Áp lực phát triển sẽ ngày càng lớn

Thứ Năm, 03/01/2019, 08:11
"Black Mirror: Bandersnatch", cái tên ấy có thể khó nhớ với bạn, thậm chí là vô cùng mới mẻ và lạ lẫm. Nhưng hãy tin, nó chính là cái tên sau này bạn phải nhắc tới nhiều. Đơn giản, nó là lịch sử của giải trí cá nhân hoá, của điện ảnh và của công nghiệp nghe nhìn.


Đó là tên của một bộ phim nguyên bản của Netflix, được phát trên nền tảng của ứng dụng xem phim này, và được phát hành vào ngày 28/12/2018. Khác với tất cả các bộ phim trong lịch sử điện ảnh loài người, "Black Mirror: Bandersnatch" là một bộ phim tương tác và khán giả xem phim mới là người quyết định thay cho nhân vật chính.

Đơn cử, ở ngay những phút đầu của bộ phim, khi nhân vật chính Stefan Butler đến văn phòng Tuckersoft để gặp ông chủ công ty game giải trí Mohan Thakur trình bày demo bản game của mình, anh nhận được lời mời đến lập trình trọn vẹn game ấy ngay tại văn phòng cùng một nhóm hỗ trợ. Và màn hình hiện lên hai hướng "Đồng ý" và "Từ chối".

Khán giả xem phim sẽ click chuột (hoặc click màn hình cảm ứng của smart phone) để chọn phương án cho Stefan. Khi bạn chọn "từ chối", Stefan sẽ nói "Không" và được Thakur đề nghị cứ độc lập viết nốt game ở nhà để giao cho ông ta trước thời hạn 12/9.

Trong bộ phim, cứ vài phút lại có một lựa chọn như thế và khán giả sẽ là người quyết định thay cho Stefan chứ không phải đạo diễn mới là người quyết định. Điều đó dẫn đến một đáp án: Bộ phim là một câu chuyện có mở đầu và kết theo ý đồ của biên kịch, đạo diễn nhưng đường dẫn từ mở đầu tới cái kết ấy là của khán giả. Mỗi khán giả sẽ có một đường dẫn riêng và dẫn tới việc họ có một câu chuyện riêng theo cách của mình.

Để xây dựng một kịch bản phi tuyến tính nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn như vậy, thực sự là một thách thức gian nan đối với đội ngũ biên kịch. Họ sẽ phải "vỡ não" tính toán tất cả các con đường để quay về cái kết của câu chuyện mà vẫn phải đảm bảo tính logic, độ mượt mà của chuyện phim. Rõ ràng, khi quyền lực quyết định nằm trong tay khán giả ở thời đại cá nhân hoá giải trí như hiện nay, đòi hỏi đầu tư chất xám cho một bộ phim đã được đẩy lên một giới hạn mới, một tầm vóc mới hoàn toàn.

"Black Mirror: Bandersnatch" chắc chắn sẽ khó có thể được chiếu toàn vẹn ở rạp bởi lẽ ở một nơi trình chiếu đông người, không thể nào có một quyết định thỏa mãn được tất cả 100% khán giả xem phim. Có thể, khi chiếu rạp, với sự lựa chọn của phần đa số, tuyến của câu chuyện sẽ đi theo lựa chọn đa số ấy. Nó là loại phim được phục vụ chủ yếu cho môi trường giải trí cá nhân, đề cao tính riêng tư trong quyết định của người xem. Rõ ràng, công nghệ đã đẩy điện ảnh lên một bậc khác hẳn, một bậc không chỉ đòi hỏi tầm vóc của sáng tạo mà còn yêu cầu cả quy mô đầu tư để có đủ dữ liệu hình ảnh, âm thanh cho đủ các quyết định của người xem.

Với Việt Nam, để làm một bộ phim tương tác lúc này là rất khó. Nhưng chắc chắn sẽ không lâu nữa, kiểu dạng phim tương tác sẽ được các nhà sản xuất đưa vào thực hiện. Về công nghệ, chúng ta có độ cập nhật tốt với nước ngoài, đặc biệt là giới trẻ với kiến thức tốt về lập trình. Nhưng về sáng tạo tuyến tính kịch bản thì lại là dấu hỏi thách thức lớn, nhất là khi chúng ta hiện nay đang ở trong một tình trạng tương đối đáng ngại về nguồn kịch bản. Có lẽ, sẽ phải trông chờ vào thế hệ viết kịch bản trẻ, những người bây giờ vẫn còn ẩn mình đâu đó.
Văn Đoàn
.
.