Bắt chước chỉ là ảo ảnh...!

Chủ Nhật, 15/12/2019, 08:09
Tác phẩm nghệ thuật luôn phải tạo ra cái mới, tiến bộ, phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ, mới mẻ, độc đáo. Người nghệ sỹ làm giàu cho xã hội không bằng số lượng của cải vật chất mà bằng các giá trị tinh thần, làm mới các giá trị tinh thần...


Xin kể lại câu chuyện tiếu lâm bác học có từ cuối đời Lê được in trong sách "Đại Việt sử loại tiệp lục", chắc vì tính chất thâm thúy của nó nên ít thấy trong các sách truyện dân gian phổ thông.

Chuyện rằng có anh học trò nghèo đi thi ghé vào nhà viên quan giàu có xin ít tiền lộ phí. Quan chỉ vào đàn chuồn chuồn đang bay lượn trước sân bảo anh ta làm bài thơ vịnh. Anh học trò ứng khẩu đọc: "Đầu tự hổ, vĩ tự đinh/ Phi lai phi khứ tướng công đình" (Đầu (chuồn) như đầu hổ, đuôi (nó) giống cái đinh/ Bay đi lượn lại trên sân nhà tướng công).

Một con bướm nguỵ trang bằng cách bắt chước để hù doạ kẻ thù.

Quan khen lời đối hay có khẩu khí bèn chu cấp tiền nong. Câu chuyện lan ra nhanh chóng. Một học trò khác thấy thế cũng bắt chước. Lúc ấy quan đang đứng xem mấy con lợn trong chuồng và bảo anh học trò vịnh. Lúng túng mãi rồi anh ta cũng đọc được: "Đầu tự hổ, vĩ tự uông/ Phi lai phi khứ tướng công chuồng".

Dĩ nhiên là anh ta bị đuổi thẳng, còn bị cho vài hèo vì đã dốt còn vô lễ!

Là bởi anh ta không những bắt chước mà còn chẳng hiểu mô tê gì về "đối tượng miêu tả". Vì rập khuôn nên cũng tả đầu con lợn giống đầu con hổ, đuôi thì giống "uông", vì "uông" sẽ bắt vần với từ "chuồng" câu dưới chứ còn chẳng có nghĩa gì cả!

Dân gian chế giễu cay đắng những kẻ dốt nát, không có bản lĩnh "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào" sẽ chịu hậu quả xấu.

Đấy là chuyện cười xứ ta đã mấy trăm năm. Còn ở mỹ học Hy Lạp cổ đại cách nay mấy ngàn năm, thời đó "thuyết bắt chước" đang rất thịnh hành thế mà Platon (427-347 TCN) còn khẳng định: "bắt chước chỉ nắm được ảo ảnh chứ không nắm được chân lý".

Sinh học hiện đại chứng minh em bé và động vật cùng bắt chước nhưng khác về bản chất. Em bé bắt chước để hình thành tư duy. Động vật bắt chước tự nhiên để tồn tại, không sáng tạo. Loài bạch tuộc có thể bắt chước hình dáng của hơn 15 loài khác nhau nhưng vẫn không tiến hoá để "thông minh" hơn. Vì đó là bản năng sinh tồn.

Như vậy đã là con người thì phải sáng tạo. Trong nghệ thuật càng phải sáng tạo, càng phải mới, phải không giống ai.

Thế mà ở ta, không hiểu sao, ở thế kỷ XXI văn minh mà lại có nơi tổ chức thi "bắt chước thần tượng", có hẳn một ban giám khảo chấm thi xem ai hát, cười, nói năng… giống "y chang" thần tượng của mình!

Không chỉ thế. Như ở phương Tây có trường phái "hậu hiện đại" sản phẩm văn hóa ra đời trong lòng các nước tư bản phát triển những năm giữa thế kỷ XX có cơ sở xã hội và ý thức của thời kỳ hậu công nghiệp: Văn minh tin học bùng nổ, internet kết nối toàn cầu thành một cái làng, chủ nghĩa kỹ trị lên ngôi... từ đó dẫn tới khủng hoảng niềm tin, con người hoài nghi cả Thượng đế (bây giờ không cần Chúa vẫn có thể tạo ra những điều kỳ lạ).

Thế là người ta khái quát thành lý thuyết với quan niệm về con người dị thường, ảo giác hoá, con người sống trong hoài nghi, hư vô, bi quan, phi lý... Tương ứng với quan niệm này là cả một hệ thi pháp hậu hiện đại, như chủ đề phi trung tâm, không bản chất, sáng tác ngẫu hứng, lắp ghép, phân mảnh, hình ảnh quái gở, ngôn từ tục tĩu...

Thế mà ở ta có người coi là phương pháp sáng tác tốt, tung hô và áp dụng. Thực ra "hậu hiện đại" chỉ nên được coi là yếu tố ảnh hưởng theo con đường tiếp biến văn hoá. Nên phân tích kỹ và chỉ tiếp thu cái gì phù hợp cơ sở xã hội và ý thức văn hoá của ta.

Nhà văn Hộ trong "Đời thừa" của Nam Cao suy nghĩ rất đúng về thiên chức sáng tạo: "Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có". Nghĩa là những ai lười biếng, ăn sẵn, bắt chước… thì không được cấp hộ chiếu đi vào địa hạt của văn chương.

Tây Thi vốn đẹp, đến nỗi khi đau bụng mặt mày nhăn nhó, người ngoài nhìn vào lại thấy như đẹp hơn. Thì ra tác phẩm nghệ thuật chỉ sợ không hay, chứ nếu hay thì chẳng may có "đau bụng" tức khiếm khuyết nào đó nhưng có nội lực sẽ vẫn cứ được bạn đọc khen ngợi. Nhiều khi một viên ngọc quý, cái vẻ riêng, cái ngộ nghĩnh, cái khác thường lại nằm một phần ở "vết". Đông Thi vốn đã xấu, lại có tính ăn theo nên thấy Tây Thi nhăn mặt, cũng học theo, người ngoài trông thấy cứ như là con khỉ làm trò.

Mình có thế nào cứ sống theo cái của mình, bằng cái của mình, đừng làm theo người khác. Nhất là trong công việc sáng tạo nghệ thuật là địa hạt của cái độc đáo, đặc sắc, phải có lối đi riêng, cá tính riêng, đừng theo đuôi người ngoài, sẽ chẳng được cái tích sự gì.

Người Việt ta cũng thật sâu sắc thâm thúy trong việc giễu cái bệnh bắt chước qua truyện cổ tích "Hai cô gái và cục bướu". Chuyện kể có cô gái chẳng may có cục bướu trên mặt. Một hôm vào rừng lấy củi quá khuya, gặp lũ quỷ đang ca hát rất là vui vẻ, cô hát theo và vui đùa với chúng. Bọn quỷ rất thích bèn rủ cô hôm sau đến nữa và lấy luôn cục bướu "làm tin". Cô gái mất bướu trở nên xinh đẹp. Về nhà cô kể cho mọi người. Một cô gái nọ con nhà giàu, cũng có cục bướu nghe vậy cũng vội vào rừng. Thấy quỷ cô kinh tởm, khinh thường. Lũ quỷ bực tức đuổi cô đi và không quên trả cái của "làm tin" hôm trước. Thành ra trên mặt cô ả hoành tráng cả hai cục bướu!

Cái bệnh bắt chước thật tai hại, không khéo sẽ mang vạ vào thân.

Nhà văn muốn có cái khác, cái mới thì phải có cá tính sáng tạo.

Cá tính là cái riêng, nổi trội để tạo ra tiếng nói riêng, giọng điệu riêng. Khi nhà văn lặp lại chính mình, lặp lại tiền nhân, lặp lại người khác, tức là đã tự mình đi vào ngõ cụt. Dạy điều này cho con cháu xứ ta, có lẽ ít ai nói sâu mà thẳng như cụ Cao Xuân Dục: "Nếu chỉ biết rập khuôn, chắp nhặt những cái sáo cũ, thì dù cho câu đẹp lời hay, vẽ trăng tả gió, những ý hướng không ký thác vào được, thì rốt cuộc cũng là bắt chước giọng điệu người khác, chẳng nói lên được tính tình thực của mình".

Hình minh hoạ truyện “Hai cô gái và cục bướu”.

Tác phẩm nghệ thuật luôn phải tạo ra cái mới, tiến bộ, phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ, mới mẻ, độc đáo. Người nghệ sỹ làm giàu cho xã hội không bằng số lượng của cải vật chất mà bằng các giá trị tinh thần, làm mới các giá trị tinh thần. Bởi, sự thật có khi chỉ là một nhưng phải cần nhiều cái nhìn, nhiều cách cảm, nhiều cách hiểu, nhiều cách lý giải để cho sự thật thêm phong phú về ý nghĩa, thêm sâu sắc về bản chất. Tức là nghệ sỹ không sợ thiếu đối tượng miêu tả, phản ánh mà chỉ sợ thiếu tài năng, thiếu cá tính mà thôi.

Nghệ thuật hoạt động theo quy luật của tình cảm. Một tác phẩm hay phải là sự biểu hiện tình cảm, tâm tư, khát vọng của con người. Xưa nay các tác phẩm kinh điển đều là sự kết tinh ước mong hoài bão về những điều tốt đẹp hơn. Cụ Lê Quý Đôn, nhà bác học lớn của ta nói làm thơ có ba điều chính: một là tình, hai là cảnh, ba là sự. Như thế nghệ thuật nói chung đều phải lấy cái gốc, cái tiền đề thứ nhất là tình cảm. Chúng ta hiểu một tác phẩm hay phải là sự nâng đỡ, hướng con người đến thiện. Nó làm thanh khiết, đạo đức hoá con người, nó làm cho "người gần người" hơn.

Văn học luôn phải là tiếng nói mới mẻ về đời sống nhân sinh, về những tâm trạng luôn khát khao đưa ra những cái nhìn mới, cách tư duy mới. Nhà văn muốn đánh thức ở người đọc những khát khao về lẽ đời, lẽ người, tình người, tình đời thì phải luôn tìm đến cái mới. Bởi đúng với quy luật của tình cảm là không chấp một lối quen mòn sáo.

Với nghệ thuật, cũ cũng là một cách bắt chước. Vì như một nhà triết học nói người đầu tiên ví cô gái với hoa hồng là một thiên tài, người thứ hai cũng ví thế là một kẻ bắt chước, người thứ ba cũng ví vậy thì là một thằng điên. Nhưng sao vẫn còn nhiều những "tác phẩm" quanh quẩn mãi vẫn vài ba dáng điệu, nhàm, mòn, đơn điệu, tù túng…Vì sao vậy? Điều này được Chế Lan Viên lý giải một cách hình tượng trong bài thơ "Tiếng hát con tàu": "Ngoài cửa ô? Tàu đói những vầng trăng/ Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp/ Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi/ Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép/ Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia...".

Nhà thơ họ Chế này rất "thâm" khi nói cái câu "Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép", là có ý đưa ra bài học cho các nhà văn: muốn có tác phẩm thì phải mở lòng với cuộc đời, đi vào những miền đất mới để lăn lộn mà sống như con ong hút nhuỵ đời mà tiết ra mật thơm văn chương!

Nguyễn Thanh Tú
.
.