Bếp lửa tỏa sáng văn hóa nhân loại!

Thứ Bảy, 09/05/2020, 08:05
Chỉ từ khi tìm ra điện, ra dầu lửa, khí gas con người mới sử dụng bếp dầu, bếp điện, bếp gas, gần đây là bếp từ. Còn trước đó thì gắn bó với nhân loại hàng vạn năm là bếp lửa (bếp lò) đến mức nó trở thành biểu tượng văn hoá mang tính phổ quát.


Dân tộc nào cũng có sự tích bếp lửa, theo thời gian các lớp mã cứ dày lên, đến mức ở ngày hôm nay có cố bóc các lớp ấy thì cũng khó tìm ra cái lõi nguyên thuỷ. Nhưng trong quá trình tìm về cổ xưa người ta luôn bắt gặp các quan niệm, suy nghĩ, cách thức sống của các lớp người đi trước chung quanh mã bếp lửa này.

Theo thần thoại Hy Lạp thì sau khi thâu tóm quyền lực, thần Zớt phân công nữ thần Hestia cai quản bếp lửa của nhân loại. Không chỉ Việt Nam ta mới có câu "Đàn ông cái nhà đàn bà cái bếp", mà từ tận huyền thoại xa xưa con người đã khôn ngoan trao cho phụ nữ cái thiên chức nấu ăn và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Cái bếp của Hestia ra đời thì chế độ quần hôn chấm dứt và nhân loại văn minh bắt đầu bước vào giai đoạn một vợ một chồng. Thế là khởi nguyên cái bếp đã mang biểu tượng của sự văn minh và hạnh phúc. Trước đó chưa có bếp lửa thì con người chủ yếu ăn sống, từ ăn sống sang ăn chín là một bước tiến bộ nhảy vọt. Mô hình gia đình một vợ một chồng và con cái là thành tựu vĩ đại của nhân loại.

Bếp lửa của người Tày.

Nữ thần Hestia rất đẹp và duyên dáng. Đã thế thần lại hay thẹn đỏ cả mặt (nhưng chắc là vì suốt ngày ngồi gần lửa, chứ là thần thì phải thẹn với ai!). Thế nên sau này con cháu của thần ở các nước xứ lạnh thường tỏ tình bên bếp lửa bập bùng, vừa cho ấm áp vừa để đổ vấy cái thẹn của mình cho lửa.

Nữ thần Hestia còn rất thông minh. Nàng đến thăm bếp nhà ai hoặc bếp của bộ tộc nào đó là thần đoán được ngay tính cách cũng như tiên đoán số phận của họ. Giả sử thấy bếp nhà ai có mùi thơm của thịt bốc lên là thần phán rất đúng là con người ở đó mạnh mẽ, kiên cường hợp với nghề đi săn hoặc đi biển. Thấy bếp nhà ai ngào ngạt mùi rau luộc rau xào thì thần biết con người ở đó sống thiên về tình cảm, hay xúc động, quan hệ mềm mỏng, hợp với nghề trồng cấy, may vá…

Dưới góc nhìn khoa học nhân loại hôm nay kinh ngạc tại sao nữ thần Hestia lại nói chính xác như vậy. Vì khoa dinh dưỡng học mới giải thích được người ăn thịt nhiều thì tích nhiều đạm dẫn đến tính khí ưa hoạt động, mạnh mẽ, trí tuệ. Có bộ tộc vì quanh năm ăn thịt mà trở nên hiếu chiến…Nhờ được thêm nhiều vitamin C cần thiết nên người ăn nhiều rau có cơ thể hài hoà, mềm mại, tính khí hoà nhã, mềm mỏng…

Trong từ vựng Hy Lạp cổ, từ "Hestia" chỉ "cái bếp" gần gũi với khái niệm "Omfalos" nghĩa "cái rốn" vì cả hai đều ở trung tâm. Cặp khái niệm Hestia-Omfalos được ví như cái cửa có hai cánh mở ra đi sâu tìm hiểu thế giới văn hoá tín ngưỡng Hy Lạp. Hiểu cặp khái niệm này mới có thể hiểu tín điều tôn giáo, quan niệm về quan hệ trời-đất, vũ trụ-con người…

Trong Bộ kinh Vệ Đà của văn hoá Ấn Độ thì Thần lửa Agni được coi là trung gian, nơi giao tiếp giữa con người và thần linh. Thần Agni luôn mang sắc vàng đỏ, có hai đầu, bảy lưỡi là người chủ lễ trong mọi lễ cưới và lễ tang. Ngày cưới, cô dâu chú rể phải đi bảy vòng xung quanh bếp lò để Thần chứng giám và ban phước cho đôi vợ chồng trẻ hoà thuận, ấm áp, nóng bỏng bên nhau suốt đời. Khi gia đình có người khuất núi cũng mời Thần đến để Thần tiễn người chết về thế giới an lạc, vĩnh hằng. Sau đó người nhà đem đi hoả táng trong sự trong sáng, tinh khiết vô trùng của Lửa.

 Như vậy cái bếp không chỉ biểu hiện tính cách con người mà còn là quan niệm về cả một thế giới!

 Đấy mới là những lớp nghĩa nguyên thuỷ, đầu tiên.

 Từ xa xưa, ở đâu cũng vậy, vai trò bếp lửa được khẳng định, không thể thiếu trong bất cứ ngôi nhà nào. Thế là tự nhiên bếp lửa trở thành thiêng liêng được mọi thành viên thành kính, tôn thờ, ngưỡng vọng…Cũng thật tự nhiên bếp lửa thành nơi con người gửi gắm, ký thác niềm tin. Nhiều bộ tộc vùng Xi-bê-ri thông qua bếp lửa cầu xin thần thánh điều mình ao ước.

Người Maia cổ còn nhìn thấy trong ánh lửa nồng đượm của nhà mình có cả hình bóng tổ tiên. Thế nên họ coi nếu để tắt lửa ở bếp là không được tổ tiên chăm sóc, dạy bảo, phù hộ, độ trì… Điều này không riêng của người Maia, mà ở khắp châu Á, những tộc người sống trên vùng núi cao cũng luôn giữ lửa cháy trong bếp.

Cho đến tận hôm nay, dù đã vào thời kỳ công nghiệp hiện đại 4.0 thì ở phương Tây xứ lạnh, các gia đình (ở nông thôn) vẫn có cái bếp lò đặt ở giữa nhà, vừa để nấu ăn vừa làm lò sưởi. Người Pháp có khái niệm "Foyer" đa nghĩa, vừa nghĩa là bếp lò, lò sưởi vừa nghĩa trung tâm, chính giữa, cũng có nghĩa quê hương.

Bếp của người Tày, Thái, Nùng… (Việt Nam) có lửa suốt ngày đêm, ngay cả lúc không đun nấu. Trong bếp luôn có một gộc củi luôn đỏ hồng. Vừa là cách giữ ấm nhưng cái chính là quan niệm có lửa để xua đuổi ma quỷ, thú dữ; thể hiện sự ấm no, đầy đủ và sự quý người. Trời giá rét, khách đến hơ tay vào lửa sẽ thấy hạnh phúc hẳn lên. Trong phong tục người Thái thì bếp lửa là nơi trai gái hò hẹn, trao duyên… "Đến ngày gặp chốn sàn hoa/ Ngồi bên bếp lửa mặn mà trao duyên" ("Tiễn dặn người yêu").

Thần lửa Agni trong văn hoá Ấn Độ.

Người Việt có truyện cổ tích "Ba ông đầu rau" đậm triết lý nhân sinh. Ngày ba vợ chồng nhà nọ chết (23 tháng Chạp) nên đó cũng là ngày cúng ông Công ông Táo. Họ chết nhưng hình tượng ngọn lửa giữa họ luôn bùng cháy toả ánh sáng, toả nhiệt năng sẽ không bao giờ chết. Được cháy trong sự bao bọc của ba ông đầu rau đặt trong không gian bếp ấm cúng ngọn lửa ấy càng  mạnh mẽ, nồng nàn hơn.

Đó không còn là ngọn lửa thông thường mà là ngọn lửa của sự sống, lửa của tình nghĩa. Lửa còn thì nhân loại còn. Tình nghĩa con người với con người không bao giờ mất đi nên nhân loại vẫn trường tồn mãi mãi. Đây là một triết lý đẹp xứng đáng đứng cùng những triết lý văn hoá hay nhất của nhân loại. Mỗi cổ tích luôn là một mã văn hoá nên muốn hiểu sâu hơn phải bóc dần những lớp mã để tìm cái lõi ngọc quý giá.

Cũng có thể ví cổ tích như vùng đất nguyên thuỷ mà chung quanh nó có nhiều cây huyền thoại cùng ngả bóng nên phải gạt dần những lớp bóng ấy ra để tìm tòi. Truyện còn là một triết lý về cách sống. Với người Việt sống cùng cây lúa trong vùng văn minh lúa nước thì đất để canh tác là tối quan trọng. Và phải có nhà để ở. Phải có người phụ nữ quán xuyến nhà cửa. Nên ba vợ chồng họ chính là ba đại diện cho đất đai (thần Đất cũng là thần Bếp), nhà cửa và người phụ nữ, tạo thành bộ tam tài, lấy quẻ Li làm biểu tượng. Quẻ này gồm hai hào dương (hai chồng) một hào âm (một vợ). Trong Bát quái, quẻ này là lửa, nằm ở phương Đông, phía trái. Điều này lý giải tập quán người Việt thường thờ Thổ công gian phía trái.

Truyện còn mang tinh thần dân chủ rất quý từ hình tượng ba ông đầu rau luôn bằng nhau, đứng cân xứng nhau vững vàng, không xô lệch như để chứng minh quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận của họ (chồng, vợ) là như nhau, bình đẳng, chồng cũng như vợ, vợ cũng như chồng, không ai hơn kém ai. Ba vợ chồng họ vì nhau mà chết. Cái chết đã làm cho họ mãi mãi bên nhau. Đó là bi kịch nhưng là "bi kịch lạc quan". Họ chết để cùng toả sáng trong hiện thân ánh lửa rực rỡ. Họ chết nhưng gieo sức mạnh niềm tin vào con người, vào tình người bất tử cho hàng vạn, hàng triệu đời sau.

Trước nay cảm hứng của nhân loại về lửa chưa bao giờ vơi cạn. Với người Việt, bếp lửa là biểu tượng cho gia đình đầm ấm, sum vầy, bền vững, đoàn kết. Biểu tượng này chính là cái lõi văn hoá của truyện. Biểu tượng ấy trở thành "mẫu gốc" sản sinh ra biết bao những "bếp lửa" mới "ấp iu, nồng đượm" (Bằng Việt) làm sáng lên nhân cách Việt giàu yêu thương, ân nghĩa, trách nhiệm, vị tha.

Ở cả phương Đông và phương Tây, vị trí bếp lửa (ống khói) thường ở trung tâm. Khi nấu nướng khói từ giữa nhà bay lên như hình cây xanh vươn cành lá lên trời cao. Vì lẽ này mà Triết học sinh thái hiện đại giải thích mỗi ngôi nhà chính là biểu tượng của "Cây vũ trụ" cắm sâu gốc rễ vào đất, còn cành lá thì nối vào trời. Con người từ thời kỳ mông muội bước vào "nhà" tức là bước vào thời kỳ văn minh. Thế nên, không phải thời hiện đại bây giờ, mà từ cổ xưa đã có quan niệm vào nhà ai là biết người đó "văn minh" hay không!?

Nguyễn Thanh Tú
.
.