Sáng tạo văn học nghệ thuật: Đừng chạy theo phong trào

Thứ Hai, 31/12/2012, 08:00
Nghệ thuật thường có những khunh hướng, những trào lưu rộ lên rồi lại chìm. Với những trào lưu, khuynh hướng do nhu cầu của chính nghệ thuật đòi hỏi, tuy mất đi nhưng nó vẫn để lại một cái gì. Khoảng một thế kỷ nay, chúng ta đã chứng kiến trào lưu tượng trưng, ấn tượng, siêu thực, phi lý rồi hậu hiện đại… và vô số những biến tướng của nó trong nghệ thuật. Nhưng những trào lưu, xu hướng theo "phong trào" nhiều khi là thời thượng, chụp giựt thì sau khi chết đi, thường không có gì để lại...

Khi còn tuổi đi học, không cần nghĩ nhiều, tôi đã hoàn toàn tin vào những định đề: Chẳng hạn như văn học dân gian là nguồn sữa không bao giờ vơi cạn của nghệ thuật; người thầy trong sáng tạo nghệ thuật của ta bao giờ cũng là những người lao động. Với niềm tin ấy, tôi yên tâm một cách ngây thơ rằng đó là chân lý, những chân lý giản đơn và không bao giờ thay đổi. Cũng cái đà này, tôi cùng nhiều người khác tiếp nhận một cách không hề khó khăn những nhận định như nước ta rừng vàng biển bạc, vô cùng giàu đẹp, dân ta vô cùng cần cù, thông minh và sáng tạo… vv…

Nhưng rồi lớn lên, lăn vào cái nghề khốn khổ này, rồi từng trải hơn, hiểu và yêu đất nước, yêu con người hơn tôi mới nhận ra rằng tất cả những lời tôi vừa dẫn ra đều đúng nhưng không phải như tôi nghĩ. Rằng cái gì cũng có hai mặt của nó như âm và dương, phải và trái, ngày và đêm, tối và sáng, xấu và tốt. Rằng không có gì là tuyệt đối cả và chúng tồn tại mãi, bên nhau mãi mãi, không bao giờ một phía bị tận diệt bởi nếu không có xấu thì làm gì có tốt; không có tối thì làm gì có sáng. Khi soi những chiêm nghiệm đó vào nghệ thuật, tôi bỗng le lói lên ý nghĩ rằng hình như những người làm nghệ thuật chúng ta hay mắc thói a dua, phong trào; hay tuyệt đối hóa một cái gì đó và kết quả của sự hời hợt đó là sự cùn mòn, sự đổ vỡ nhiều khi thật đáng tiếc.

Cần dẫn chứng điều đó ư? Không khó lắm.

Một thời gian dài, có đến nửa thế kỷ, chúng ta kỳ thị tiểu tư sản, xem nhẹ trí thức, coi đó là những người không có hệ tư tưởng riêng, hay hoang mang dao động, lập trường bấp bênh. Kết quả là hình tượng người trí thức gần như vắng bặt trong văn học nghệ thuật. Vắng bóng người trí thức (mặc dù họ tồn tại thật trong đời), cuộc sống của con người, một giai đoạn cách mạng rồi những cuộc chiến tranh có tính bước ngoặt vô tiền khoáng hậu trong lịch sử dân tộc được chúng ta mô tả trong nghệ thuật hình như mất đi một phần chân thật, hụt hẫng một phía nào đó. Và bây giờ thì ngược lại, hầu như các tác phẩm đều xoay quanh thân phận người trí thức, những người "trí thức nhỏ bé" như hình mẫu Akaki Akakievich của Gogol, còn những nhân vật thuộc giai tầng khác thì chỉ vật vờ nhân vật phụ hoặc  hoàn toàn vắng bóng.

Nhiều cuộc tuyển chọn diễn viên được thực hiện kỹ càng song phim truyền hình Việt Nam vẫn bị khán giả trong nước xem nhẹ (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Cũng một thời gian dài trong sáng tác, chúng ta hùa theo một quan niệm cho rằng phải lấy biểu dương làm chính, nói nhiều về ánh sáng thì bóng tối sẽ bị thu hẹp. Kết quả là trong văn học nghệ thuật và trên báo chí hình thành một vệt dài tô hồng hiện thực, chỉ thấy biểu dương mà không thấy phê phán, chỉ thấy tốt mà không thấy xấu mặc dù rời mắt khỏi trang sách, người ta phải lập tức đối mặt với cái xấu ngày càng lộng hành, xảo quyệt. Sự giả dối trở thành xu hướng, thành trào lưu ấy đã khiến công chúng ngoảnh lưng lại với văn học nghệ thuật, coi thường nhà văn. Trong dân gian lan truyền một câu thành ngữ chế giễu "nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm". May mà có chủ trương về văn nghệ từ Đại hội VI chấm dứt tình trạng đáng ngượng này.

Về phát huy truyền thống, ngay vào những ngày này vẫn tồn tại những luồng ý kiến khác nhau. Có khuynh hướng muốn "hiện đại hóa" chèo, tuồng, cải lương để phù hợp với nhịp sống đương đại (kết quả là cho ra đời những ông Tây mũi lõ hát chèo, những anh công nhân hát tuồng bên cỗ máy đang chạy). Khuynh hướng thứ 2 muốn giữ nguyên phong cách cổ ngay với đề tài hiện đại (và tất nhiên họ phải thất bại, không thể thể hiện một trận bóng đá bằng chèo hay tuồng được). Suy cho cùng, tuy là hai khuynh hướng nhưng ý tưởng chỉ là một, đó là muốn níu kéo ở lại những gì đã qua. Việc cứ lẩn quẩn trong sự tiếc nuối, níu kéo đó đã làm chậm lại sự phát triển của sân khấu truyền thống. Tại sao không đưa nó vào các "bảo tàng sống" để lưu giữ, nghiên cứu, phục vụ những đối tượng hẹp với kinh phí của nhà nước để chấm dứt cảnh bế tắc, sống dở chết dở của không ít đoàn chèo, tuồng, cải lương hiện nay?

Trước có "phong trào" thì nay cũng có "phong trào" trong văn học nghệ thuât, thậm chí còn rộng lớn, quyết liệt hơn và hậu quả thì chỉ nhìn lướt qua cũng  thấy ít ra là không thua kém. Đó là phong trào làm phim thương mại, phong trào đầu tư cho phim truyền hình trong nghệ thuật điện ảnh. Chỉ trong vài năm, từ chỗ phải cố gắng lắm mới đủ phim cho 30% thời lượng dành cho phim trên truyền hình, ta đã có dư dả nếu không nói là thừa phim cho không chỉ đài truyền hình trung ương và cả 63 địa phương và 4 đài khu vực. Tuy tăng rất nhanh về số lượng nhưng chất lượng của phim truyền hình giảm. Trừ một số cá biệt còn đa số phim đều bị công chúng lạnh nhạt. Về dòng phim thương mại, tuy số lượng không ít nhưng do chất lượng phim không cao nên gần 20 năm nay, loại phim này cũng chưa đóng góp được gì đáng kể cho nghệ thuật điện ảnh hoặc thị trường điện ảnh Việt Nam. Nghĩ rằng đã có lối thoát nhưng sau nhiều năm làm theo "phong trào", điện ảnh Việt Nam lại đang rơi vào bế tắc. Con đường cứu điện ảnh cuối cùng vẫn phải là tài năng mà muốn có tài năng phải qua đầu tư, đào tạo nhiều năm. Một ngôi nhà dưới thung lũng dù bao nhiêu tầng vẫn không thể bằng ngôi nhà một tầng trên đỉnh núi vì nó được đặt trên một mặt bằng cao hơn hẳn.

Điển hình hơn là phong trào nhạc trẻ hiện nay. Công chúng âm nhạc từ chỗ nghi ngại tới chỗ bực bội và bây giờ từ chỗ bực bội đến chỗ không còn bực bội nữa. Họ lặng lẽ bỏ đi khỏi chỗ không phải của mình. Hậu quả của một xu hướng âm nhạc xô bồ, chối từ truyền thống một cách không thương tiếc, nhập khẩu những sản phẩm xa lạ từ bên ngoài vào và quan trọng nhất là sự nghèo nàn về tư tưởng trong nghệ thuật đã khó để lại một ca khúc nào, một tên tuổi nhạc sĩ hay ca sĩ nào của dòng nhạc này bền vững trong lòng người nghe.

Nghệ thuật thường có những khunh hướng, những trào lưu rộ lên rồi lại chìm. Với những trào lưu, khuynh hướng do nhu cầu của chính nghệ thuật đòi hỏi, tuy mất đi nhưng nó vẫn để lại một cái gì. Khoảng một thế kỷ nay, chúng ta đã chứng kiến trào lưu tượng trưng, ấn tượng, siêu thực, phi lý rồi hậu hiện đại… và vô số những biến tướng của nó trong nghệ thuật. Nhưng những trào lưu, xu hướng theo "phong trào" nhiều khi là thời thượng, chụp giựt thì sau khi chết đi, thường không có gì để lại. Chúng ta, buồn thay, hầu hết chỉ có loại thứ hai.

Để khép lại bài này, tôi lại nhớ đến một "phong trào", đó là phong trào tìm về cội nguồn, sau khi có lời kêu gọi xây dựng một nên văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trước một yêu cầu đúng đắn nhưng là một định hướng bền lâu, rất khó thực hiện đó, trong giới văn nghệ sĩ có một bộ phận ồn ào, cho ra đời ngay không ít các tác phẩm "nhại" cổ khoác tên phát huy truyền thống. Truyền thống, tinh hoa, bản sắc dân tộc là những từ có nội hàm rất sâu sắc và phức tạp, đến ngay bây giờ cũng chưa dễ có câu trả lời thuyết phục. Có lẽ trong thực tiễn sáng tạo, sẽ vỡ dần ra. Cách đây mấy chục năm, khi trò chuyện với đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, chúng tôi có bàn đến ý nghĩa tích cực cũng như tiêu cực của tục ngữ. Không hiểu sao, điều này cứ bám riết tâm trí tôi, không sao dứt ra được. Đến bây giờ, mới vỡ lẽ ra rằng phần lớn những câu tục ngũ đó đều có hai xu hướng tích cực và tiêu cực tùy theo văn cảnh. Thì ra, trong một văn cảnh nào đó, một sự liên tưởng nào đó, nhiều câu tục ngữ đã mang ý nghĩa tiêu cực của một nếp suy nghĩ tiểu nông, phân tán, lạc hậu và tâm lý ích kỷ, hẹp hòi. Ta có thể lấy ra hàng loạt câu với ý nghĩa tiêu cực như thế: "Đèn nhà ai nhà nấy rạng" (ích kỷ), "Ở bầu thì tròn ở ống thì dài", "Gần mực thì đen gần đèn thì sáng" (cơ hội) hoặc những câu tưởng là chỉ có mặt tích cực cũng dễ dàng hiểu sang ý khác mà chưa biết ý nào trội hơn: "Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn", "Trâu ta ăn cỏ đồng ta" (cục bộ, địa phương chủ nghĩa); "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" (dòng tộc chủ nghĩa). Nếu vận dụng theo nghĩa xấu, những câu tục ngữ này sẽ có tác hại chứ không chỉ như các nhà phê bình, nghiên cứu ca ngợi một chiều.

Học truyền thống, giữ truyền thống, theo phong trào khó thế. Phải nghĩ kỹ, cân nhắc nhiều chiều nếu không sẽ rơi vào thời thượng, hời hợt

Vũ Duy Thông
.
.