Chim núi bay về cội

Thứ Sáu, 26/02/2016, 08:02
Múa xoang, bạn quen quá rồi, đúng không? Thì đã bao lần bạn được thấy, được nghe trên sân khấu, trên tivi những điệu xoang rộn rịp đó đây là gì. Ấy vậy mà, cái sự nghe, sự nhìn đó chưa hẳn đã là xoang đâu nhé. 


Ý tôi là một thứ xoang mộc, tùy hứng, tùy nghi, không phải xoang diễn, xoang giả trên sân khấu (các diễn viên chuyên nghiệp đóng giả người Tây Nguyên), cũng không phải xoang trong hội diễn (người Tây Nguyên sắm vai chứ không phải Tây Nguyên trong bản chất sống). Một lần lang thang về Bộ Bê, ngôi làng nhỏ của người K'ho ở xã Gia Bắc, cách trung tâm huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) khoảng 30 cây số và cách thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) tầm 60 cây số, tôi đã được những đứa con của mẹ rừng đãi cái thứ xoang thô mộc ấy.

Trời miền rừng, đêm đổ bóng thật nhanh, tôi vừa thấy những mắt lá đang rờ rỡ lay gió, thì đã nghe tiếng con chim núi đột ngột kêu lạnh ngang đầu, tiếng con suối K'ròng mải miết chảy và trùm lên tất cả là tiếng rì rầm vĩnh cửu của mẹ rừng, cái âm ngữ nền của cuộc sống người Tây Nguyên. Giữa bốn bề mịt mùng rừng, tôi đọc và nhận ra, sự ám ảnh của rừng là ghê gớm. Chả thế mà trong cách sống của người Tây Nguyên nói chung và người K'ho nói riêng tự đời nảo đời nào cho đến tận giờ luôn xác tín: Rừng là một trạng thái lưỡng thể.

Những cô gái Gia-rai trong vòng xoang ngày hội.

Bao bọc, nuôi dưỡng cũng là rừng. Uy hiếp, đe dọa cũng vẫn là rừng. Rừng trùm lên toàn bộ cuộc sống con người nơi đây. Con người vừa không thể tách rời rừng, vừa cố phân biệt mình với rừng bằng ngọn lửa. Vì thế, trong tín lý K'ho, không phải chỉ để nấu nướng, lửa còn để thực thi quyền năng chia tách con người với tự nhiên và lửa sống, thật sự sống, lúc bùng lên, lúc âm ỉ, suốt ngày đêm, năm tháng, vĩnh cửu. Người K'ho cho rằng, cái có giá trị, ấy là cái tạo nên thích thú. Cái không tạo nên thích thú, đối với họ, cần thiết nhưng chỉ là phần phụ. Trong số những cái có giá trị, có việc người K'ho tấu chiêng, uống rượu cần và múa xoang.

Trước hết, nói đến thứ xoang thô mộc, e cũng nên kể đôi chút về xoang nguyên bản. Múa xoang là một loại hình sống của người K'ho trong mùa lễ hội. Thường thì vào đúng vụ canh tác lúa rẫy năm trước đã xong, mẹ lúa đã được rước về kho, cửa kho đã được cài chặt, tiếng sấm đầu mùa còn chưa nghe âm âm vang vọng ở chân trời xa, vụ mùa sau chưa đến, chưa giục là thời điểm cộng đồng K'ho mở hội.

Thời gian chuẩn bị dài ngắn, lễ lớn hay nhỏ hoàn toàn tùy sức của từng gia đình, tức sản lượng thóc của mùa vụ đó. Tất nhiên, dù lễ to hay nhỏ, ngắn hay dài, thể nào cũng phải có vật hiến sinh (trâu, gà, lợn, dê...), rượu cần, tấu chiêng, múa xoang và cái quan trọng nhất, không thể thiếu, đó là cây nêu. Cây nêu trầm mặc, sừng sững, uy nghi, phủ bóng chứng kiến sự kiện trọng đại của cả cộng đồng.

Sau phần nghi thức và lễ thức, sẽ đến phần hội, rộn rịp, tưng bừng. Một ché rượu cần được khệ nệ bưng ra. Mươi phút sau, một ché khác lại bưng ra. Rồi ché thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ... n được mở, âm nhạc cồng chiêng thúc gọi, nhịp xoang cũng theo đó mà tròn vòng một cách tùy hứng. Tùy hứng của từng cá nhân trong cái tùy hứng chung tập thể. Trong khi múa, mọi người tự do bộc lộ cảm xúc bằng những vận động tạo hình cá nhân, những bước chân dài - ngắn, những cái co duỗi tay chân, những cái rung lắc cơ thể; thậm chí, cả sự thay đổi đột ngột về tốc độ và cường độ động tác múa, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tiết tấu, nhịp điệu, động hình của vòng xoang.

Tự do mà gắn kết. Đồng nhất mà riêng biệt. Cá nhân mà cộng đồng. Có lẽ chỉ ở người Tây Nguyên, với sự mẫn cảm về âm nhạc và nhịp điệu mới nhuần nhuyễn được đến thế! Múa xoang trở thành tiếng nói đặc biệt của người K'ho trong cuộc giao tiếp thiết yếu với các thế lực siêu nhiên, giao hòa với trời đất, giao đãi trong cộng đồng.

Múa xoang nguyên thủy nó là vậy! Song ngày nay thứ xoang đó mất hẳn rồi. Thế nhưng, cũng chả sao, miễn ta chịu khó lắng nghe, chăm chú nghiêng tai xuống nó với tất cả tâm hồn, sức sống bất tận của văn hóa Tây Nguyên vẫn bật dậy xanh tươi mơn man. Có điều nó đòi hỏi ta phải chịu khó bóc tách nhiều vỉa tầng văn hóa hơn, có vốn Tây Nguyên nhiều hơn và tất nhiên cần thêm đôi chút tâm thức cộng đồng dẫn dắt nữa, thì mới thấm được lẽ hiền minh từ rừng. 

Đêm ấy, bên bờ con suối K'ròng, một đống lửa được đốt lên, rượu cần đã mở, những âm thanh cồng chiêng huyễn hoặc, ma mị hối thúc, rất tiếc lại được phát ra bởi một thiết bị điện tử, và sự sống thật ở người K'ho bắt đầu trỗi dậy. Tôi thấy những đứa con của mẹ rừng như nhập vào một không gian, một thế giới nào đó khác, rất khác của riêng họ, không gian xoang, không gian của những vũ điệu thoát tục. Thoạt đầu, động tác còn rủ rỉ, dìu dặt. Sau nữa, động tác càng thổn thức, dồn dập, khẩn khoản.

Bất chợt, động tác múa lại nổi bổng lên, rồi đột ngột trầm xuống, lắng xuống, vừa như tuyệt vọng, vừa như an ủi, tự an ủi và thống thiết buồn đến lạnh người. Chỉ là những động tác của tay, chân, cơ thể xù xì, gai góc thế thôi mà âm vang thì rất lạ, như gió thoảng, như tiếng vang đâu đó mơ hồ mà thổn thức của rừng, cũng có khi có thể âm thầm da diết như một tâm sự khó nói ra, cũng có lúc bỗng xốn xang, rộn rịp tưởng chừng có thể hình dung cảnh một đám sơn nữ chen chân đến một lễ hội nào đó và biết đâu trong số sơn nữ ấy có người sẽ gặp gỡ duyên nợ đời mình. Tôi thật sự kinh ngạc vì cái sự tinh tế trong cái vẻ thô mộc của nó.

Giản dị, đơn sơ, chẳng chút phấn son mà sáng lòa, rực rỡ - đấy là xoang. Trầm hùng mà bay bổng, dịu dàng mà gai góc, uyển chuyển mà thô cứng, rạo rực mà đằm sâu - đấy cũng là xoang. Trong đời tôi, đây là lần đầu tiên tôi biết được động tác múa có thể làm ra ánh sáng, rừng rực, như mặt trời, như lửa. Tôi cố gắng để hiểu nguyên cớ ấy là làm sao mà những con người hết sức bình thường, như bất kỳ người K'ho nào ta gặp trên đường, với thân hình đặc trưng của con gái Tây Nguyên rắn khỏe là vậy, thô mộc là vậy, nhưng khi múa lại rất đẹp, rất bay và tinh tế vô cùng?

Thì ra nguyên nhân chẳng ở đâu xa, nó nằm ngay trong bản chất sống, trong ý niệm sống của người K'ho. Người K'ho quan niệm, múa có nghĩa thông linh với các thế lực siêu nhiên và là một nhu cầu tự bộc lộ không thể đặng đừng, mà đã là người K'ho thì bất cứ người nào cũng thông hiểu điều này. Tự bản chất, ở Tây Nguyên, không có nghệ thuật chuyên nghiệp, cũng không có những người nghệ sĩ chuyên nghiệp. Người K'ho không làm nghệ thuật mà sống nghệ thuật. Nghệ thuật, theo người K'ho, chỉ là khoảnh khắc lóe sáng, hết sức tùy hứng, rồi để cho tan biến mãi mãi, không bao giờ còn được thấy lại, nghe lại.

Như bạn thấy đấy, trong thế giới xoang ấy, cái thế giới đặc trưng mà cộng đồng K'ho ở rừng Bộ Bê đã cho phép tôi được bước vào sống cùng, bao giờ cảm giác cũng rất lạ. Bởi, không chỉ là niềm hạnh phúc do nghệ thuật đem lại, có thể còn một điều gì đó khác nữa, sâu và xa hơn, được sống cùng thứ nghệ thuật độc bản, độc sáng, chỉ được nghe và xem có một lần.

Tôi không rõ cuộc xoang đến lúc nào thì dứt hẳn. Có lẽ rất khuya, khuya lắm thì phải. Ấy là vì, khi cái trạng thái chập chờn sống, chập chờn say, chập chờn thức ngủ của tôi bị đánh thức bởi tiếng vỗ cánh của con chim đêm bí ẩn vừa bay vút qua trời, thì mọi người bắt đầu lục tục tỏa về các nhà. Tuy thế, câu chuyện về xoang, câu chuyện về người K'ho sống xoang trong bầu không khí nồng nã men rượu cần, mùi hoang dại bí ẩn, mùi ẩm ướt sương khuya, mùi ngọn lửa âm vọng và cả cái mùi da thịt ngai ngái đặc trưng vẫn chưa thôi âm vọng cùng tiếng rì rầm tưởng chừng như vĩnh cửu của mẹ rừng. Đâu đó tận trong rừng rất sâu, một con chim thiêng cất tiếng và tôi cũng đi vào giấc ngủ đầy những giấc mơ lành.

Trịnh Chu
.
.