Để chống lại sự "xâm lăng" văn hóa

Thứ Hai, 27/02/2017, 08:00
Khái niệm "tính người" rất được chú ý trong triết học văn hóa đương đại, nó coi mỗi con người là một cá thể văn hóa phát triển trong một môi trường văn hoá nhất định. Một cây xanh tươi tốt, sum xuê cành lá là nhờ luôn cắm rễ rất sâu vào mảnh đất truyền thống để hút những dinh dưỡng tinh hoa. Nó luôn vươn cao lá cành để hô hấp, quang hợp ánh sáng, không khí của bầu trời văn hoá đương đại.


Nếu cây được trồng ở mảnh đất dù có rất giàu dưỡng chất truyền thống mà thiếu ánh sáng và khí trời của thời hiện đại thì nó cũng còi cọc, và ngược lại. Nhìn vào mỗi cây xanh kia, cường tráng tươi tốt hay héo úa tàn tạ người ta có thể đoán cây ấy được trồng ở mảnh đất văn hóa nào, quang hợp thứ ánh sáng nào. Con người cũng vậy. Nếu "văn hoá là gương mặt tinh thần của mỗi con người" thì đến lượt "con người lại mang gương mặt tinh thần của mỗi dân tộc".

Nhìn từ khái niệm "tính người" trên đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn hệ thống đồng bộ hơn trong việc tạo sức mạnh đề kháng văn hoá, chống "xâm lăng", "xâm thực" văn hoá.

Tiếp biến, ảnh hưởng văn hoá như là một thuộc tính của văn hoá, thường diễn ra trong những môi trường có điều kiện tương tự giữa các nước cùng khu vực, nhất là giữa các dân tộc "đồng văn, đồng chủng". Điều này lý giải tại sao giới trẻ nước ta thường hâm mộ cuồng nhiệt các thần tượng Hàn Quốc, tại sao thời lượng chiếu phim trên truyền hình thì phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… chiếm một tỷ lệ cao.

“Hội chứng” Fan cuồng thần tượng (hình ảnh các fan cuồng ca sỹ Birian khi anh sang Việt Nam biểu diễn).

Một đặc điểm nổi bật của tiếp biến giao lưu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hôm nay là diễn ra hết sức nhanh chóng, ào ạt, nhiều hệ lụy, dĩ nhiên tiếp thu nhanh nhất và cũng chịu hậu quả nhiều nhất, sớm nhất là giới trẻ. Lại cũng hình dung tiếp biến và ảnh hưởng văn hoá như những cơn gió lạ đến từ nhiều phương trời khác nhau, có gió lành và gió độc.

Vấn đề ở chỗ phân biệt để hưởng gió lành mà loại trừ gió độc, đề kháng với gió độc. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, bài thơ "Chân quê" của Nguyễn Bính đã đề cập đến tình trạng này, và với nhạy cảm văn hóa của một nhà thơ lớn, tác giả cũng đưa ra một "giải pháp" rất đáng chú ý. Mới chỉ có "hôm qua" thôi, tức là một khoảng thời gian rất ngắn "em đi tỉnh", tức là em được giao lưu với môi trường mới, "em" đã thay đổi hẳn, "em" quên đi, bỏ đi những gì là gần gũi, "chân quê": Cái yếm lụa sồi, cái dây lưng đũi, cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ… để rồi em "lột xác" thành một tư cách văn hoá khác với: khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm…

Hai câu cuối bài là một "giải pháp" văn hoá: "Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê": Phải lưu giữ cái gốc gác văn hoá làng xã (chân quê), phải trân trọng cái hương sắc văn hoá, bản sắc văn hoá (hoa chanh) trong toàn cảnh, toàn vẹn văn hoá Việt (vườn chanh). Nhìn từ ngày hôm nay xin thử đưa ra ba nhóm giải pháp để góp phần chống tình trạng "xâm lăng" văn hoá.

Một là, nhóm tăng cường sức "đề kháng" văn hoá (ở cả hai phương diện cá thể và môi trường văn hoá). Văn hóa làng bản là văn hóa Việt. Trước đây mỗi làng thường có một hương ước riêng quy định cụ thể về nếp sống, phong tục, tập quán. Rất cần thiết phục hồi "hương ước" trên cơ sở kế thừa cái bản chất nhân văn, loại bỏ cái hủ tục.

Văn hoá truyền thống ngấm rất sâu, biểu hiện rất tinh tế ở lễ hội dân gian và nghệ thuật truyền thống. Không thể không đưa những nét đẹp văn hoá của nghệ thuật và lễ hội truyền thống vào giảng dạy ở các cấp phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông của ta hiện nay đã quá nặng, nhưng cái gì bỏ được thì phải bỏ, còn cái gì là hồn cốt dân tộc thì phải học. Các trò chơi dân gian đã có hàng ngàn năm phù hợp với tố chất sức khoẻ, trí tuệ của người Việt nên được đưa vào giảng dạy ở mọi cấp học.

Hai là, nhóm quản lý văn hoá. Trong bối cảnh văn hoá biến đổi chóng mặt hiện nay thì sự can thiệp hành chính là rất quan trọng. Chỉ có thể quản lý bằng pháp luật, bằng các nghị định, các văn bản dưới luật mới có thể ngăn chặn các tình trạng suy đồi, phản cảm, đi ngược lại truyền thống văn hoá Việt.

Ba là, học tập kinh nghiệm của nước ngoài, nhất là những nước tương đồng với hoàn cảnh và văn hoá nước ta. Một từ Nhật Bản là câu chuyện hai thành phố  Furano và Ashibetsu trong thập niên 90 ở thế kỷ trước từng được đầu tư tới 10 tỷ yên để phát triển du lịch nhưng gặp phải thời kỳ kinh tế đi xuống, các điểm du lịch hoành tráng từ hai thành phố trên trở nên hoang vắng vì không có người đến.

Ngược lại chỉ là vài ruộng hoa oải hương của thành phố Furano lại trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. Vì sao như vậy? Vì chính mấy ruộng hoa ấy mới là bản sắc của thành phố Furano, khách du lịch chỉ thưởng ngoạn cái gì là đích đáng bản sắc nơi họ đến. Và Hàn Quốc. Cách đây khoảng trên 20 năm giới trẻ Hàn Quốc cũng bị cuốn theo trào lưu "hip hop" của phương Tây, cũng  đua nhau nhuộm tóc vàng, ăn mặc, đeo trang sức lạ lẫm (như một bộ phận thanh niên Việt Nam hôm nay).

Một nguyên nhân được chỉ ra: Nội lực văn hoá, nhất là âm nhạc của Hàn Quốc yếu không đủ sức hấp dẫn giới trẻ. Hướng khắc phục là: "Làm thế nào để âm nhạc vừa không mất đi tính dân tộc, nhưng cũng phải mang tính toàn cầu". Thế là họ gửi nhạc sỹ đi học nước ngoài hoặc thuê chuyên gia phương Tây tư vấn… Không chỉ một lĩnh vực âm nhạc mà tiếp nữa là điện ảnh, thời trang… cũng theo cách ấy. Và họ đã thành công.

Đổi mới mà không đổi màu, hòa nhập mà không hòa tan là thế. Phải giữ cho được cái gốc của một nền văn hóa Việt mà những thế hệ đi trước đã có công vun đắp và gìn giữ.

PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú
.
.