Dải ngân hà của tình yêu
HÔN
Nguyễn Thị Hạnh Loan
Có đêm em ngước nhìn bầu trời
Ngàn sao chi chít
Như những nụ hôn anh đính
trên cơ thể em
Làm sao đếm hết
Mỗi nụ hôn nở một ngôi sao
Em bỗng hoá thành dải Ngân hà
Những nụ hôn kháo nhau
Về một tinh vân vừa tái sinh trong vũ trụ...
21/5/2020
LỜI BÌNH
Xét cho cùng, con người là đỉnh điểm của cuộc Sáng Thế. Chúa tạo ra chúng ta, để chúng ta chiếm lĩnh và bảo vệ cái đẹp. Nụ hôn - biểu tượng của tình yêu phồn sinh cái đẹp. Tình yêu là sự vĩnh hằng của nhân loại. Khởi thủy bắt đầu từ nụ hôn?
Thơ ca từ xưa xem đề tài muôn thuở ấy không bao giờ cũ, trái lại càng sáng tạo càng đi đến cái mới. Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu cho đến Apollinaire, Arvers, Heine, Esenin… không ai không viết về nụ hôn. Nụ hôn thánh thiện là thế, nhưng không phải không mang tư tưởng. Phùng Quán từng tuyên ngôn: “Nhưng dù chết em ơi/ Yêu em anh không thể/ Hôn em bằng đôi môi/ Của một người nô lệ”.
Năm mươi chữ, chín câu thơ trong bài thơ khiêm tốn của Nguyễn Thị Hạnh Loan chứa đựng cả một vũ trụ kép của tình yêu. Thật kỳ diệu! Chị tâm sự:
Có đêm em ngước nhìn bầu trời
Ngàn sao chi chít…
Không phải đặc tả về bầu trời ban đêm như lễ hội, mà để so sánh. Chị cũng không so sánh với hoa đăng, khu vườn có bầy đom đóm lập lòe, thành phố vừa lên đèn… Chị so sánh với nụ hôn “đính trên cơ thể em”. Sự so sánh phồn thực, táo bạo. Tại sao chúng ta không được quyền đề cập điều ấy, khi nụ hôn sáng trong chẳng khác gì muôn sao kia? Yếu tố dục tính lúc này đã nhường lại cho sự thiêng liêng cao cả của con người.
Nếu trên tinh cầu này nảy nở những loài hoa thay cho bom đạn thì con người sẽ sống trong thanh bình và hạnh phúc. Tình yêu thông qua nụ hôn là biểu tượng tốt đẹp nhất. Cái bản năng tự hủy diệt dứt khoát sẽ bị đẩy lùi, bản năng kiến tạo sẽ lên ngôi, hiểu theo nguyên lý Freud. Ức chế về tình dục không còn, chỉ con phạm trù văn hóa. Tôi nghĩ nụ hôn là văn hóa. Esenin từng thốt lên: “Tôi sung sướng được hôn nhiều cô gái”.
Nguyễn Thị Hạnh Loan nhìn rất rõ:
Mỗi nụ hôn nở một ngôi sao
Nụ hôn trở thành cái đẹp thực sự, không hề nhục dục theo bản năng giống đực và giống cái. Hình ảnh những ngôi sao đính trên cơ thể người đàn bà lung linh và huyền bí. Một vũ trụ khác, khi Thượng đế trao quyền năng cho con người. Nhà thơ đại diện cho phái đẹp Nguyễn Thị Hạnh Loan mãn nguyện, hạnh phúc khi thấy tình yêu dành cho nữ giới chẳng khác gì “em bỗng hoá thành dải Ngân hà”. Quyền yêu và được yêu, kiêu hãnh như đang là “đỉnh điểm” mà Chúa đã ban cho.
Hiểu giá trị nụ hôn, ắt thấy nhân loại có khả năng điều chỉnh, sửa đổi mọi hành vi như hành động có tính chọn lọc. Cái ác bị đào thải, cái thiện được nuôi dưỡng, cộng sinh. Một tương lai với bản ngã lành mạnh và thánh thiện, như tập hợp môi trường lành mạnh trên trái đất xanh.
Câu chuyện về nụ hôn không phải e dè trong bóng tối. Ngược lại chiến tranh - sự hủy diệt, đề cập về nụ hôn rất công khai mà không thẹn thùng, giấu giếm gì. Từ cấp bậc của nghệ thuật, thơ ca đã đồng hành và cao hơn tất cả. Nhà thơ trở thành thần thánh, làm nên một vũ trụ kép, thành “dải Ngân hà” mới. Dải ngân hà của tình yêu.
Nhưng sao lại “một tinh vân vừa tái sinh trong vũ trụ?”. Tôi nghĩ về sự "tái sinh" trong tâm hồn của một người đàn bà đã yêu, đã đi qua mọi cung bậc của tình yêu. Đặc biệt người đàn bà ấy từng đối mặt với những khổ đau, đổ vỡ, tan nát, thì “tinh vân vừa tái sinh" biểu đạt của hơn một lần "hồi sinh".
Vĩ sao ư? Câu thơ trước đó đã tự giải thích cho chính nội tại của nó. “Nhưng nụ hôn kháo nhau". Nụ hôn của tình yêu luôn là phép màu nhiệm, chúng "kháo nhau" vì những mâu thuẫn, những cay đắng, giận hờn... trong tiến trình yêu. Bản chất của “nụ hôn” lại là hiện thân của khao khát và lòng bao dung.
Nguyễn Thị Hạnh Loan đã định nghĩa về nụ hôn theo cách riêng, rằng nụ hôn vừa là nụ hôn, vừa là mội tinh vân trong vũ trụ. Giữa những chồng chéo của cảm xúc, nụ hôn "tái sinh" chứ không chỉ là "hồi sinh". Vẻ đẹp của thế giới cũng vậy. Tái sinh - như là luôn “hàn gắn", chứ không phải chỉ một lần hàn gắn. Chúng ta đều biết thế giới được tạo lập với nhiều giai đoạn kiến tạo mà nên.
Để có một trái đất xanh phải qua hàng tỷ năm thai nghén, vật vã. Cơn chuyển dạ của địa cầu cũng đau đớn, đắng cay mới có hôm nay. Cơn chuyển dạ của tình yêu không khác gì địa cầu. Thượng Đế, Đức Chúa Trời không bày ra bàn tiệc có sẵn cho loài người “hưởng”.
Trong tình yêu và nụ hôn cũng thế. Khi người ta yêu nhau, hãy chứng minh linh hồn thuộc về nhau. Tình dục là điểm gặp nhau cuối cùng của tình yêu. Em đã là “dải Ngân hà” của anh, khi anh gắn lên cơ thể em những nụ hôn long lanh như sao sáng.
Tôi chợt nhớ một câu thơ của một nhà thơ:
Ta quàng lên trời rộng
Chuỗi hạt của tình yêu
Chuỗi hạt đó do con người tôn tạo và kiến thiết mà có vậy.