Luật chính là thước đo văn hoá

Thứ Năm, 23/02/2017, 14:26
Như thể có một cái "điềm" ám lấy ca sỹ Mỹ Tâm xoay quanh cái tên Vũ Xuân Hùng thì phải. Vài năm trước, cô ca sỹ "tóc nâu môi trầm" ấy sử dụng một ca khúc nhạc ngoại lời Việt có tên "Búp bê không tình yêu" với cái tên tác giả để xin phép là Lê Quang. Lập tức, ông Vũ Xuân Hùng lên tiếng khiếu nại. Ông Vũ Xuân Hùng chính là tác giả của phần lời Việt ấy. Mỹ Tâm đã phải rút bài hát kể trên khỏi dự án của mình.


Năm nay, Mỹ Tâm phát hành MV "Anh thì không", một bài nhạc Pháp lời Việt (ca khúc gốc là "Toi Jamais"). Lần này, cô không ghi tên tác giả trên generique của MV. Tâm liên hệ với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc để nộp tiền khai thác bản quyền nhưng phía Trung Tâm cho biết, ông Vũ Xuân Hùng không ủy quyền cho họ. 

Bởi thế, Mỹ Tâm liên lạc để gặp ông Hùng thương thảo. Song, có hẹn nhưng ông Hùng không tới. Và MV của Mỹ Tâm đã buộc phải bị khoá lại trên youtube.

Ca sĩ Mỹ Tâm.

Mọi việc sẽ đơn giản nếu như ông Vũ Xuân Hùng không đăng đàn trách móc và nói có ý kỳ thị Mỹ Tâm khi không đồng ý cho cô hát "nhạc của mình". Câu chuyện trở nên nghiêm trọng nhưng cũng nực cười ở điểm đó. Thứ nhất, bản thân ông Vũ Xuân Hùng không phải là nhạc sỹ. Việc ông đặt lời Việt, dịch lời Việt cho các ca khúc nước ngoài không thể xác quyết rằng ông là nhạc sỹ.

Bởi thế, khi ông nói không cho Mỹ Tâm hát "nhạc của tôi", nhiều người đã phì cười. Ông có quyền không cho Mỹ Tâm hát lời Việt của mình thì đúng hơn. Còn nhạc ư? Ngay lập tức, Mỹ Tâm đã liên hệ để mua quyền khai thác và mời nhạc sỹ trẻ Châu Đăng Khoa viết cho mình bộ lời Việt mới. Song song đó, cô đăng đàn chính thức xin lỗi ông Vũ Xuân Hùng, đồng thời nhận về mình hai chữ "rất sai".

Một cách giải quyết quá ngắn gọn, văn minh.

Thực tế, luật bản quyền đã được áp dụng ở Việt Nam bấy lâu nay nhưng không phải ai cũng hiểu rõ được luật ấy, kể cả những người ở trong lĩnh vực xuất bản văn hoá văn nghệ.

Điển hình như việc ông Vũ Xuân Hùng, với tuyên bố "nhạc của tôi" hay những sinh viên Đại học Luật kêu ca rằng nhà trường quá khắt khe chẳng hạn. Mà ở thời kỳ này, khi Việt Nam giao tiếp, làm việc với thế giới, luật bản quyền luôn là một trong những thứ khung pháp lý quan trọng nhất.

Đã không ít vụ khiếu nại quốc tế mà các đối tượng vi phạm bản quyền ở Việt Nam phải xanh mặt vì mức phạt có thể áp lên mình nếu như họ không giải quyết hậu quả triệt để một cách sớm sủa và chủ động. Và trong tương lai, những khiếu nại như thế sẽ còn nữa, ở quy mô có khi còn lớn hơn rất nhiều.

Văn Đoàn
.
.