Số ca nhiễm ở Bắc Giang có thể còn cao hơn, ưu tiên nhất là dập bằng được ổ dịch

Thứ Ba, 25/05/2021, 18:47
Theo Bộ trưởng Y tế, Bắc Giang phải đối mặt thách thức là số ca tăng và chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong thời gian ngắn tới đây. Bộ Y tế đã tính toán tới phương án 3.000 ca mắc bệnh nhưng tới đây số ca lây nhiễm có thể cao hơn. Do đó, ưu tiên lớn nhất là dập cho bằng được ổ dịch tại Bắc Giang, nếu không làm được thì sẽ thất bại vì dịch lây ra các địa phương khác.


Tại cuộc họp với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang vào chiều 25/5 sau khi tỉnh này ghi nhận hơn 300 ca nhiễm COVID-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh rất nóng. Thứ nhất, chủng virus lần này lây rất nhanh, rất mạnh. Virus có khả năng nhân lên và phát tán mầm bệnh rất rộng. Thứ 2, hình thái lây nhiễm trong khu công nghiệp, mật độ đông, cách nửa mét có một người, môi trường khép kín, nhà vệ sinh chung, khu nhà ăn cũng có chục nghìn người nên nguy cơ rất lớn. 

"Đóng băng" ở khu vực có nhiều công nhân

Tại Công ty TNHH Hosiden, số ca chuyển từ F1 tới F0 lên đến 55% gồm các ca lây nhiễm từ trước và cả trong khu lưu trú. Vừa qua, Bắc Giang đã tổng lực, xét nghiệm lượng mẫu rất lớn và phát hiện thêm gần 400 ca nhiễm chiều hôm nay. Bộ Y tế nhận định tình hình dịch tại khu vực tiếp tục phức tạp và ghi nhận nhiều ca mắc hơn, nên rất nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Có một điểm tôi cho rằng "tạm an tâm" là tất cả trường hợp mắc mới đã nằm trong khu phong tỏa, nằm trong công nhân trong nhà máy, khu công nghiệp nên sự lây nhiễm cộng đồng có thể có nhưng chưa phải là vấn đề lớn. Chúng ta tập trung chủ yếu là phải ngăn chặn trong toàn bộ khu công nghiệp".

Theo Bộ trưởng Y tế, Bắc Giang phải đối mặt thách thức là số ca tăng và chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong thời gian ngắn tới đây. Bộ Y tế đã tính toán tới phương án 3.000 ca mắc bệnh nhưng tới đây số ca lây nhiễm có thể cao hơn. Do đó, ưu tiên lớn nhất là dập cho bằng được ổ dịch tại Bắc Giang, nếu không làm được thì sẽ thất bại vì dịch lây ra các địa phương khác.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp chiều nay 25/5

Đề xuất một số biện pháp cụ thể đối với toàn tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Bộ phận thường trực của Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh đánh giá lại nguy cơ toàn tỉnh không riêng gì với 3 huyện đang áp dụng Chỉ thị 16, mạnh dạn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc cách ly y tế theo thẩm quyền UBND tỉnh, không ngần ngại.

 Thứ 2, với những trường hợp khi có ổ dịch tại cộng đồng, thực hiện đúng nguyên tắc truy vết, cách ly, dập dịch nhưng phải truy vết triệt để, không sót F1, tránh gây ra hậu quả khôn lường. 

Thứ 3, đối với khu có nhiều công nhân: như Núi Hiểu, Trung Đồng, phải “đóng băng” lại, và áp dụng thiết chế cách ly tập trung với khu vực này, tiến hành mở rộng cho khu vực lân cận nếu có đông công nhân và có yếu tố nguy cơ. Tất cả vi phạm trong khu đóng băng này xử lý nghiêm, nếu không sẽ thất bại. Phải coi cả vùng đó là cách ly tập trung thì mới khống chế, kiểm soát được. 

Thứ 4, đề nghị tỉnh tiếp tục giám sát sàng lọc thường xuyên, xét nghiệm ba ngày/lần. Đối với địa phương, tăng cường hoạt động tổ COVID địa phương đi từng nhà. Đối với các khu công nghiệp phải giám sát sàng lọc, nếu thấy có yếu tố nguy cơ phải mạnh dạn xét nghiệm 3 ngày/lần.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đợt dịch trước lây theo chuỗi nhưng lần này ngoài lây qua chuỗi, virus còn lây qua không khí trong không gian hẹp, môi trường kín, nên nguy cơ lây không chỉ trong vòng 2m. Tinh thần chung là làm “sạch” công nhân, từng bước bằng xét nghiệm, nếu không sẽ rất khó dừng chuỗi lây truyền.

Phải "đánh" nhanh để thắng nhanh

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế họp với UBND tỉnh sử dụng xét nghiệm nhanh đối với toàn bộ khoảng 50.000 người có yếu tố nguy cơ rất cao với tần suất ba ngày/lần. Sau khi làm hết xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính, 7 ngày sau làm PCR một lần, để đánh giá với mẫu âm tính, từ đó điều chỉnh lại. Việc này tổ chức lấy mẫu tại chỗ và trả kết quả ngay tại chỗ cho người dân, chấp nhận nhầm còn hơn bỏ sót. Trong tuần này phải quét ít nhất 50.000 mẫu.

“Trận Đà Nẵng đánh nhanh 1 thì trận này phải nhanh 10 thì mới thắng được”, Bộ trưởng Long nói. Ông cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang, cao hơn hỗ trợ cho Đà Nẵng. Bộ Y tế có thể huy động mọi nguồn lực, thay quân cho lực lượng đã cắm chốt ở địa phương vì họ đã mệt. Bộ Y tế sẽ điều BV Chợ Rẫy, BV Phổi, BV Bạch Mai, BV Đại học Y Hà Nội hỗ trợ về công tác hồi sức, điều trị. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Bắc Giang thành lập ngay bệnh viện dã chiến, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ vật tư, máy móc trang thiết bị cho Bắc Giang.

Lãnh đạo Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho Cục Y tế dự phòng sớm trình lãnh đạo Bộ ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà ở Bắc Ninh và Bắc Giang.

 Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, về vấn đề cách ly tập trung, trong phạm vi khu vực các công nhân đang tự cách ly, mật độ những đối tượng F1 đông và F2 có nguy cơ trở thành F1 nhiều. Do đó, cần phải tính toán cách ly ở khu vực, cách ly cụ thể từng gia đình cụ thể. “Chúng ta phải rà soát kỹ đối tượng F1, xem đối tượng nào đưa đi cách ly tập trung, đối tượng nào ở nhà. Với đối tượng F1 ở nhà, chúng ta phải bảo đảm đầy đủ điều kiện, có phòng tương đối độc lập, hạn chế tiếp xúc với mọi người trong gia đình và mọi người xung quanh”, Thứ trưởng nói. 

Thứ trưởng đề nghị, Cục Y tế dự phòng sớm xin ý kiến lãnh đạo Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà ở Bắc Ninh và Bắc Giang theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Với lượng bệnh nhân lớn như hiện nay, lãnh đạo Bộ Y tế nghị tỉnh Bắc Giang cần tập trung xây dựng một đơn nguyên điều trị bệnh nhân nặng. Còn bệnh nhân không nặng phải có phương án hết sức cụ thể cho từng khu vực. Tình hình dịch tại Bắc Giang đã lan rộng hơn 10 huyện, thị xã, thành phố nên phải có cơ sở điều trị cụ thể. Còn đơn nguyên điều trị bệnh nhân nặng phải để bệnh viện đa khoa tỉnh, có sự hỗ trợ tuyến Trung ương. 

Trước tình hình diễn biến dịch ở Bắc Giang phải tính đến thu dung 3.000 bệnh nhân, nên tỉnh phải tính tiếp tục các biện pháp khác nữa như bệnh viện dã chiến hoặc mạnh dạn tư duy về việc điều trị ngoại trú, nhưng phải hết sức chặt chẽ việc này. Về kỹ thuật, các hướng dẫn cách ly tại gia đình, hướng dẫn doanh nghiệp từng bước trở lại hoạt động thì Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành, sớm ban hành theo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để làm thí điểm, sau đó sẽ rút kinh nghiệm.


Tr.Hằng
.
.