Chất Folklore trong “Lục bát khóc cười”

Thứ Hai, 27/03/2017, 08:00
Đọc tập thơ “Lục bát khóc cười” của Lê Tiến Vượng, NXB Hội Nhà văn - 2016.


Cầm một tập thơ thuần thể loại lục bát quen thuộc, nghĩ đọc cũng hơi ngại bởi cứ đều đều một điệu, dễ chán. Nhưng đọc một vài bài mở đầu trong tập “Lục bát khóc cười” của Lê Tiến Vượng thì cảm giác ấy dần mất đi và thay vào đó là cảm giác hào hứng và thú vị. Dừng lại, tôi tự hỏi, vì sao nhỉ? À đây, chất Folklore cộng với chất uy-mua tan hòa trong mỗi câu mỗi vần. Điều này hơi hiếm trong thơ được xuất bản bấy lâu nay.

Lê Tiến Vượng viết về công việc làm thơ: Bắc nồi lục bát nấu thơ/ Nhặt bao con chữ ta vơ vào nồi/ Lửa tim ta cháy rực rồi/ Bao nhiêu ý đứng ý ngồi đang reo. (Nấu thơ)

Khái niệm thơ vốn mơ hồ, hư ảo, vậy mà nhà thơ cụ thể hóa trở nên rất sinh động, tưởng như có thể cầm nắn được. Khi “nấu”, nhà thơ còn cảm nhận rõ hơn: “Bao nhiêu ý đứng ý ngồi đang reo”, đã đứng ngồi, còn reo nữa, hoạt náo quá, người đọc bị cuốn hút!

Từ lăng kính thơ như thế, anh rọi chiếu vào những vấn đề xã hội hiện nay, từng mảng hiện thực hiển lộ ra mang sắc thái riêng. Về quê hương, anh có những phác họa lý thú:  Quê hương là những hàng tre/ Khi trời trở gió tiếng nghe mệt nhoài (Quê hương).

Hình ảnh hàng tre quê hương thường là dịu mát mến thương, nhưng Lê Tiến Vượng không mòn sáo: “tiếng nghe mệt nhoài” thật tâm trạng, nỗi niềm… “Ta ngồi ru nắng trưa hè/ Mẹ ta quần sắn kéo te ngoài đồng” (Ru)

Chắc nhiều bạn cũng như tôi, chưa hình nhìn thấy “cái te” bao giờ, hình như để đơm những con tôm tép nhỏ, Lê Tiến Vượng đưa “cái te” vào thơ một cách tự nhiên, rất dân dã và bất ngờ. Ta đọc thấy mến thương làm sao và “cái te” chưa biết kia bỗng thành kỷ niệm, nâng niu, cảm mến. Thêm một trải nghiệm, khi viết về đồng quê dân dã, những hình ảnh, phương ngữ cũng đóng góp một phần không nhỏ.

Hình ảnh chợ quê rất độc đáo: Đầu làng dăm bảy người ngồi/ Khi dăm nải chuối, khi nồi ngô non/ Bán xong đứng dậy cười giòn/ Xắn quần móng lợn, lon ton ra đồng (Chợ cóc).

Chợ này có lẽ nằm ngoài khái niệm chợ thông thường. Chợ của Đoàn Văn Cừ hay Anh Thơ của thế kỷ trước tuy quê mùa nhưng cũng ít nhiều mang dáng dấp “chuyên nghiệp”, thị trường rồi, còn “Chợ cóc” thì có chút gì gần như “nguyên sơ” còn sót lại. Khả năng quan sát, nắm bắt chi tiết của Lê Tiến Vượng khá tinh tế khiến thơ anh có sinh thái rất riêng. Đọc thơ anh ngỡ như được tham gia một chuyến “phượt” về đồng quê khá lý thú.

Nhớ về tuổi thơ, Lê Tiến Vượng có chi tiết rất thật: Tuổi thơ là khúc đồng dao/ Có khi chẳng thuộc vẫn gào rõ to.

Nét ngộ nghĩnh đáng yêu của trẻ thơ thôn quê ở dòng thứ hai thật cảm động. Ai đã từng tham gia trong “cuộc chơi” ấy chắc tâm đắc “chẳng thuộc vẫn gào rõ to”. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng yên ả mà còn xót xa đau đớn: Tuổi thơ trắng chiếc khăn tang/ Bom rơi, nhà cháy cả làng đưa ma (Tuổi thơ).

Tình làng nghĩa xóm được thể hiện tự nhiên mà máu thịt qua bốn chữ “cả làng đưa ma”. Không sinh ra và lớn lên ở quê, không có những gắn bó buồn vui đau khổ khó viết được tự nhiên mà lay động như thế.

Chất chân quê khi trải nghiệm tình yêu cũng có nét riêng: Ví đời như giọt mắt em/ Ta kẻ chết đuối vớt lên… lại chìm (Ví đời).

Ví như “kẻ chết đuối” thì đã gặp nhiều trong thơ, nhưng “vớt lên lại chìm” thì rất Lê Tiến Vượng. Và khi trải nghiệm ít nhiều về tình yêu thì lại có bất ngờ khác: Vẫn câu… chín ngại mười ngờ/ Trước kia dại một bây giờ dại hai/ Bao điều tưởng đúng lại sai/ Tiếng mình lạ với đôi tai của mình (Em đừng).

Tưởng là trưởng thành thì cái dại sẽ bớt đi chứ, sao lại “Trước kia dại một bây giờ dại hai?”. Lại nhớ câu dân gian: “chó dại có mùa, người dại quanh năm”. Chất uy-mua tự giễu nhại của Lê Tiến Vượng khá đặc trưng và như thế dân dã mà hiện đại, hiện đại một cách bình dân. Câu cuối: “Tiếng mình lạ với đôi tai của mình” là một sáng tạo độc đáo, nói lên một nghịch lý xã hội một cách chua chát xót xa. Một ẩn dụ đa nghĩa, một câu thơ hay.

Thơ này dễ đi vào đời sống và dễ phát huy hiệu quả trong chức năng của thi ca.

Một góc nhìn khác: Dẫu xưa mơ chuyện trên trời/ Bây giờ ngồi đất nghe lời cỏ cây (Tuổi già).

Hai câu trích trong bài “tuổi già” tuy anh chưa già, chứng tỏ anh thích trải nghiệm và đã có nhiều trải nghiệm. Câu lục bát tạo được sự tương phản lý thú giữa cao vời và thấp bé, câu thơ vì thế có tầm khái quát đáng kể. Người cầm bút phải như vậy thì trang viết mới mong có gì đó sâu sắc, tinh tế mà bạn đọc mong muốn.

Tự vấn, tự trào, tự nhủ là mặt mạnh của thơ Lê Tiến Vượng, anh tung hoành ở mọi địa bàn tâm tưởng: Nhớ đã nhớ, quên đã quên/ Bao nhiêu vay trả đáp đền cũng qua/ Đường đời còn mấy mươi ga/ Làm anh công chức ba hoa làm gì (Thơ cho mình).

Hoặc phản ánh đời sống thường nhật: Quê giờ nhà ống cao vời/ Tường cao, rào kín lòng người hoang vu (Quê ơi).

Chữ “hoang vu” thường chỉ dùng cho thời dĩ vãng nghèo khó nhưng trong trường hợp này lại đắc địa bởi nó nói lên một nghịch cảnh xót xa về mối quan hệ người với người hiện nay. Khi đời sống vật chất được nâng cấp thì tinh thần lại xuống cấp. Những thủ pháp nghệ thuật tương phản, nghịch lý… cùng với chất folklore, uy-mua kết hợp hài hòa khiến thơ lục bát của Lê Tiến Vượng dễ khóc cười với nhiều cảnh ngộ nhân sinh.

Nấu thơ mẻ trước mẻ sau/ Mẻ nào cũng đẫm sắc màu thế nhân (Nấu thơ).

Từ khái niệm chuyển hóa thành hình ảnh, hình tượng là công việc của nhà thơ, Lê Tiến Vượng dụng công nhiều về thủ pháp nghệ thuật này. Anh là họa sĩ đồ họa, “thi trung hữu họa”, chất tạo hình có dấu ấn khá rõ nét trong tập thơ “Lục bát khóc cười”. Đây là một thành công rất đáng ghi nhận của nhà thơ Lê Tiến Vượng.

TP Hồ Chí Minh, Xuân Đinh Dậu.

Nguyễn Vũ Tiềm
.
.