Cẩn trọng với parody

Thứ Năm, 12/12/2019, 09:05
Khoảng thời gian gần đây, cư dân mạng cảm thấy thích thú thực sự với những video clip của nhóm hài mang tên “Vlog 1977”. Cho đến nay, chủ yếu nội dung của nhóm này dựa trên tinh thần của các tác phẩm văn học hiện thực nổi tiếng của Nam Cao, Tô Hoài và được thể hiện lại theo phong cách parody (giễu nhại). Và những clip parody của họ thực sự rất thú vị, nếu không nói là đáng khen.


Parody thực tế là việc nhại lại, giễu nhại… chủ thể, chủ đề của một sản phẩm gốc (original work). Hình ảnh parody nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến bộ phim “The Great Dictator” của Charlie Chaplin với chủ thể bị giễu nhại chính là Adolf Hitler. Hoặc một tác phẩm bị làm parody nhiều và phổ biến nhất chính là bức hoạ Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Trong điện ảnh, “Meet the Spartans” (2008) cũng là bộ phim giễu nhại lại “300”, một siêu phẩm bom tấn ra mắt năm 2006.

Kể như vậy để thấy parody thực chất là một hành vi được thực hành khá thường xuyên trên thế giới và nó đặc biệt nở rộ trong thời đại mạng xã hội. Và ở Việt Nam, parody cũng là một trào lưu nở rộ nhiều năm qua.

Mỗi một sản phẩm điện ảnh đình đám ra mắt, mỗi một ca khúc trở thành “hit” đều có các bản parody ăn theo nó. Song không phải sản phẩm parody nào cũng đáng khen như "Vlog 1977". Và trong trào lưu parody, đã bắt đầu có dấu hiệu cho thấy những người làm parody còn thiếu rất nhiều kiến thức về luật sở hữu trí tuệ và hoàn toàn có thể bị khởi kiện nếu cá nhân, đơn vị nắm giữ bản quyền của bản gốc đâm đơn khiếu nại.

Gần đây, bộ phim mới ra mắt có tên “Anh trai yêu quái” đã dính vào một vụ lùm xùm theo kiểu parody này. Theo tình hình thị trường điện ảnh năm 2019, “Mắt biếc” đang là bộ phim được trông chờ trở thành bom tấn, nhất là sau khi ca khúc chủ đề trong phim có tên “Có chàng trai viết lên cây” trở thành hit.

Và trên mạng xã hội mấy ngày qua bỗng dưng xuất hiện những poster film “Mắt biếc” được làm theo kiểu parody mà trong đó, nội dung lại quảng bá cho phim “Anh trai yêu quái”. Từ poster chính với những dòng chữ điển hình như “Một bộ phim của Victor Vũ” và “Mắt biếc”, các sản phẩm parody biến báo trở thành “Một bộ phim không phải của Victor Vũ” với những cái tên chủ đề là “Mắt liếc”, “Mắt lác”, “Mắt gian”… Không chỉ có thế, poster của phim “Chị chị em em” cũng bị parody với nội dung PR cho “Anh trai yêu quái”.

Những poster parody này không được công bố chính thức là do nhóm sản xuất phim “Anh trai yêu quái” tạo ra nhưng tài khoản của các nhân vật liên quan đến “Anh trai yêu quái” như đạo diễn, diễn viên chính, nhà sản xuất… đều nhiệt tình hăng hái chia sẻ, phát tán chúng trên mạng xã hội. Điều đó khiến nhiều người cho rằng có sự thỏa thuận giữa “Anh trai yêu quái” và “Mắt biếc” bởi phía sản xuất “Mắt biếc” không hề có ý kiến phản đối nào.

Nhưng nếu nhìn vào hình ảnh poster parody, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng có một sự copy đúng theo kiểu đạo nhái với tone màu, font chữ, chủ đề trung tâm, bối cảnh, chủ thể chính đều giống nhau y chang. Và theo ý kiến của nhiều luật sư, nếu không có sự đồng ý của bên phía “Mắt biếc”, các poster parody kể trên vi phạm luật sở hữu trí tuệ nghiêm trọng.

Câu chuyện ví dụ nóng hổi về “Anh trai yêu quái” thực sự là một cảnh tỉnh cho những ai hào hứng làm parody hôm nay. Thực tế, ví như một nhóm làm parody một ca khúc hit chẳng hạn, họ rất dễ sa vào bẫy vi phạm khi nghĩ rằng mình làm video khác hẳn, mình chế lời mới khác hẳn. Đơn giản, đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ là rất đa dạng, từ giai điệu cho tới ca từ, từ bản phối khí cho tới kịch bản MV…

Chỉ né tránh bản quyền của những cái mà nhiều người nghĩ là chủ đạo của sản phẩm gốc chưa chắc đã là né tránh đủ. Nếu chủ sở hữu của sản phẩm gốc đâm đơn kiện, không ít nhóm, cá nhân sẽ phải mệt mỏi hầu toà.

Parody vẫn gây tranh cãi ở nhiều nước về luật sở hữu trí tuệ nhưng nhìn chung, rất nhiều nước đều có luật rất khắt khe đối với loại hình này. Và ở Việt Nam cũng cần có những quy định pháp luật kịp thời đối với các nội dung parody. Nhưng trước khi có quy định cụ thể, chính các chủ nhân của các sản phẩm parody phải tỉnh táo trước tiên, và dựa trên tinh thần của luật sở hữu trí tuệ trước tiên để hành động cho đúng.
Văn Đoàn
.
.