Lá rụng về cội

Thứ Sáu, 03/07/2015, 08:34
Một người đàn ông vốn là người phía Nam nhưng hầu như gần hết cuộc đời sống ở phía Bắc. Khi lâm chung, ông ta có di nguyện "lá rụng về cội", là sau khi chết phải được đưa về miền Nam, yên nghỉ trên mảnh đất quê hương.

Sau khi người đàn ông đó chết, hai người bà con của ông ta quyết định đưa người chết về quê bằng tàu hỏa. Để qua mắt nhà tàu và để hành khách trên tàu khỏi hoài nghi, làm khó, hai người hóa trang, sắp đặt để người chết trông giống hệt như một gã say rượu, sau đó đưa xác ông ta lên tàu, đặt vào một chỗ trong toa nằm.

Tàu hỏa dừng lại ở một ga, hai người bà con để xác chết nằm lại trên tàu, xuống sân ga đứng hút thuốc. Một ông già lên tàu, leo lên phía đầu giường nằm để bỏ đồ lên giá hành lý, vô ý trượt chân vào người chết khiến cái xác rơi huỵch xuống sàn tàu.

"Hỏng rồi!", ông già hoảng hốt nghĩ "mình đã làm chết người, chắc chắn sẽ phải đi tù…".

Nhưng ông già không muốn phải đi tù. Ông ta lặng lẽ kéo xác chết ra lối đi ở đầu toa, dựng cho cái xác dựa vào cửa toa bên kia, châm một điếu thuốc lá và cắm vào miệng cái xác, trông như một người đang hút thuốc. Sau đó từ trong toa có một phụ nữ cần ra ngoài, đẩy mạnh cửa toa khiến cái xác lộn nhào rơi xuống khỏi tàu. Người phụ nữ nọ thấy vậy hoảng hốt thụt vào trong toa tàu.

Minh họa: Lê Phương.

Tàu sắp chuyển bánh, hai người bà con quay lại không thấy người chết đâu liền hỏi ông già ở giường đối diện, ông già đáp hình như người ấy đã đi ra đầu toa hút thuốc lá. Hai người vội chạy ra đầu toa để tìm nhưng chỉ thấy một phụ nữ, chị ta chỉ tay, nói rằng có một người đàn ông vừa xuống tàu rồi. Nghe vậy, hai người cũng vội nhảy xuống.

Thi thể người chết rơi xuống gần một trạm gác đường sắt khiến nhân viên tuần đường phát hiện như có người nằm sát đường ray, hình như đang tháo bu lông nối ray thì phải, anh ta hô lớn: "Dừng tay, đứng dậy!" nhưng "người đó" không có phản ứng gì.

"Nếu không đứng dậy, tôi sẽ bắn!", viên tuần đường đanh thép hô to nhưng "người đó" dường như phớt lờ, không phản ứng gì. Viên tuần đường không biết làm thế nào đành giương súng, bắn chỉ thiên một phát rồi chạy vội tới xem thì thấy "người đó" nằm sấp, không còn thở nữa.

"Mình đã bắn chết anh ta rồi!" nhân viên tuần tra nghĩ, "nhưng tại sao bắn chỉ thiên mà hắn lại chết được, mà cũng không hiểu tại sao trong súng lại có đạn chứ?".

Anh ta vội vớ cái rìu, xốc xác chết lên vai chạy tới một khu rừng nhỏ gần đó. Vào rừng, viên tuần đường bổ lưỡi rìu bập vào một thân cây, dựng cái xác vào sát thân cây đó, đặt tay xác chết lên cán rìu, trông giống như một người đang đứng chặt cây rồi vội vã bỏ đi. Trên đường quay về, anh ta gặp hai người bà con của người chết, họ hỏi có gặp người đàn ông nào không thì viên tuần đường trả lời là có thấy người cầm rìu đi vào rừng; hai người kia liền chạy vội về phía rừng.

Lại nói có một người gác rừng đang đi tuần rừng, đột nhiên phát hiện như có người đang chặt cây.

"Dừng tay! Vứt cái rìu xuống đất", người gác rừng hô to nhưng "người chặt cây" không thèm phản ứng.

"Nếu không vứt rìu xuống đất, tôi sẽ bắn!", anh ta cảnh cáo tiếp nhưng "người chặt cây" vẫn phớt lờ. Người gác rừng giương súng, bắn chỉ thiên một phát rồi chạy đến gần xem thì thấy "người đàn ông chặt cây" đã tắt thở rồi.

Trong số mấy người vừa kể trên thì chỉ có người gác rừng này là có vẻ chân thực nhất. Anh ta quyết định phải đưa "người bị bắn" đến bệnh viện. Đúng lúc này, hai người bà con của người chết cũng vừa chạy tới, người gác rừng nói với họ là có thể ông ta đã bị mình bắn chết, vì vậy phải đưa ông ta đến bệnh viện để xem liệu còn có thể cứu được nữa không. Hai người kia không dám nói ra sự thật, chỉ còn biết gật đầu đồng ý.

Ba người chờ đợi ngoài hành lang bệnh viện đã cả giờ đồng hồ. Hai người bà con của người chết chỉ mong sao việc "cấp cứu" kết thúc thật nhanh, còn người gác rừng thì căng thẳng và lo sợ, cứ nhấp nhổm đứng ngồi không yên.

Cuối cùng, cánh cửa phòng cấp cứu cũng bật mở, ông bác sỹ mệt mỏi bước ra, tháo kính, rút khăn tay lau mồ hôi trán, vừa thở vừa nói: "Các vị, chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng rất tiếc là… quá muộn rồi… giá như các vị đưa ông ta đến sớm hơn nửa giờ thì may ra còn… còn có thể cứu được!".

Truyện vui của Lý Đông Mai (Trung Quốc)- Trần Dân Phong (dịch)
.
.