Đoản khúc tang bằng- một tập thơ “đặc biệt”

Thứ Hai, 23/07/2018, 08:44
Nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn đã gọi “Đoản khúc tang bằng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017) của Khánh Hồng là tập thơ “đặc biệt”: "Nó đặc biệt là bởi tập thơ của một người 13 năm gần như vô thức với những cơn co giật đau đớn, không thể nhìn vào mặt chữ. 


Vùng ý thức của bộ não như những sợi tơ mảnh chập chờn run lên trong giông gió. Đôi bán cầu đại não hai lần cách nhau chục năm lần lượt được mổ banh ra, phơi bày trong ánh sáng ban ngày. Bóng đêm thâm u của tiềm thức khai mở một cách nghiệt ngã vậy sao? Hay là sự động chạm nào đó đã khiến bừng thức một thứ ánh sáng và ngôn ngữ khác?...

Đây là tập thơ buồn, rất buồn với những ai không/ chưa biết buồn. Đây là tập thơ đẹp không hề bi lụy cho những ai đã thấu cạn nỗi buồn, nỗi đời...”. (Trích bìa 4 tập thơ). Tôi đọc tập thơ của nhà báo Khánh Hồng gửi tặng và cảm nhận sâu xa những điều mà nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn đã viết:

Răng nhức nhai cơm lứt
Một trăm lẻ tám lần
Tưởng A DI ĐÀ PHẬT
Người trên cao thấu chăng

Nghĩ chồng con mà nuốt
Thương bạn chăm mà cười
Cơm hòa trong nước mắt
Vẫn thấy đời vui tươi...
(Không đề)

Người ta nói văn là người. Quả là: Người thơ phong vận như thơ ấy! Cuộc đời của người thơ Khánh Hồng đã vận vào thơ, đã giúp Khánh Hồng sáng tạo ra những bài thơ trong một hoàn cảnh đặc biệt, để tạo nên một tập thơ “đặc biệt” như Trần Tuấn đã nhận định.

Từng là phóng viên Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng (tên cũ), sau khi đoạt giải cuộc thi TÁC PHẨM TUỔI XANH lần thứ nhất năm 1989 - 1990 (cuộc thi do Báo Tiền phong và Trường Viết văn Nguyễn Du phối hợp tổ chức), Khánh Hồng chuyển về làm phóng viên Báo Tiền phong. Hình ảnh một phóng viên trẻ, nhiệt tình, năng động không ngại gian khó và lúc nào cũng cười tươi cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in.

Nhiều năm là phóng viên của Báo Tiền phong thường trú ở miền Trung, rồi lập gia đình với một cán bộ đoàn là Trưởng đại diện của Trung ương Đoàn cũng ở miền Trung với những đứa con mạnh khỏe, chăm ngoan...

Mọi việc đang diễn ra tốt đẹp thì Khánh Hồng mắc bạo bệnh. Căn bệnh ung thư quái ác hành hạ người thơ Khánh Hồng mười mấy năm qua. Và, cũng mười mấy năm qua Khánh Hồng đã ngoan cường chiến đấu với bệnh tật để vượt lên số phận. Tập thơ “Đoản khúc tang bằng” cũng ra đời từ đây. Một tập thơ với nhiều câu thơ hay theo ý tôi:

...Chân run, sức kiệt, hao gầy
Mỏng manh, thanh nhẹ mà bay chẳng thành

(Mộ cha)

Không còn ngày, không còn đêm
Không còn tiếng gọi ngoài hiên vọng vào...

(Vô âm)

...Nghe mưa gọi
Chắc trời đang bận sáng
Một nửa trái tim trở mình không tiếng
Hình như đang lạc
Chốn xa rồi

 (Xóa đêm).

...Giá có thể luồn tay vào gỡ
Bóc tách từng nỗi niềm

(Đánh vật với ủ)

Nhiều câu thơ trong tập thơ có sức mở, sức gợi, sức cảm thật chân thành:

Mưa
gì như thể riêng khơi
giọt buồn

(Giọt buồn)

“Em chả thèm soi gương
Hình như người đàn bà trong gương già ngắc
Chồng nếp nhăn rủ nhau về mấy lượt
 Em chạm vào mình có thế đâu

(Em bốn chín)...

Lắc rắc mưa xuân
Anh sợ ướt áo chạy sang nhà hàng xóm
Có một người đứng lặng
Trách mưa vô tình hay trách tầm xuân

 (Ngày đã qua đêm thì dài lắm)...

Thời gian chạm vào ô cửa 
Thánh thót chuông ngân...(
Nỗi đêm)...

Dậy thì em mười bảy
 Cả đời anh chơi vơi...

 (Áo lụa khuy hờ hững)...

Vô vàn chuyện vụn vặt đời thường như thế
Đã qua trong giấc mơ sau ngày
Rất mệt

 (Sau mơ)...

Đọc “Đoản khúc tang bằng”, một tập thơ với những bài thơ, câu thơ chân thật, thật đến mức đau đớn nhưng không hề bi lụy, tôi lại nhớ tới câu thơ nổi tiếng của một nhà thơ Nga: "Anh có thể dối em, thơ anh không thể dối!". Tôi lại nhớ tới bài viết về thơ của cố nhà văn, nhà báo Lý Biên Cương. Sinh thời, Lý Biên Cương rất ghét sự giả dối, nhất là trong văn chương.

Ông viết: “Thiếu gì người làm thơ thời nay nói có vẻ rất nhiều tâm tư, nhân bản này nọ. Nhưng họ giả, giả đến phát sợ, đến nghi ngờ cả phẩm chất thơ của họ. Như chiếc bóng bay, thổi mỗi lúc một to, một rực rỡ, nhưng ruột họ lại nhẹ bông...”. (Trích bài "VÀ ANH ĐỢI... NHỮNG ĐIỀU KHÔNG DÁM NHỚ" đăng trên Báo Văn nghệ, sau được Nhà xuất bản Phụ nữ đưa vào tập “Người suốt đời đi tìm cái đẹp”).

 Cụ Nguyễn Du xưa đã từng viết: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Không đau đớn đến tận cùng, khao khát đến tận cùng, vui sướng đến tận cùng, khổ đau đến tận cùng... người thơ sao có thể viết ra những câu, những từ làm rung động lòng người.

Khi tôi đọc những câu thơ của Khánh Hồng như:

...Hãy về bên em nghe anh
Cùng nhau hát bài tê tái...
Đừng
Đừng nói rằng không
Em không còn ngày để đợi...
(Hãy về bên em đi anh)

Hay bài thơ "Có ai nói với tôi không":

Trống
Trống huơ
Trống hoác
Trống từ trước ra sau
Trống từ sau ra trước
Trống từ trên xuống dưới
Trống từ dưới lên trên.

Có ai nói với tôi không
Chuyện về ba con cá
Ngày nào cũng thế
Tôi ngồi nhìn tôi
Và thương con cá đơn côi...

Viết những câu thơ, bài thơ như thế thì người thơ không thể dối mình được. Những câu thơ, bài thơ làm người đọc nhói lòng!

 Để kết thúc bài viết này, không gì hơn là để tác giả tập thơ “Đoản khúc tang bằng” tự sự: “Không còn đủ sức cầm trên tay dù màn hình bé tẹo/ Nhấn vài chữ nói với thời gian” ... “Còm nhom thời gian ngồi mổ cò/ Và khóc/ Máu trắng rỏ xuống chữ chỉ một mình nhìn thấy được”...

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn, tháng 7-2018

Dương Kỳ Anh
.
.