Chúng ta vẫn đến Cannes

Thứ Sáu, 27/05/2016, 12:10
Cơn bão hình ảnh về cô Lý Nhã Kỳ làm gì, gặp ai, tạo dáng ra sao, có thực được các tay máy săn đón trên thảm đỏ ở Cannes hay không lại rộ lên, như một cái hẹn hàng năm, với nhân vật chính chỉ thay đổi chút ít. 


Chuyện diễn viên, người mẫu Việt Nam được mời sang Liên hoan phim (LHP) Cannes mỗi năm cũng đã diễn ra được khá lâu rồi, dễ cũng đến gần chục năm nay, khởi đi từ một tài trợ của một hãng rượu mạnh, vốn dĩ là đối tác của LHP danh tiếng ấy. Người Việt mình được sang Cannes, vui chứ.

Người Việt mình ăn mặc đẹp đẽ, vẫy vẫy, cười cười trên thảm đỏ ở Cannes, thú vị lắm chứ. Mỗi chúng ta nhìn những bức ảnh ấy, kiểu gì cũng ước ao đời mình được đi một lần cho biết. Nhưng mỗi năm mỗi nhìn, mỗi đọc, mỗi ngắm, lại thấy buồn buồn. Trong khi chúng ta vẫn đến Cannes, thì nền điện ảnh của chúng ta đang có cái gì trong tay nhỉ?

Năm 2013, điện ảnh Cambodia được vinh danh ở Cannes, ở hạng mục Un Certain Regard dành cho những tài năng trẻ, những tác phẩm sáng tạo mới và táo bạo. Bộ phim được trao giải có tên "A Missing Picture" (Bức hình thất lạc) của đạo diễn Rithy Panh.

Nhiều người làm phim Việt đã sững sờ khi nghe những thông tin ấy. Nó chỉ là một cuốn phim tài liệu, về một đề tài rất cũ (Khmer Đỏ). Nhưng nó không được trao giải vì mục đích chính trị như người ta vốn hay thích suy diễn theo kiểu "thuyết âm mưu". Nó đã được các giải thưởng ở nhiều LHP khác nữa, vì cách thể hiện đầy táo bạo của Panh. Một nửa phim là các dữ liệu tài liệu, tin tức được dựng lại. Một nửa còn lại là những câu chuyện bi kịch, được thể hiện qua các con rối đất nung, những con rối không hề vô hồn chút nào và chính chúng mới là thứ khiến bộ phim được đánh giá cao bởi cộng đồng quốc tế.

Trong lúc ấy, chúng ta vẫn đến Cannes mỗi năm. Chúng ta mang theo gì? Chúng ta thu lại được gì? Tất cả chỉ là những se sua trình diễn gây tranh cãi nhàm chán rằng những phóng viên ảnh có chú ý đến mỹ nhân Việt hay không, những tranh cãi quá vô bổ vì tất cả đều hiểu rằng, những người cầm camera ở đó săn đón những cái tên minh tinh tầm cỡ toàn cầu chứ chẳng cần biết cô gái châu Á đứng kia là ai, làm gì, ở đâu, như thế nào. Đơn giản, nghệ thuật, giải trí luôn có một luật bất thành văn: "Tự tác phẩm và sản phẩm sẽ lên tiếng"

Trong lúc ấy, chúng ta sẽ vẫn còn đến Cannes các năm sau nữa, để thỏa mãn sự se sua giữa cô diễn viên này với cô diễn viên nọ, về một cái vinh hạnh mơ hồ, thực sự mơ hồ. Và trong lúc ấy, chúng ta tranh luận thêm về chuyện cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam, cái hành động cổ phần hóa mà nói trắng ra nhiều người nhìn thẳng vào sự thật để đau đớn thốt lên rằng "Hãng phim thì còn tài sản nào giá trị ngoài đất?".

Chúng ta đã từng cổ phần hóa hãng phim truyện 1. Và sau ngần ấy năm, cái hãng đã thành công ty cổ phần ấy đã làm được phim nào đáng kể? Ai trả lời câu hỏi này đây? Chúng ta đang hoàn tất cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam, với cổ đông lớn nhất nghe đâu là một công ty vận tải thủy. Họ sẽ làm phim gì đây, về vận tải thủy chăng? Và chúng ta chờ đợi bao nhiêu năm mà vẫn chưa cổ phần hóa xong hãng phim Giải Phóng. Nghe đâu vì định giá cao quá so với giá trị đất đai của hãng.

Vậy mà, trong lúc ấy, chúng ta vẫn đến Cannes… 

Văn Đoàn
.
.