “Duyên hèn phận hẩm”; “Phận hẩm duyên ôi”; “Duyên may/ưa phận đẹp”; “Duyên may phận rủi”... “Số” là số phận. “Duyên” là gì? Câu ca này giải thích: “Yêu em anh muốn nên duyên/ Sợ em đã có chữ thiên trồi đầu”. 

Chữ “thiên” nghĩa là trời, thêm dấu chấm ở đầu thành chữ “phu” nghĩa là chồng. Như vậy chữ “duyên” được hiểu thiên về “tình duyên”, cũng là cái số trong tình yêu!!! Nhưng trong thực tế văn chương thì chữ “duyên” được hiểu rộng rãi hơn nhiều nói về sự tương ngộ trong cuộc đời giữa người với người, giữa người với vật.

“Truyện Kiều” có câu: “Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa/ Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày”. “Duyên Đằng” có từ tích viên Tri huyện Hồng Châu nhân tiết Trùng cửu (mồng 9 tháng 9) làm tiệc lớn đãi khách ở Đằng Vương các. Nhà thơ Vương Bột ở nơi cách xa ngàn dặm, bình thường đi thuyền mất gần tuần lễ nhưng gặp gió thuận chỉ một đêm đến nơi để dự. Nhờ vậy bài thơ nổi tiếng “Đằng Vương các tự” của ông ra đời. Từ đó “duyên đằng” chỉ duyên may, thuận buồm xuôi gió trong bất kỳ công việc gì. 

Không biết có phải tích này minh họa cho ngạn ngữ: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ...” (Có duyên với nhau thì ngàn dặm vẫn có thể gặp) hay ngược lại. Chỉ biết hình như ai ai cũng có cái “duyên” ấy. Nhất là trong hôn nhân. Đến tận bây giờ, nhà trai đến “thưa chuyện” với nhà gái vẫn “mặc định” cái câu: “Gần thì chẳng hợp duyên cho...”!!! 

Truyện thơ Nôm “Quan Âm thị Kính” có câu: “Kể từ kim cải duyên xưa/ Dây leo cây bách mong nhờ về sau”. Thành ngữ có câu: “Duyên kim phận cải”, “Phận cải duyên kim” là có từ tích nhà Phật. 

“Kinh Nam bản niết bàn” nói: “Đem hạt cải ném trúng vào đầu mũi kim là việc cực khó. Gặp Phật ra đời còn khó hơn”. Từ đó cụm từ “duyên kim cải” chỉ việc ý hợp tâm đầu, may mắn gặp gỡ (của bất kỳ ai). Ra đường gặp người tri kỷ, đi công việc gặp may... là “duyên kim cải”. 

Không biết Phật tiếp thu “Kinh Dịch” hay ngược lại mà “Kinh Dịch” cũng có câu: “Không chỉ những vật cùng loại mới tương cảm, còn có sự tương cảm giữa các vật khác loại như từ thạch hút kim, hổ phách hút hạt cải...”. Hai chữ “tương cảm” này rất gần với thuyết “nhân duyên” của nhà Phật!?

Tranh: Kiều suy tư về chữ “duyên”!

Cái “hạt nhân hợp lý” của Phật giáo và Kinh Dịch về vấn đề này được khoa học hiện đại khẳng định con người ta ai cũng mang một “trường sinh học” nhất định (có thể gọi là “hào quang”). “Trường sinh học” này có “từ trường” riêng, có hút có đẩy theo một quy luật nhất định. 

Do vậy chữa bệnh bằng phương pháp này ít nhiều có cơ sở khoa học. Thế nên có khi nhìn nhau đã thấy ghét nhau. Càng trí tuệ cao tức sự mẫn cảm càng lớn càng dễ ghét nhau. Điều này giải thích trẻ con dễ chơi với nhau hơn người lớn. Là cơ quan nghiên cứu nhiều trí thức càng dễ mất đoàn kết. 

Người ta giải thích một cách “uyển ngữ” là tại nhiều cá tính, thực ra là sự đương nhiên. Lại có trường hợp “tiếng sét ái tình” vừa gặp đã yêu nhau. Tưởng là quấn nhau suốt đời, nhưng chỉ một thời gian là “ngủng ngoẳng”. 

Khoa học lại giải thích: “trường sinh học” không ổn định nhất thành bất biến mà chịu sự quy định của không gian: đến vùng đất này “tương cảm” nên khỏe mạnh, dễ chịu, thấy thư thái... thậm chí còn làm được thơ, dù trước đó rất ghét. 

Chịu sự quy định của thời gian: theo tuổi tác “hào quang” tỏa ra yếu đi...!!! Ngày xưa nhà vua nhà chúa chỉ chọn những cô gái phơi phới xuân tình 15,16 tuổi làm cung nữ để được hưởng truyền cái “trường sinh học” thơm tho dạt dào sức sống, là vì thế. Đừng nghĩ xấu là họ chỉ muốn “cái tình dục”!

Trong thực tế, có người chỉ hợp với nghề này, đồ vật này, cây này, nhà này... mà người khác thì không. Có người không hợp với cây cảnh/đá cảnh/vật cảnh... lại chơi một “cú tất tay” thì rất dễ “mất cả chì lẫn chài”... Những ai ở tuổi “tri thiên mệnh” thì trải nghiệm điều này rõ hơn cả! Cái ẩn ý ở phương ngữ “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc...” là có phần nói về điều này. Ba mươi tuổi chưa ổn định (lập) nghề ngỗng công việc gì thì chưa được. Bốn mươi tuổi chưa làm được điều gì ra hồn thì không còn nghi hoặc điều gì nữa, vô tích sự hẳn rồi!

Trong văn chương thì thật quá nhiều chữ “duyên”. Cô Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du là con người của chữ “duyên”, vì hầu như với ai cô cũng cắt nghĩa bằng “duyên”. Với Đạm Tiên: “Khóc than khôn xiết sự tình/ Khéo vô duyên bấy là mình với ta”. Với Kim Trọng: “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không”. Với Thúc Sinh: “Xót vì cầm đã bén dây/ Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta”. Rồi Từ Hải: “Trai anh hùng, gái thuyền quyên/ Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”... Đấy gọi là “duyên cầm sắt” chỉ duyên hôn nhân chồng vợ. 

Sau này vẫn gọi thế: “Mừng duyên cầm sắt mối tơ đặng liền” hoặc “Tủi duyên con trẻ sắt cầm dở dang” (“Lục Vân Tiên” - Nguyễn Đình Chiểu). Thậm chí với trời đất, với cuộc đời, cô Kiều cũng nghĩ vậy: “Hoa trôi bèo dạt đã đành/ Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi”... Chữ “duyên” này không phải là “duyên cầm sắt” mà nếu may mắn thì gọi là “duyên cá nước”, nói chữ là “duyên ngư thủy” (“Thỏa duyên cá nước, gặp hội mây rồng” – Thành ngữ. Nguyễn Công Trứ có câu: “Duyên ngư thủy hội phong vân còn đó/ Miếng đỉnh chung cho biết mùi đời”). Không may thì gọi là “duyên đèo bòng” cứ buộc vào nhau, phải có. 

Ca dao có câu: “Gặp người cưỡi ngựa thiếu niên/ Cái roi ngựa ấy là duyên đèo bòng”. Cưỡi ngựa tất nhiên phải có “roi ngựa” để điều khiển ngựa. Chàng “thiếu niên” kia càng phải cần “roi” vì còn trẻ, ít kinh nghiệm, dễ bị ngựa “bắt nạt”.

Thế đấy, ai cũng có “duyên cá nước” và có “duyên đèo bòng”. Dân gian mới phổ thành lời hát khuyên rằng: “Duyên phận phải chiều...í a...”!!!

Nguyễn Thanh Tú
.
.