Kỷ niệm 95 năm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (7/11/1917-7/11/2012)

Bản dịch bài thơ "Đợi anh về" ra đời như thế nào?

Thứ Ba, 20/11/2012, 08:00

Đến nay, không thể phủ nhận một thực tế, bản dịch tác phẩm "Đợi anh về" của nhà thơ Nga Konstantin Simonov (1915-1979) của nhà thơ Tố Hữu là một trong những bài thơ dịch thành công nhất và có sức lan tỏa sâu rộng nhất ở Việt Nam.

Trong sự nghiệp của mình, thời gian Tố Hữu dành cho việc dịch văn học không nhiều, và các tác phẩm dịch của ông, nếu so với các đồng nghiệp khác, cũng không nhiều, nhưng nó luôn được dành một vị trí trang trọng. Trong đó, chỉ với một "Đợi anh về" thôi cũng đủ để Tố Hữu lưu một dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực này.

Bài thơ được dịch qua bản tiếng Pháp chứ không phải nguyên bản tiếng Nga, và được dịch trong kháng chiến chống Pháp. Trong hồi ký "Nhớ lại một thời", Tố Hữu có kể lại quá trình ông dịch bài thơ này: Bấy giờ, ông đang đầu quân tại một đơn vị bộ đội. Một đêm, nghe một chiến sĩ bất chợt thốt lên: "Trời ơi là trời, nhớ vợ quá các bác ơi", như đồng cảnh ngộ, Tố Hữu ngồi bật dậy trò chuyện với anh lính và nhân thể, ông đọc cho anh nghe bài thơ "Mưa rơi" ông viết về vợ mình (bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thành ca khúc "Mưa rơi" nổi tiếng). Anh lính nghe bài thơ, thích quá cất lời khen: "Bác tả giống vợ em thật, tài quá". Từ kết quả ấy, trong Tố Hữu dậy lên một ước muốn làm được những bài thơ có thể vợi nỗi nhớ nhung của người lính.

Sáng tác thì hơi khó, phần vì quan điểm của ta lúc bấy giờ, phần vì Tố Hữu không có sở trường trong thể tài thơ tình. Bất chợt, ông nhớ trong túi dết của mình để ở nhà bà Gái có một cuốn thơ của bảy nhà thơ Nga dịch ra tiếng Pháp, trong đó có bài "Đợi anh về" của Simonov ông rất thích. Vậy là ông quay về nhà bà Gái để chép lại bài thơ ấy rồi trở lại đơn vị. Tố Hữu dịch và hoàn tất bản dịch rất nhanh, dù rằng đây là lần đầu tiên ông dịch thơ. Thoạt đầu, bài thơ được Tố Hữu đọc cho các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyên Hồng nghe, mọi người đều khen hay. Đến khi đọc cho anh em bộ đội nghe, ai nấy đều xúc động, nhiều người rơi nước mắt.

"Đợi anh về" được Simonov sáng tác vào những năm đầu thập kỷ 40 (của thế kỷ trước), khi phát xít Đức dữ dội tấn công Liên Xô. Thời kỳ này, nhà thơ là cán bộ tòa soạn Báo Sao đỏ - gần như ông có mặt ở khắp các chiến trường nóng bỏng. "Đợi anh về" như lời kêu gọi cháy bỏng, lời động viên thấm thía những người vợ, người em gái hậu phương vững tin vào ngày chiến thắng.

Bài thơ từng gây xúc động hàng triệu, hàng triệu trái tim thanh niên nam nữ Liên Xô và lịch sử đã lặp lại, qua bản dịch của Tố Hữu, bài thơ đã lại trở thành tài sản tinh thần của hàng triệu thanh niên Việt Nam trong suốt mấy cuộc chiến tranh vừa qua. Những câu thơ day dứt, ngân vang trong lòng người:

Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Em ơi em cứ đợi…

Người ta từng tìm thấy trong đáy ba lô nhiều chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam đã hy sinh bản chép tay bài thơ nói trên.

Nhà thơ Simonov, trong một lần sang thăm vùng đất lửa Việt Nam, được tận mắt chứng kiến sức sống lớn lao của "Đợi anh về", đã xúc động viết bài thơ "Tặng đồng chí Tố Hữu". Bài thơ có đoạn: "Tôi biết thơ tôi nơi đây đang sống/ Trong bản dịch tuyệt vời của anh/ Và sẽ sống khi còn bao người vợ/ Đợi chờ chồng nơi chiến tuyến xa xôi". Và ông mong ước, đến một ngày, khi những người phụ nữ trẻ không còn phải gánh chịu cảnh đợi chờ như thời trận mạc, khi "Những người trong trận chiến trở về/ Ngày ấy đất cũng thanh bình trở lại/ Thì thơ tôi sẽ chết đi với tiếng thở dài êm ái/ Trong lời dịch tuyệt vời của anh". Chúng ta hiểu, đó là cách nói. Vì thực tế, sức sống của bài thơ đâu chỉ gắn với thời điểm. Và bởi vì, "chết trong lời dịch tuyệt vời" có nghĩa là nó còn sống mãi. Thiết nghĩ, không có lời khen nào hay hơn, ý nghĩa hơn.

Trong thực tế, tuy chỉ là bản dịch, song "Đợi anh về" đã được nhiều người coi là "bài thơ tình hay nhất của Tố Hữu"

Nguyễn Đức Tân
.
.