Qua thời “hoàng kim” của nhóm hài Online?

Thứ Hai, 23/07/2018, 09:02
Nếu như một vài năm trước, video clip của những nhóm hài như "BB&BG", "DAMtv", "Thích ăn phở"... làm mưa làm gió trên mạng internet thì thời gian gần đây, dường như vắng bóng. Một số nhóm hài trẻ khác đã xuất hiện nhưng không tạo được sức hút như các nhóm hài trước. Phải chăng, đã qua "thời hoàng kim" của các nhóm hài online?


Nhiều nhóm hài đình đám chia tay khán giả trong tiếc nuối

Sự chia tay của nhóm hài đình đám một thời "BB&BG" hồi tháng 6/2017 để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả trẻ. "BB&BG" (tên viết tắt của cụm từ trai xinh, gái đẹp - beautiful boy, beautiful girl) thành lập năm 2009 với 11 thành viên, được coi là một trong những nhóm hài online đầu tiên ở Việt Nam. Sở hữu nhiều gương mặt nam thanh, nữ tú, khai thác chủ đề thời thượng, những sản phẩm của "BB&BG" nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả.

Kênh YouTube của "BB&BG" có gần 2 triệu lượt theo dõi. Những video clip hài của "BB&BG" khi đưa lên YouTube đều thu hút từ một cho đến vài chục triệu lượt xem. Đây là con số "đáng nể" đối với nhóm chuyên về hài kịch. Đáng chú ý như "Thang máy định mệnh", "Văn hóa xem phim", "Tình yêu tuổi học trò", "Cặp đôi hoàn cảnh", "Cua gái", "Cua trai", "Bạn thường và bạn thân", "Ngày họp lớp"…

Một số video parody MV của các ca sĩ nổi tiếng (chế lại MV ca khúc) của "BB&BG" rất được khán giả yêu thích, tiêu biểu như "Bao giờ lấy chồng" thu hút gần 10 triệu lượt xem, "Gửi người yêu cũ" với hơn 7 triệu lượt xem, "Chúng ta không thuộc về nhau" với hơn 6 triệu lượt xem, "Mình yêu nhau đi" gần 50 triệu lượt xem, "Anh không đòi quà" hơn 140 lượt xem.

Dàn "trai xinh, gái đẹp" của nhóm hài đình đám một thời "BB&BG".

Đang trong thời kỳ đỉnh cao, "BB&BG" bất ngờ dừng hoạt động. Vào thời điểm đó, Quỳnh Trân, đại diện "BB&BG" chia sẻ rằng, sau khi họp bàn với nhau, nhóm đã quyết định ngưng hoạt động một thời gian để mỗi người tự xem lại định hướng của mình. BB Trần (tên thật là Trần Bảo Bảo, người có công lớn trong việc sáng lập và duy trì nhóm "BB&BG") đã quyết định có hướng đi riêng để tập trung cho sự nghiệp. Bên cạnh đó, các thành viên khác cũng có con đường đi riêng của mình.

Nhóm hài "DAMtv" với sự dẫn dắt của Huỳnh Lập (thường được gọi là Huỳnh Lập Lờ) được đánh giá là nhóm hài có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp cho các sản phẩm của mình. Sản phẩm của "DAMtv" khá đa dạng nhưng được chú ý nhiều ở các series hài có nội dung rõ ràng, sáng tạo, hấp dẫn. Series hài "Chuyện thần tiên ở xứ sở ÔDAM" gồm 6 tập nhận được nhiều phản hồi tích cực.

"Chuyện thần tiên ở xứ sở ÔDAM" mô phỏng theo những nhân vật Disney, khắc họa bức tranh về các nàng công chúa, hoàng tử, phù thủy… tưởng chừng như rất quen thuộc theo một góc độ khác, một câu chuyện khác. Vẫn là câu chuyện về tình bạn, tình yêu nhưng xen lẫn đó là những vấn đề nhức nhối trong năm hay những vấn đề âm ỉ mà xã hội chưa thể giải quyết.

"Pikachu đâu rồi" kể về cuộc hành trình tìm kiếm con Pikachu bị mất - cũng là con Pikachu cuối cùng còn tồn tại của Thuỷ thủ mặt trăng. Trong series hài này, nhiều nhân vật truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản như Naruto, Nobita, Sakura, Sasuke đã lần lượt xuất hiện giúp Thủy thủ mặt trăng tìm ra manh mối và chống lại thế lực đen tối muốn thực hiện âm mưu thống trị thế giới. Điều đáng quan tâm là, "DAMtv" đã khéo léo lồng ghép, tạo tiếng cười từ những câu chuyện "hot" của Việt Nam đang được nhiều người chú ý.

Ngoài ra, những sản phẩm thuộc dòng "DAMtv parody MV collection" như "Ngày tết quê em", "Kiếp đỏ đen", "Chờ người nơi ấy"… hay "Clip vui Officail" như "Cô dâu 1800 tuổi", "Giọng hát thiệt", "Kính vạn bông"… cũng thu hút lượng người xem khá đông đảo trên YouTube.

Cũng tương tự như "BB&BG", sau một thời gian hoạt động, "DAMtv" trở nên im ắng và không phát hành thêm sản phẩm mới. Trên các phương tiện truyền thông, "DAMtv" chưa có phát ngôn chính thức về việc tan rã nhưng cũng không có động thái giới thiệu, phát hành sản phẩm mới. Sự im lặng này được cho là "tuyên ngôn ngầm" về sự tan rã của "DAMtv".

Ngoài "BB&BG", "DAMtv" còn có một số nhóm hài từng "gây bão" trên cộng đồng mạng cũng rơi vào tình trạng tương tự như "Thích ăn phở" với bộ đôi đình đám Ngọc Thảo và Phở Đặc Biệt (tên thật là Tô Bửu Phát). Mặc dù vẫn duy trì sản phẩm đều đặn nhưng nhóm hài "FAPtv" cũng bị đánh giá là có dấu hiệu thoái trào khi hiệu ứng từ các sản phẩm mới phát hành không gây được ấn tượng mạnh mẽ như ban đầu.

Sớm, muộn cũng tàn nếu không có phong cách riêng

Thế mạnh của các nhóm hài online là quy tụ được nhiều gương mặt trẻ, đẹp là những hotboy, hotgirl trên mạng xã hội. Chủ đề mà các nhóm hài khai thác không "đao to búa lớn" mà rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày.

Những vấn đề bức xúc, trào lưu mới nổi trong giới trẻ đều được cập nhật một cách nhanh chóng, dưới góc nhìn hài hước, đầy sáng tạo của các bạn trẻ. Thông qua các sản phẩm phát hành trên mạng internet, các nhóm hài có thể tương tác với khán giả thông qua việc lắng nghe phản hồi ý kiến của người xem để qua đó điều chỉnh, hoàn thiện các sản phẩm kế tiếp.

Bên cạnh đó, các nhóm hài online ra đời vào thời điểm mà các chương trình hài, gameshow hài nở rộ trên các phương tiện truyền thông, trở thành "món ăn" tinh thần yêu thích của nhiều khán giả. Hiệu ứng từ các chương trình hài kịch khiến các sản phẩm hài được quan tâm nhiều hơn. Điều này phần nào lý giải sức hút của các nhóm hài trên online.

Sự xuất hiện của các nhóm hài online góp phần làm cho thị trường giải trí trở nên sôi động hơn. Cách tiếp cận, khai thác, thể hiện chủ đề của các bạn trẻ có những góc nhìn mới mẻ, táo bạo. Từ những nhóm hài online đã xuất hiện một số gương mặt trẻ thực sự tài năng, tâm huyết, bổ sung vào đội ngũ diễn viên sân khấu, trong đó có sân khấu hài kịch. Xét ở góc độ nào đó, hài online là nơi phát hiện, ươm mầm và là điểm tựa cho một số bạn trẻ có tài năng, đam mê bước vào showbiz.

Sau một thời gian hoạt động, một số nhóm hài online tan rã. Nhiều thành viên tách ra hoạt động solo, số khác giã từ sự nghiệp diễn xuất, theo đuổi sự nghiệp riêng. BB Trần của "BB&BG", Huỳnh Lập Lờ của DAMtv giới thiệu kênh YouTube riêng và có những sản phẩm chuyên biệt. Ngọc Thảo và Phở Đặc Biệt cũng có những dự án, con đường sự nghiệp riêng của mình.

Huỳnh Lập (phải) của nhóm hài "DAMtv" trong sản phẩm "Tấm Cám chuyện Huỳnh Lập kể" ra mắt tháng 5/2017.

Một số người cho rằng, sự tan rã của các nhóm hài online tự phát là điều dễ hiểu bởi lẽ, thành viên của nhóm hài phần lớn là các bạn còn rất trẻ, họ đến với hài vì yêu thích diễn xuất chứ chưa hẳn đã định hướng theo con đường diễn xuất chuyên nghiệp. Có thể, với một số bạn trẻ, đó chỉ đơn thuần là cuộc dạo chơi với nghệ thuật, trải nghiệm trong cuộc sống. Đến thời điểm các thành viên muốn có công việc ổn định nên tìm hướng đi riêng, không còn thời gian tập trung phát triển sản phẩm.

Thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện nay, hài nói chung, hài online nói riêng đã rơi vào thoái trào. Các chương trình giải trí, gameshow truyền hình về hài kịch không còn sức hút với khán giả. Hài "nhạt, nhảm, nhí" chiếm sóng làm tiếng cười hài kịch trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều sản phẩm hài online.

Một số sản phẩm hài online khai thác chủ đề vụn vặt, gây cười bằng những tình tiết, hành động lố bịch, phản cảm. Có nhóm hài không ngần ngại sử dụng các chiêu trò "sốc, sến, sex" để gây sự chú ý của khán giả. Khi hài kịch không có nội dung, không có được tiếng cười thâm thúy, sâu sắc thì sớm hay muộn cũng đánh mất khán giả.

Thời gian gần đây, không ít nhóm hài tự phát khác ra đời nhưng không tạo được dấu ấn mạnh mẽ như một số nhóm hài trước kia. Nhiều khán giả cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là các nhóm hài kịch không tạo được điểm nhấn hay phong cách riêng. Các nhóm hài đều na ná như nhau trong cách khai thác đề tài, hình thức thể hiện, khó phân biệt nhóm này với nhóm khác. Khi thiếu vắng sự sáng tạo và phong cách thì các nhóm hài online "sinh sau đẻ muộn" không gây được sự chú ý cũng là điều dễ hiểu.

Tường Phạm
.
.