Bản dịch “Cổ Duệ từ” trọn vẹn: Trăng in dưới nước

Thứ Năm, 15/10/2020, 14:52
“Cổ Duệ từ” của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870) là từ tập duy nhất hầu như còn nguyện vẹn tới nay, với đầy đủ đặc trưng về phong cách từ uyển ước. Nhân dịp bản dịch trọn vẹn “Cổ Duệ từ” phát hành (2020), chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng Thạc sĩ Nguyễn Quang Duy, người chuyển ngữ sang quốc âm toàn bộ tác phẩm này.


- TS Phạm Văn Ánh (Viện Văn học) từng viết, “Cổ Duệ từ” hiện không thấy trong các kho tư liệu Hán Nôm, có phần chắc là đã mất. Vậy cơ duyên nào đã khiến ông tiếp cận được với “Cổ Duệ từ”?

+ “Cổ Duệ từ” là “từ tập” khá dày dặn, còn tương đối nguyên vẹn nhưng chưa tìm thấy trong các kho tư liệu ở Việt Nam, ngoài 14 bài đã được ông Phan Văn Các năm 1999 dịch ra từ cuốn “Vực ngoại từ tuyển”, tuyển tập sáng tác từ chữ Hán của các tác giả ngoài Trung Quốc (TQ). 

Tôi chú ý đến “từ tập” này khoảng năm 2011 khi đọc bài viết của ông Trần Nghĩa “Cổ Duệ từ” của Miên Thẩm dưới dạng toàn vẹn của nó” đăng trên Thông báo Hán Nôm học năm 2001. Trong bài viết, ông Trần Nghĩa mô tả đã tiếp cận và chép lại từ tập này khoảng “cuối thập niên 60 của thế kỷ trước” khi ông du học ở Trung Quốc, cũng như đã dịch một phần lời bạt của Dư Đức Nguyên viết khi gửi bản thảo chép tay “Cổ Duệ từ” đến tạp chí Từ học quý san (THQS) để công bố. 

Như vậy, hai nguồn thông tin nói trên đều chỉ dẫn đến một địa chỉ là các xuất bản phẩm của tạp chí THQS, một tạp chí chuyên về “từ học” tồn tại từ năm 1933 đến năm 1936 tại Thượng Hải (TQ). Trong môi trường khá cởi mở về học thuật, tôi truy cập vào kho chia sẻ tư liệu trên các trang mạng về khoa học xã hội của Trung Quốc và đã tìm được toàn bộ bản scan các số tạp chí nêu trên dưới dạng file PDF. “Cổ Duệ từ” được in trong số thứ 2 của năm 1936 với 104 đề mục và trọn vẹn lời bạt.

Dịch giả Nguyễn Quang Duy. Tác phẩm “Cổ Duệ từ”.

- Bản dịch này cho thấy sự công phu của ông. Đó là, đối với mỗi bài, ông đưa nguyên văn chữ Hán, phiên âm tiếng Việt (ngắt câu phân phiến), rồi dịch nghĩa, chú thích mỗi bài đều có phần dịch theo nguyên điệu. Xin được hỏi, công việc này đã tiêu tốn của ông bao lâu thời gian?

 + Từ năm 2011 có trong tay bản “Cổ Duệ từ”, tôi tiến hành khảo sát và thấy một số điểm như sau:

Thứ nhất, “Cổ Duệ từ” trên THQS được in dưới thời Dân quốc (TQ), cách trình bày một bài từ và ký hiệu ngắt câu (cú, đậu) khác so với tư duy thời nay. Vì vậy, đối với từng bài, tôi đã căn cứ trên “Khâm định từ phổ” đời Thanh, “Đường Tống từ cách luật” của Long Du Sinh (TQ) để gõ lại nội dung bằng chữ Hán, ngắt câu, phân phiến cho phù hợp. Quá trình đó giúp tôi phát hiện được các thiếu sót, dị biệt và đưa ra một số nhận định.

Thứ hai, nội dung các bài từ phần lớn gắn với những sinh hoạt thường nhật của Tùng Thiện vương, đề cập đến những sự kiện, địa danh và nhân vật có thật như: Miên Trinh, Miên Khoan, Quý Khanh, phò mã Khắc Trai, Cao Bá Quát, Hạc Nô… Đây là một khó khăn cho người dịch nếu không nắm rõ được về bối cảnh sáng tác. Bởi vậy, tôi tham khảo “Nguyễn Phúc tộc thế phả”, “Đại Nam liệt truyện”, “Đại Nam thực lục”…, cố gắng tìm hiểu những vấn đề liên quan.

Thứ ba, Tùng Thiện vương Miên Thẩm là một bậc thi ông, thi bá của nhà Nguyễn, học rộng các sách, nên ngôn ngữ rất hàm súc, uyên bác, sử dụng nhiều điển tích, điển cố; do đó nếu sơ suất, không tra cứu, chú thích kỹ sẽ dẫn tới không hiểu hết, hoặc không làm sáng tỏ được các tầng lớp ý tứ mà tác giả đã gửi gắm.

Thứ tư, từ tại Việt Nam còn khá xa lạ, không có tính phổ biến như thơ. Vì

Dịch giả Nguyễn Quang Duy sinh năm 1981, Thạc sĩ Kinh tế, hiện công tác trong ngành Ngân hàng. Ông đồng thời tham gia giảng dạy về thư pháp tại Nhân Mỹ học đường (Hà Nội)... 

vậy, tôi tìm đọc bản dịch lục bát và nguyên điệu của các tiền bối như ông Nguyễn Xuân Tảo, Nguyễn Chí Viễn, Phan Văn Các… và một số bài từ Nôm của Phạm Thái (Lê mạt) để chọn lựa cách dịch sao cho độc giả dễ tiếp cận nhất với ngôn ngữ của thể loại.

Từ những điểm nêu trên, song song với quá trình tự trau dồi thêm về kiến thức về Hán Nôm, tôi đã thử nghiệm dịch theo nguyên điệu từ năm 2011, để hoàn thiện được bản dịch 104 đề mục trong “Cổ Duệ từ” vào đầu năm 2019.

-  Qua bản dịch trọn vẹn “Cổ Duệ từ” đã cho người đọc biết thêm về tài năng văn chương của một bậc thi ông trên văn đàn nhà Nguyễn: Bạch Hào Tử - tức Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Ông có cho rằng, tài năng văn chương của Tùng Thiện Vương đúng với lời truyền tụng: “Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”?

+ Câu trên tương truyền của vua Tự Đức khen về tài năng làm “thi” của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, còn từ thì đương thời vẫn có tư duy “thi tôn từ ti” (thơ tôn quý, từ thấp kém), coi từ chỉ là thể loại văn học “diễm khoa” làm ảnh hưởng đến việc tu dưỡng đạo đức của nhà Nho. 

Dẫu là như thế, qua nội dung “Cổ Duệ từ” và lời tựa “từ tập” do chính Tùng Thiện Vương viết, cho thấy trên nền tảng chung Hán học rất thâm sâu của vương, thêm vào đó là cuộc sống an nhàn, đầy đủ và không gian giao lưu xướng họa sôi nổi giữa các hoàng thân, văn nhân ở Huế, đã tạo môi trường thuận lợi để vương dành nhiều tâm huyết cho thể loại văn học này. 

Tùng Thiện Vương rất chú ý đặt mua, sưu tầm các sách “Túy biên”, “từ tập” cổ kim và nhanh chóng cập nhật về các “từ phái” tại nhà Thanh đương thời khiến cho ngôn ngữ từ của vương đạt tới mức điêu luyện của “từ phái” uyển ước. 

Thành tựu về từ của Tùng Thiện Vương đã khiến cho những người TQ như Lương Sằn Dư thích thú chép lại để lưu giữ, nhà “từ học” tên tuổi của TQ là Hạ Thừa Đảo dành những lời khen ngợi. Có thể thấy, tài năng “điền từ” của Tùng Thiện Vương thậm chí đã được chứng minh ở “xứ người”, trên quê hương của từ.

Tác phẩm “Cổ Duệ từ”.

- Trở lại với ý kiến của TS Phạm Văn Ánh đã nêu ở trên về việc biến mất của các tác phẩm Hán Nôm của nhiều danh gia nước Việt, hoặc như ông đọc “Cổ duệ từ” lại ở Từ học quý san, chứ không phải ở một kho sách Hán Nôm nào trong nước. Ông có buồn phiền về thực trạng này không?

+ Đối với các thư tịch Hán Nôm nói chung, tôi lấy làm tiếc vì hiện trạng mất mát nhiều do con người, do thiên tai địch họa. Có những sách hiện chỉ tìm được ở các thư viện ngoại quốc. Tôi nghĩ rằng, cần tiếp tục sưu tầm rộng trong và ngoài nước để kịp thời gìn giữ và phát huy các giá trị từ những tư liệu đó.

- Sau bản dịch 14 bài của PGS Phan Văn Các trong “Cổ duệ từ” với tên gọi “Khúc hát gõ mái chèo” (1999), đến bản dịch trọn vẹn của ông năm 2020 này. Mỗi bản dịch như ngón tay chỉ trăng. Có người đã chia sẻ như vậy. Trong trường hợp có một bản dịch trọn vẹn khác ra đời, ông hào hứng đón chờ chứ?

+ Tôi lại nghĩ thế này, “Cổ Duệ từ” bản chữ Hán là “trăng” - cái thường hằng, đương nhiên các bản dịch từ sang quốc âm sẽ chỉ là “trăng in dưới nước” (thủy nguyệt), khó phản ánh đầy đủ diện mạo chân thực. 14 bài chữ Hán in trong “Vực ngoại từ tuyển” vốn có một số sai sót về mặt chữ và ngắt câu theo cách luật so với nguyên bản đăng trên THQS. Vì vậy, tôi thấy cần so sánh giữa 2 bản, cũng như tham khảo 9 bài trong “Nhạc phủ thám châu” để có bản chữ Hán chính xác hơn cả, trước khi bắt tay vào dịch.

Đối với tôi, ngay sau khi đã xuất bản bản dịch “Cổ Duệ từ”, tôi vẫn tiếp tục phát hiện thêm nhiều điểm mới liên quan đến bối cảnh sáng tác các bài từ, đồng thời nhận ra một số thiếu sót do nhận thức của cá nhân tôi tại thời điểm dịch. Tôi hy vọng sau này sẽ có điều kiện hoàn thiện thêm bản dịch và hệ thống chú thích để độc giả hiểu hơn nữa về từ tập này. Trong trường hợp có một bản dịch trọn vẹn khác ra đời, tôi nghĩ là một điều mừng vì chí ít “từ học” tại Việt Nam cũng đã được để ý đến. 

- Xin cám ơn những chia sẻ của ông.

Kiều Mai Sơn (thực hiện)
.
.