“Ballad đêm” vào mùa dâng hiến

Thứ Bảy, 26/08/2017, 08:00
Cảm quan tinh nhạy của một người được đào tạo an ninh dường như đã giúp nhà báo Ngô Đức Hành có cái nhìn rộng hơn khi bao quát các vấn đề của xã hội bằng thơ. Bên cạnh một Ngô Đức Hành bản lĩnh, sắc sảo, tinh nhạy, hằng ngày mã hóa đời sống thế sự dưới con mắt thơ, ta còn bắt gặp một thi sĩ đa cảm giữa bầu khí quyển ăm ắp lửa tình. Từ “Ví giặm quê mình”, “Con đường rạ rơm) đến “Ballad đêm”  là một hành trình tiếp nối, bồi đắp tình cảm của một cái tôi vẫy vùng, đam mê, bạo liệt trong tình yêu.


Duyên nợ với thơ ca từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng năm 1986, người đọc mới biết đến thơ “nhà quê” của Ngô Đức Hành qua một tờ báo của vùng ví giặm. Bươn chải, mưu sinh, anh cất giấu thơ mình vào cuốn sổ tay và chỉ chia sẻ với bạn tri kỉ. Mãi đến năm 1996, Ngô Đức Hành xuất hiện trở lại và sôi nổi hơn ở những năm gần đây.

Năm 1977, Ngô Đức Hành rời quê hương ra Hà Nội lập nghiệp, nhưng Hà Tĩnh, nơi gắn bó máu thịt với anh, nơi sản sinh Ví Giặm, Phường vải Trường Lưu, ca Trù Cổ Đạm; nơi có truyện thơ “Hoa Tiên” (Nguyễn Huy Tự), có “Truyện Kiều” (Nguyễn Du).., vẫn thổn thức, trăn trở, thường trực trong tâm thơ anh.

Những gì gần gụi của đất và người nơi miền ví giặm quá đỗi ngọt ngào, thân thương trong anh: “Ấm chè xanh râm ran góc xóm/ Đọi nác chát mà say....” trong “Ví giặm quê mình” vẫn là nỗi khát khao, nỗi ám ảnh của anh ở “Ballad đêm”. Tầng vỉa ẩn ức “ví giặm” như một mạch ngầm tiếp tục tăng sản cảm xúc cho “Ballad đêm”: "có con sông Nghèn đắm đuối tuổi thơ/ đê dọc chảy ngang bạt ngàn xấu hổ/ có trời quê nhà đong đầy thương nhớ/ nhớ một đời xô dạt phía lơ ngơ" (Khoảng trời có em).

Bìa tập thơ “Ballad đêm” của tác giả Ngô Đức Hành do NXB Hội nhà văn ấn hành, (2017).

Bản chất của thi sĩ là đa mang. Đã trót đèo bòng, vết tích đa mang ấy tự nhiên vận vào câu chữ, phục dựng những cảm xúc nguyên sinh. Bởi vậy, tiếng vọng kí ức cứ dội về, ám khói hồn thi sĩ, bật nên những cú "nhoài ngược thời gian” độc đáo: “anh nghe như sông Son chảy ngược bồi hồi!”, “anh dắt em đi trong lũy thừa thời gian” (Hạnh phúc), “anh muốn ướp bình minh trên môi em” (Gửi giấc ngủ của em), “Anh như giấc mơ luồn qua ngực em”,…

Đó là sự chủ động của một chủ thể trữ tình khát khao giãi bày, khát khao tận hiến, khát khao phiêu du trong thiên đường của em. Hành động “dắt”, “luồn”, “ướp” vào miền ảo ảnh của thi sĩ không hề phi lý, lên gân, bởi nó xuất phát từ một trái tim đòi yêu, đòi đồng điệu, đòi gần kề:

Say đi em,
chỉ còn lại tối nay
làn da em đã căng đầy nức nở
anh nghe và anh thở
suối khoáng sôi tận đáy mê cung

(Say đi em)

Giữa bóng tối và ánh sáng, bóng tối thường là nơi trú ngụ của những tâm hồn cần dưỡng khí, ràng rịt vết thương lòng. Vì thế, đêm được xem là không gian tâm trạng, là nơi chốn người nghệ sĩ đối diện với bóng với vách để bộc bạch hay chất vấn chính mình. Hình ảnh đêm khá dày trong "Ballad đêm". Có đến 23 từ đêm xuất hiện (chiếm 41,8%/55 bài).

Nhưng ở đây Ngô Đức Hành không chỉ mượn đêm để tỏ lòng mình mà còn cất lên bản tình ca riêng tặng cho người tri kỷ.  "anh bóng mềm miên man cỏ liếp/ mơ màng trong giấc ngủ người xưa...”. Men theo mạch tình ấy, hình ảnh em hiện ra khá rõ nét. Đó là một người con gái đẹp với dung nhan “má hồng”, “gót chân son”, “đường cong”, “ngoan hiền”, “như hạt mẩy”, dịu dàng trong “tiếng dạ miền Trung (…)/ như chưng cất ngàn năm Bàu Tró” (Tiếng dạ miền Trung) và đầy quyến rũ bởi nét ngoài lẫn trong: “Ngực non thiếu nữ/ môi nồng nàn ký tự” (Người đàn bà & trang thơ).

Những ký tự non tươi như thế vừa làm mát dòng suối tình trong “Ballad đêm” vừa thặng dư lòng trân quý của thi sĩ với em - người từng làm hồn anh “lóng ngóng”, “lơ ngơ”. Do vậy, đêm trong thơ Ngô Đức Hành là đêm ánh sáng, đêm sinh nở những thời khắc lãng mạn, tình tứ, đêm hòa điệu.

Trở lại với thơ khá muộn, ở cánh cửa ngoại ngũ tuần, Ngô Đức Hành vẫn chứng minh một hồn thơ tươi trẻ, mạnh liệt, bạo dạn trong tình yêu. Với “Ballad đêm”, Ngô Đức Hành đã tìm lại được chính mình mà bấy lâu nay con người báo chí lấn át, khiến anh khó bề cơi nới, giải tỏa mọi ẩn ức, dồn nén. Chính anh đã chân thành tâm sự, tôi viết thơ, mượn thơ để bày biện lòng mình: “Tiếng lòng cần chia sẻ và được chia sẻ để con người gần nhau hơn”. Đặt tiếng lòng này trong mùa em, người đọc như bị thôi miên, bị dẫn dắt vào vùng ám dụ của trầm tích ngữ ngôn nhục cảm. Khó bề kháng cự.

“Ballad đêm” - văn hóa mùa dâng hiến, mùa tận hiến.

Hoàng Thụy Anh
.
.