Biết mà không nói

Thứ Năm, 14/04/2016, 08:43
Có người bảo: Chuyện hay dễ nói, chuyện dở thì khó... Người kia có chức trách phận sự mà không nói, mình nói thì ai nghe? Khéo họa vào thân...


Trong cuộc sống, hiện chúng ta thấy nổi lên mấy hiện tượng:

1. Biết nhiều mà nói ít; 2. Biết mà chưa nói; 3. Biết mà không nói. Ba hiện tượng trên thường bị nhầm lẫn vì ta tưởng rằng biết, là như hiểu; đôi lúc lại cũng được/ bị nhầm lẫn là do bản tính, hoặc bởi sự khôn ngoan v.v... Chuyện có người biết nhiều mà nói ít, hoặc biết mà chưa nói, sẽ trao đổi sau. Nay xin nói về hiện tượng - vấn đề biết mà không nói này.

Xưa có chuyện cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1595) buồn vì thế sự nên từ quan về làng mở trường dạy học. Biết cụ là bậc tài trí mẫn tiệp, nhiều vị túc nho, quan lại... đã xin cụ cho con cháu họ được đến thụ giáo, những mong các thiếu niên kia ngày một giỏi giang, hiền minh mà nối được nghiệp nhà, báo đền được ơn vua lộc nước.

Để giữ vững vương triều, mở mang thế lực, vua quan triều Mạc, rồi chúa Trịnh cũng cử sứ giả cất công tìm về Bạch Vân am tham vấn ý cụ. Một buổi mai kia thấy người nhà bẩm báo là có người nhà của Doanh Quận công Nguyễn Hoàng đã đến xin gặp cụ mấy lần mà chưa được, nay lại đến chờ ở phòng khách, Nguyễn Bỉnh Khiêm liền thong thả bước ra.

Dừng chân ở cửa, thấy khách đứng lên thi lễ, cụ gật đầu đáp lại, rồi nhẹ nhàng đi tiếp ra sân, đứng ngắm hòn non bộ. Khách đã được Nguyễn Hoàng dặn kĩ, lần này, cũng nhẹ bước ra theo. Hai người, một già một trẻ cùng nhìn thấy một đàn kiến đang nối đuôi nhau gắng sức leo qua một khúc cao cao quanh quanh ở hòn non bộ. Như điềm nhiên và ngẫu hứng, cụ Trạng đọc: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, đoạn, cụ phất nhẹ quạt nan, đi vào. Khách cúi đầu lạy tạ rồi xin lui.

Các sứ giả nói: Cụ Trạng nguyên chả nói câu nào, chỉ đọc mấy lời có vần như thơ, vậy mà Nguyễn Hoàng hiểu ra, lừa xin được anh rể là chúa Trịnh Kiểm mà cất quân gia mải miết đi về phía Nam, qua Đèo Ngang... lập nên phủ Chúa rồi con cháu ông đời tiếp đời trải bao gian khó thăng trầm, đã dựng nên cả một triều Nguyễn, sông núi biển bờ Đại Việt ngày một rộng dài tươi tốt thêm lên...

Ấy là chuyện biết mà không nói của thế kỉ XVI.

Mấy trăm năm sau có cụ Nguyễn Du (1766-1820) từ những tháng ngày chạy loạn, làm quan, đi sứ Trung Hoa,... để viết “Thanh Hiên thi tập” và “Truyện Kiều”, rồi những “Nam trung tạp ngâm” với “Bắc hành tạp lục”... cùng bao nhiêu áng thơ than tiếc cho muôn dân phải trải qua cuộc đời dâu bể lưu ly tàn khốc, thì nhuốm bệnh nằm xuống.

Nghe kể là cụ không chịu uống thuốc mà lịm dần, chả nói năng gì. Trong mơ màng, cụ nghe được lời người nhà nói với nhau: "Lạnh đến đầu gối rồi!", bấy giờ mới gượng nhấc đầu lên, gật gật nhẹ, rồi thăng. Các sử gia văn thi gia bảo: Bao nhiêu điều muốn nói muốn gửi, cụ Nguyễn Du đã nói trong thơ cụ rồi mà... Cái sự biết mà không nói của người xưa đại thể là vậy.

Còn đời nay?

Ấy là việc biết có tham nhũng, "chạy" đủ các thứ mà từ người có chức trách phận sự đại biểu cho quốc dân, bảo vệ sự an toàn cho dân... cũng không nói là sao? Ấy là chuyện bọn bịp bợm ở công ty nọ (như đa cấp Liên kết Việt...) mạo danh đủ đường, cơ quan chức năng đã biết, đã xử, mà không nói ra bằng các thông báo, cáo thị... để dân biết mà tránh, mà đấu..., là không biết làm việc hay là cố tình "phạt cho tồn tại", "xử lí nội bộ" để được chia chác riêng?

Chúng ta đã dò dẫm rồi mạnh bước trên con đường đổi mới, có cương lãnh và kế sách hẳn hoi, có cả một hệ thống chính trị từ thôn làng phường xã trở lên, mà nhiều người vẫn không nói với nhau cho kịp thời và ngay ngắn về những sai trái, lệch lạc thì chẳng hoá ra, cái tôn chỉ cao quý là vì dân đã bị quên rồi sao?

Có người bảo: Chuyện hay dễ nói, chuyện dở thì khó... Người kia có chức trách phận sự mà không nói, mình nói thì ai nghe? Khéo họa vào thân.

Người khác nhắc: Đảng và Nhà nước ta đang phát động công cuộc đổi mới, toàn dân hãy làm chủ công việc và cuộc sống của mình, anh không nói là tự anh tước bỏ quyền dân chủ của mình rồi còn gì. 

Thủy Liên
.
.