Duyên, phận của tác phẩm

Chủ Nhật, 29/12/2019, 17:43
Ở loại hình nào cũng có những trường hợp giá trị đích thực không gắn với số phận tốt đẹp của tác phẩm. Tác phẩm hay không nổi tiếng, không được có đời sống. Ngược lại, tác phẩm rất bình thường lại có sức... lan...


Ta vẫn thường nghe nói: Con người có duyên, có phận. Hiểu nôm na là mỗi người có một số phận riêng do trời định. Đó như một sự sắp đặt sẵn, tự nhiên, muốn cưỡng lại cũng không được (“Nhân định không bằng thiên định”, “Cho hay muôn sự tại trời”…). Cũng là kiếp má đào mà người thì may mắn lạc vào chốn lầu son gác tía với cuộc sống giàu sang nhung lụa, kẻ lại rủi ro sa xuống nơi bùn đen tủi cực. Mà vốn dĩ họ đâu có khác nhau nhiều. Đó chính là số, là phận, là duyên của mỗi chị em vậy.

Tác phẩm văn nghệ cũng thế. Ở loại hình nào cũng có những trường hợp giá trị đích thực không gắn với số phận tốt đẹp của tác phẩm. Tác phẩm hay không nổi tiếng, không được có đời sống. Ngược lại, tác phẩm rất bình thường lại có sức... lan.

Nhạc sỹ Ngô Quốc Tính – người rất có duyên với các giải thưởng.

Rõ nhất và xảy ra nhiều là trong lĩnh vực âm nhạc. Có những bài hát ít giá trị, chính tác giả cũng tự nhận mà lại nổi tiếng hơn nhiều bài khác họ tâm huyết, đánh giá cao hơn. Sinh thời, cố nhạc sỹ Lưu Bách Thụ - tác giả ca khúc nổi tiếng “Biết ơn Cụ Hồ” cho biết, ông có những bài hát cực kỳ tâm huyết, được viết ra trong trạng thái cảm xúc rất thăng hoa, cũng thu thanh và phát trên Đài phát thanh nhưng đã không đến được người nghe nên rốt cuộc đã chẳng ai biết. Trong khi đó, bài “Cô thợ nề Thủ đô” lại có số “hên”. Ông kể rằng khi đó - đầu những năm 70 của thế kỷ trước - Hà Nội có phát động đợt sáng tác về đề tài xây dựng Thủ đô.

Lúc đầu ông không để ý. Bởi làm công tác biên tập âm nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam vốn dĩ ông cùng với các đồng nghiệp luôn được các nơi mời thâm nhập thực tế sáng tác nên không còn nhiều thời gian. Tuy nhiên, đến phút cuối cùng, được những người có trách nhiệm tổ chức cuộc vận động này tha thiết mời, mong ông tham gia. Thế là do nể mà ông nhận lời.

Vì đã hết hạn nộp bài nên ông viết có phần vội vàng, tác phẩm ra đời rất nhanh, chỉ trong một buổi tối. Đến phút nộp bài cho Ban tổ chức, ông nói với họ: “Nếu sử dụng được, các bạn cứ việc sáng tạo, thậm chí là sửa chữa theo ý muốn”. Ông nói vậy nhưng không nghĩ bài được họ chú ý vì tự thấy viết có phần vội, chưa tâm đắc.

Ngày ấy, các cuộc vận động sáng tác ca khúc luôn công khai tên tác giả chứ không “rọc phách” như bây giờ (nhưng kết quả phần lớn là chính xác). Cuộc vận động này không trao giải ngay mà Ban tổ chức để sau một thời gian, bài nào được công chúng đón nhận, có đời sống mới trao thưởng hậu hĩnh (có lẽ bây giờ cũng nên trở lại cách làm này thay vì có một nhóm giám khảo cho điểm ngay từ lúc bài hát chưa được ai nghe, chưa được thử thách).

Sau khi gửi, Lưu Bách Thụ hầu như quên mình có đứa con tinh thần này. Không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, bài hát được vang lên ở nhiều hội diễn của ngành Xây dựng rồi lan sang các cuộc liên hoan khác. Thế là “Cô thợ nề Thủ đô” trở nên nổi tiếng.

Có lần tác giả nói về tác phẩm này của mình: “Lần đó, mình như mèo mù vớ cá rán”. Ông luôn than phiền với đồng nghiệp thân thiết rằng trong đời sáng tác tới cả trăm bài mà cuối cùng công chúng chỉ còn nhớ “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh” và “Cô thợ nề Thủ đô”.

Một chuyện vui: Hồi còn làm phóng viên văn nghệ ở một tờ báo, nhân một dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, tôi đến gặp Lưu Bách Thụ để phỏng vấn về sự ra đời của bài hát “Biết ơn Cụ Hồ” - ca khúc nổi tiếng viết về lãnh tụ ra đời từ rất sớm có sức lan tỏa rộng rãi hồi năm 1945. Ông vui vẻ tiếp và kể chuyện về việc sáng tác bài hát này. Trước khi cho đăng, tôi đưa ông đọc lại để bổ khuyết những sơ sót có thể mắc. Ông đề nghị sửa câu “Cô thợ nề Thủ đô” là ca khúc nổi tiếng về đề tài xây dựng” thành “được công chúng có cảm tình và đón nhận”. Tôi nói sự thật bài này rất nổi tiếng, đâu đâu người ta cũng biết thì ông xua tay: “Tầm thường, bài đó tầm thường. May thôi”. Theo ông, đã dùng từ “nổi tiếng” thì phải gắn với giá trị nghệ thuật đích thực.

Tương tự như bài “Cô thợ nề Thủ đô”, có một bài hát nữa cũng viết về đề tài xây dựng, kiến thiết có tên “Trên công trường rộn tiếng ca” của Ngô Quốc Tính. Tác giả bài này rất tâm huyết với tác phẩm của mình. Nhưng mức độ lây lan, quen biết của bài đã không gắn với giá trị nghệ thuật đích thực mà nhờ ở tính tuyên truyền một nội dung rất cần chú trọng ở thời điểm cả nước ta như một công trường lớn. Vậy nên bài hát đã được phát sóng rất nhiều, trở nên quen tai rồi nổi tiếng.

Nhưng tác giả không phải là không có những bài khác có giá trị nghệ thuật, tuy nhiên đã không ai biết mặc dù ông là người rất có duyên với những cuộc thi. Hầu như hễ cứ tham dự là được giải, nhất là được thưởng hằng năm của Hội Nhạc sỹ Việt Nam thời gian ông làm Chánh Văn phòng ở Hội này. Nhưng ông có duyên với các giải thưởng bao nhiêu thì lại kém duyên với sự biết đến của công chúng bấy nhiêu ngoại trừ bài “Trên công trường…” vừa nhắc ở trên.

Ca sỹ không chuyên Ngọc Bé – một trong những người hát hay nhất bài hát “Cô thợ nề Thủ đô” khi chị còn trẻ.

Ngược lại với sự may mắn, “hên” nói trên là những bài rất hay, có giá trị thẩm mỹ cao, có nhiều dụng công của người sáng tác nhưng lại không có được số phận tốt. Văn Dung là một nhạc sỹ có nhiều bài hát quen biết như “Tiếng chim trong vườn Bác”, “Bài ca đường 9 chiến thắng”, “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Giải phóng quân ta ra đi”…

Song, ông có một bài tôi cho rằng hay hơn cả mấy bài kể trên có tên “Chiều xa thành phố cảng”. Nhưng hầu như không ai biết: “Chiều xa bến cảng/ Chiều xa thành phố/ Âm âm còi tàu/ Xôn xao mắt em, mắt em/ Nhớ thành phố biển/ Tình yêu của anh/ Như ngàn con sóng vỗ về thân tàu…”.

Một lần cách đây đã lâu lắm, vào một buổi tối, tôi đang đi lang thang trên những con phố yên tĩnh ở Hải Phòng thì nghe từ chiếc loa công cộng ở trên cao vọng ra những âm điệu hết sức quyến rũ với ca từ bắt đầu như trên. Giai điệu bài hát cứ xoáy vào lòng tôi cảm giác vừa ngọt ngào lại vừa xao xuyến, bâng khuâng – những “hương vị” đặc trưng cho tình cảm luyến ái đôi lứa.

Một nỗi nhớ vừa rất cụ thể lại vừa mơ hồ, mông lung được tác giả diễn tả vô cùng tinh tế. Tôi nhận ra người hát là ca sỹ Thanh Hòa – một giọng nữ trung (mezzo) quen thuộc. Tác giả thì tôi không thể nhận ra nhưng nghĩ bụng phải là những tên tuối nổi tiếng khi đó. Về sau tôi biết bài hát của Văn Dung thì lấy làm ít nhiều ngạc nhiên vì thấy tính cách con người ông có phần xa lạ với phong cách bài hát. Ông vốn dĩ sôi nổi, có phần ồn ào, tếu táo ở mọi nơi mọi lúc, trong khi bài hát lại rất lắng đọng, dịu nhẹ, tinh tế, rất đỗi mơ mộng, lãng mạn.

Gặp Văn Dung, tôi không giấu ý nghĩ của mình thì được ông cho biết đó là bài hát ông viết trong trạng thái cảm xúc khác hẳn các bài khác. Quả là một “đốm sáng tài năng”, nói theo cách nói của Bechan – thi hào Đức - thì không dễ có thể lặp lại trong đời sáng tác của một người. Nhưng bài hát đã không có đời sống, nghĩa là không ai biết đến chứ không nói là thuộc.

Nhạc sỹ Văn Ký cũng có một bài tương tự mang tên “Hạ Long – tình ca”. Ông kể rằng đã viết bài này sau nhiều lần về mảnh đất du lịch đẹp bậc nhất Việt Nam với những kỷ niệm êm đềm, không thể quên: “Anh nói với em bằng lời của biển/ Anh nói với em bằng lời của sóng… Hạ Long sâu thẳm như tình anh yêu em mãi mãi êm đềm”.

Một bài tình ca nhẹ nhàng mà da diết, đắm say. Người nghe sẽ cảm thấy như được dìu vào cõi mộng của tình yêu ngọt ngào, bất tử. Bài hát nghe nói cũng dược thu thanh và phát sóng nhưng đã không có đời sống so với những bài khác của ông. Chính Văn Ký cũng nói ông tâm đắc bài này hơn nhiều bài khác nổi tiếng của mình.

Trên đây chỉ là một vài trường hợp. Còn có thể kể ra nhiều tác phẩm ở các chủng loại nghệ thuật khác có những số phận mà người viết không thể định đoạt, thậm chí nằm ngoài sự hình dung. Và người sáng tạo ra tác phẩm rất có tài, viết nên những tác phẩm hay, có giá trị nhưng lại không nổi tiếng bằng người khác không thể so nhưng tác phẩm có khi lại nổi như cồn, âu cũng là… cái số. Và duyên phận của tác phẩm và cả tác giả chính là như vậy.

Nguyễn Đình San
.
.