Chìa khóa của thành công

Thứ Năm, 21/11/2019, 07:52
Trong một phát biểu với báo chí gần đây, đạo diễn Phan Đăng Di có nói đại ý anh cảm thấy sốc vì không nghĩ rằng phim “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” của anh bị HBO Việt Nam thay thế bằng một phim khác ở khung giờ 22:00 ngày 10/11 mà anh không được thông báo gì.

Dễ hiểu, nếu chúng ta ở vào hoàn cảnh của Phan Đăng Di, lúc đang mong chờ đứa con tinh thần của mình ra mắt thì được biết nó lại bị thay thế vì lý do nào đó, chúng ta cũng sẽ sốc.

Thực tế câu chuyện “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” của Phan Đăng Di là một phim độc lập do đạo diễn này tự sản xuất theo đặt hàng của HBO Asia trong hợp tuyển giới thiệu văn hoá ẩm thực các quốc gia có tên Food Lore.

“Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” dài 52 phút và là phần giới thiệu về Việt Nam trong 8 tập phim của Food Lore bên cạnh các tập phim về Singarpore, Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Phillippines.

Việc HBO Việt Nam buộc phải thay “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” bằng một phim khác ở khung 22h ngày 10/11 là vì lý do buổi phát sóng này cũng chính là lần công chiếu đầu tiên, do đó việc kiểm soát các nội dung nhạy cảm của phim phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Và thực tế, trong phim có những cảnh nóng.

Chính Phan Đăng Di đã thừa nhận rằng việc có cảnh nóng là để đẩy mạch phim, giúp phim thuyết phục hơn. Sau khi HBO Việt Nam kiểm duyệt lại và cắt bỏ một số cảnh nhạy cảm, phim đã được phát sóng lần đầu vào 1h sáng ngày 13/11 và sau đó phát lại vào 22h ngày 14/11. Tất nhiên, việc bị cắt bỏ các cảnh trong phim sẽ không thể khiến tác giả phim hài lòng.

 Song, ở ngành điện ảnh, chuyện nhà sản xuất cắt phim không đúng ý đạo diễn cũng không phải quá lạ lẫm và xung đột giữa đạo diễn và nhà sản xuất vì việc cắt phim cũng không thiếu. Nhưng, câu chuyện này lại gợi ra suy ngẫm về những khía cạnh khác, những khía cạnh rộng hơn về điện ảnh Việt Nam những năm qua.

Cùng thời điểm với “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” ra mắt, phim “Chị chị, em em” cũng tung trailer với hứa hẹn sẽ nhiều cảnh nóng trong phim. Còn bản thân “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” khi phát hành ở Singapore cũng bị gắn mác 21+. Điều đó khiến một câu hỏi phải bật ra. Đó là “Phải chăng đạo diễn điện ảnh Việt Nam thời hiện đại quá bị ám ảnh vì sex và bạo lực?”.


Không ai lạ với Phan Đăng Di cùng bộ phim nổi tiếng “Bi ơi, đừng sợ” gây tiếng vang trong giới. Điểm danh lại, quá nhiều phim Việt gần đây khai thác cảnh nóng hoặc bạo lực như thể đó là phao cứu sinh. Chẳng lẽ, ngoài hai đề tài ấy ra, không còn có gì có thể đảm bảo thành công nếu không muốn đi trên con đường hài nhảm rẻ tiền vẫn bị chính các đạo diễn uy tín lên án?

Thực chất, sex và bạo lực là hai đề tài mà điện ảnh thế giới vẫn không ngừng quan tâm suốt bao nhiêu thập niên qua và nó luôn luôn là thứ gây nên sức hấp dẫn cho nhiều bộ phim bom tấn. Nhưng, song song với hai đề tài nhạy cảm đó, nhiều phim vẫn thành công vang dội với các đề tài dung dị hơn, gần gũi hơn, đời thường hơn. Và nhiều phim điện ảnh quốc tế cố tình khai thác sâu vào đề tài sex hay bạo lực đã thất bại cả doanh thu lẫn phê bình.

Trong khi đó, ở Việt Nam, dường như hai đề tài này luôn có tính cấm kỵ nào đó nên các đạo diễn vẫn muốn khai thác nó, thậm chí cả khi nội dung chuyện phim không cần phải thêm các yếu tố ấy. Sự cấm kỵ ấy đã trở thành thứ kích thích? Hay là phải khai thác được sex và bạo lực mới chứng tỏ được phim của mình có sức nặng, xứng đáng là bom tấn? Câu hỏi này xin nhường cho các nhà làm phim trả lời. Điện ảnh Việt Nam hiện nay vẫn có những phim thành công vang dội mà không cần hài nhảm, không cần sex, không cần bạo lực. Đó chính là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, là “Em chưa 18”, là “Em là bà nội của anh”, là “Cô gái đến từ hôm qua”.

Suy cho cùng, mỗi bộ phim là một câu chuyện và cách kể chuyện chính là nghệ thuật. Nếu thế, dùng sự trần trụi của cơ thể, dùng máu me hãi hùng có phải là cách thực hành nghệ thuật duy nhất?
Văn Đoàn
.
.