Biết mà chưa nói

Thứ Bảy, 23/04/2016, 08:00
Nhiều người từng thấy có ông/bà kia đã biết các chuyện ấy, vậy mà qua năm lần bảy lượt, hết đợt học và làm theo nghị quyết này đến nghị quyết khác, vẫn chưa nghe ông/bà ấy nói một lời nào về cái chuyện ấy. Người ta chờ đợi ý kiến của ông/bà, và còn tin ở ông/bà. Chờ không được thì niềm tin có phần vơi đi, sự thất vọng lớn dần lên.


Có người bảo: Ông/bà này thận trọng lắm, người lịch duyệt ai người ta vội vàng...

Có anh cho rằng: Hay là ông/bà này biết cả, nhưng toàn biết chuyện vặt như giá mớ rau, củ hành ngoài chợ... còn chuyện ở tỉnh ở trung ương thì chả rành tí tị tì ti nào, nên "im lặng là vàng" thôi!

Có bà phân vân: Thì chuyện vặt ta nói ở thôn, ở tổ đi, chuyện huyện chuyện tỉnh ta cũng báo để mấy ông trên huyện biết mà nói mà bàn, cứ thế, chuyện tỉnh chuyện trung ương mà đài với báo của ta từng nói ra viết ra, ta lại nói với nhau, với các bác ở trên cho họ tỏ tường cái ý của dân ta... thì đã làm sao nào?

- Ôi dào, các ông các bà cứ ngồi đấy mà bàn mà nhắc, mà nói với nhau mãi nào! Làm gì có sự phân biệt chuyện vặt ở thôn ta lại chả liên quan gì đến chuyện ở xã bên? Tôi hỏi khí không phải nhé, thế chuyện nhà ông Y làm rau tưới nước bẩn, chuyện nhà bà B. thu gom thịt ôi thịt chết về chế thành thịt đặc sản làm cả làng té re hôm ăn cỗ cưới vừa rồi khiến cả xã cả huyện loạn lên, thôn ta từ ông bí thư trở xuống đi đâu cũng ê cả mặt thì là chuyện bé chuyện vặt à?

Có thể biết nhiều mà chưa hiểu, là do trình độ, nên chẳng dám nói, thì cũng nên thông cảm cho. Nhưng thông cảm mãi, qua nhiều lần, với bao nhiêu chuyện thì không bình thường rồi. Mà cái ông/bà chưa nói trên là do ta bầu lên, cử ra đấy thôi. Ta bầu, cử nhầm chăng? Hay lúc bầu, cử thì họ tỏ ra đáp ứng được ý nguyện của dân, rồi khi ngồi trong bộ máy rồi, họ mới đâm ra chưa nói được?

Có tập thể làm cho con người tốt hơn lên, như trước đây, hồi ta mới ra trận, chính ta và một số bạn ta cũng sợ xa nhà, sợ bom đạn, nhưng trải qua chiến tranh, chúng ta đã không còn sợ nhiều như thế nữa. Cũng có lúc vẩn vơ sợ, ta lại gắng vượt lên mà làm cho trọn bổn phận người lính. Nhiều người trở thành anh hùng mà không nghĩ rằng mình là anh hùng đấy thôi.

Và tiếc thay, cũng có tập thể làm cho con người vốn chẳng đến nỗi nào, hơn thế, đã là người được quý mến, tin cậy. Vậy rồi làm việc với nhau ít lâu, lại trở thành người chưa nói mãi, chưa chừng, lại có nguy cơ không nói nữa.

Ấy là chuyện thường tình của một số người mà không thể coi là bình thường của một xã hội nữa rồi!

Lại nghe có ý tán ra rằng: Chưa nói thế là khôn ngoan, theo cách "thế thời phải thế" vậy thôi.

Lại cũng thấy có ông nói như quát: Đấy là kẻ cơ hội, bịp bợm chứ khôn ngoan nỗi gì! Cái giống "ngậm miệng ăn tiền" ấy... nói đến thế, thấy ông ngừng, dân dấn nước mắt.

Chuyện kể rằng: Xưa ở vùng núi nọ, rất ngẫu nhiên ông A thấy nhà vua cởi mũ ra, ông nín lặng xem, ôi chao, tai của vua to và dài quá! Xa giá đi rồi, ông hốt hoảng chạy về, định la toáng lên: Vua ta có đôi tai như tai lừa!

Chợt thấy vợ gờm gờm như có ý hỏi: Ông làm gì mà như phát cuồng lên thế!? Ông đành im lặng. Hôm sau, hôm sau, bao nhiêu hôm sau nữa, ông muốn nói cái sự thực mình biết với vợ, với bạn, rồi với ai cũng được, chứ cứ để trong đầu mãi thì khó chịu lắm... nhưng không hiểu sao, cứ định cất lời, thì lại chưa nói ra được.

Một đêm khuya, ông lên núi, đào một cái hố, nhảy xuống, rồi cúi đầu chổng mông lên gào to: Vua ta có đôi tai lừa! Vua ta có đôi tai lừa! Mấy lần như thế không biết, chừng đã thoả, ông nhảy lên, gạt đất lấp hố, đi một mạch về nhà, ngủ tít ngay. Ít lâu sau ở triền núi kia mọc lên một bụi cây, ai đi qua cũng nghe rì rào cái câu "Vua ta có đôi tai lừa", họ về thầm thì với nhau. Nghe nói bây giờ gió vẫn thì thào lan đi cái câu nói hả hê của người đàn ông tình cờ biết chuyện ấy.

Chưa nói ra được về một sự thật là cái ấm ức của một con người, và cũng là nỗi khắc khoải của ngàn vạn kiếp người suốt hàng trăm hàng ngàn năm nay. Nói ra được sự thực ấy, là có thêm niềm vui sướng tự nhiên. Một xã hội bình thường, bình yên là vậy.

Nhà văn nhà thơ mà chưa nói, chắc là còn phải nghiền ngẫm sự đời cho chín, lại còn phải dụng công chọn ý tứ, ngôn từ... nữa. Nhưng xin đừng để mọi người chờ lâu quá nhé! (viết tiếp bài "Biết mà không nói" in trên VNCA số 285)

Thủy Liên
.
.